Khi con không nghe lời, mắc lỗi, cha mẹ nào cũng rất khó chịu, bực bội. Nhiều phụ huynh nóng tính còn cho con ăn đòn roi luôn, vì nghĩ rằng như thế trẻ sẽ sợ, nhớ lâu và không tái phạm nữa. Việc phê bình trẻ có vẻ như là một việc rất nhỏ. Vì nó xảy ra hàng ngày, hàng giờ, ở nhà, ở lớp. Nhưng thực tế lại không hề nhỏ chút nào, bởi nếu người lớn không hiểu tâm lý trẻ, làm sai phương pháp dạy bảo sẽ khiến trẻ ấm ức, lâu dần tích tụ lại, sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ sau này. Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, có 6 thời điểm cần tránh khi dạy con. Nếu không, mọi lời răn dạy của cha mẹ cũng chỉ giống "nước chảy lá khoai".
1. Phê bình trong bữa ăn
Trung tâm nghiên cứu thanh thiếu niên Trung Quốc đã chỉ ra nghiên cứu, trẻ em bị chỉ trích trong bữa ăn là 1 trường hợp khá phổ biến. Nhiều cha mẹ có thói quen, cứ đến bữa ăn, khi cả nhà quây quần là lại dạy con cái. Bởi họ không có thời gian nào khác dành cho con. Cha mẹ nghĩ rằng cả nhà ngồi quây quần với nhau, con sẽ nhận được nhiều lời khuyên.
Tuy nhiên đây là 1 sai lầm. Hệ tiêu hóa của con người có mối liên hệ rất lớn với cảm xúc, chất lượng của cảm xúc cũng ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa.
Khi con bị chỉ trích trong bữa ăn, tâm trạng của trẻ sẽ không vui. Như vậy con sẽ ăn không ngon miệng. Thậm chí là không muốn nuốt nữa. 1 tâm trạng tồi sẽ ảnh hưởng đến nhiều việc khác. Nếu thường xuyên bị nghe mắng chửi, chỉ trích trong bữa ăn, có thể con còn bị đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa.
2. Phê bình con trước khi ngủ
Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khi giữ 1 tâm trạng buồn bực, không tốt đi ngủ, có thể dẫn đế những giấc mơ tồi tệ, giảm chất lượng giấc ngủ. Thậm chí là còn bị mất ngủ.
Khi muốn dạy bảo con, cha mẹ cần tránh những lúc trẻ chuẩn bị đi ngủ. Có nhiều trẻ sống nội tâm, con không thể hiện sự ấm ức, buồn bã cho bố mẹ biết, mà âm thầm thút thít khóc khi lên giường ngủ. Đứa trẻ bị chỉ trích trước khi đi ngủ sẽ cô đơn và buồn bã suốt đêm, có thể nghi ngờ tình yêu của cha mẹ dành cho mình. Con cần cảm giác an toàn, thảnh thơi, vui vẻ khi đi ngủ.
3. Phê bình con trước mặt người ngoài
Cha mẹ không nên phê bình con trước đông người, nhất là người ngoài. Càng không nên, tranh thủ sức mạnh của đám đông để uy hiếp, dạy dỗ con mình. Cha mẹ đừng nghĩ làm như vậy con sẽ xấu hổ mà không dám tái phạm. Bởi những điều đó chỉ khiến con tổn thương và nảy sinh ý định chống đối hơn mà thôi.
Những câu nói đại loại như: "Con tôi nó láo lắm", "không dạy bảo được", "càng lớn càng hư"... cộng với việc so sánh con với "con nhà người ta" trước mặt bạn bè, hàng xóm, họ hàng của đứa trẻ với hy vọng là bé tốt lên thì bạn đã phạm một sai lầm lớn. Bởi trẻ con cũng có sĩ diện, lòng tự trọng. Một khi chúng bị tổn thương, cảm thấy xúc phạm, con sẽ nảy sinh ý định chống đối.
4. Phê bình khi con ốm
Khi con ốm cần sự che chở, an ủi, vỗ về từ cha mẹ. Bởi tâm hồn trẻ vốn mong manh. Những lúc này mà cha mẹ cứ thao thao bất tuyệt chỉ trích, trách mắng sẽ chỉ làm tình trạng của con xấu đi mà thôi.
Khi trẻ đau yếu, chúng cũng chỉ quan tâm đến "cái đau" của mình. Việc cha mẹ không quan tâm, còn mắng chúng sẽ khiến trẻ đau khổ, sinh lòng uất hận và xa cách cha mẹ.
5. Chỉ trích khi con đã hối hận
Khi con đã biết mình sai và nói lời xin lỗi, cha mẹ hãy chấp nhận điều đó. Nếu cha mẹ tiếp tục phê bình, họ sẽ chỉ làm tổn thương trẻ nhiều hơn.
Hiệu ứng quá giới hạn cho chúng ta biết rằng sự kích thích quá nhiều, quá mạnh hoặc thời gian hành động quá lâu đều gây ra tâm lý vô cùng nóng nảy hoặc nổi loạn.
6. Dạy bảo khi tâm trạng con đang vui hoặc buồn
Khi trẻ đang vui, đừng dội cho con gáo nước lạnh. Chúng sẽ cảm thấy hụt hẫng, thất vọng. Còn cần sự khuyến khích, khích lệ hơn là những lời chỉ trích.
Cũng tương tự, khi tâm trạng con đang không tốt, cha mẹ đừng làm mọi việc trở nên tồi tệ thêm. Khi con buồn là lúc cần yêu thương, nếu cha mẹ không thể cho ấm áp mà chỉ trích tổn thương thì nỗi buồn của con sẽ nhân gấp bội.