Gia cảnh bi đát
Không khóc nổi thành tiếng, chị Hương (38 tuổi ở xã Đông Cường, Đông Hưng, Thái Bình) vợ anh Truy Công Tiến thẫn thờ nhớ lại cái giây phút “sét đánh ngang tai” khi chị được người ta gọi điện báo hung tin: “Người ta gọi cho tôi bằng đúng số điện thoại của chồng, tôi nghe xong, cũng chẳng còn biết gì hơn nữa…”.
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 9h30 sáng 5/6 trên QL 1A đoạn đi qua xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Chiếc xe tải 1,25 tấn do anh Tiến điều khiển bị mất lái, đâm thẳng vào đuôi xe tải 12 tấn đang dừng bên đường. Cú đâm quá mạnh khiến 3 người ngồi trên xe không qua khỏi.
Không khí tang tóc bao trùm ngôi nhà nhỏ của anh Tiến – chị Hương.
“Ngày thường anh ấy rượu không uống, thuốc không hút, có lẽ đêm hôm trước anh phải thức khuya, sáng hôm sau đi chợ sớm nên mới ra nông nỗi ấy”, chị Hương xót xa phỏng đoán.
Chị cho biết, gần hai chục năm nay, anh chị lặn lội buôn bán khắp các chợ ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Từ gánh hàng rong đi bán dạo, cho đến gần đây anh chị mới tích cóp, vay mượn được tiền để mua chiếc xe tải chở hàng, giúp việc làm ăn đỡ phần vất vả.
Hàng bán cũng chỉ là quần áo đổ đống, hoa quả… Mấy năm nay mẹ chồng ốm, con nhỏ ốm, chị Hương phải về quê, việc buôn bán làm ăn một tay anh gánh vác.
“Chiếc xe cũng là xe cũ, anh ấy nhờ người mua giúp mới tháng 2 vừa rồi. Tiền vay nợ mua xe còn chưa trả hết…”… Nghẹn ngào không nói hết câu, chị Hương kể, anh chị có thuê nhà trọ ở gần chợ Vinh, Nghệ An.
Cháu Truy Công Tùng học hết cấp ba thì xin đi làm phụ bố, vừa để kiếm tiền, vừa học lấy cái nghề.
Còn cháu Truy Công Vinh học lớp 6 lên lớp 7. Cháu được nghỉ hè nên anh đón cháu vào vừa là cho con đi chơi, vừa để kèm cặp con giúp vợ một thời gian.
Trước hôm xảy ra tai nạn trời mưa, nhà bị lụt, ướt hết cả 500 chiếc quần. Cả ba bố con xoay sở dọn dẹp, giặt giũ đến tối tăm mặt mũi.
“10h đêm ngày mùng 4/6, tôi gọi điện anh còn kể lại, bảo anh mới vừa xong, mệt lắm, không nói chuyện nữa để anh đi tắm rửa, ăn uống, ngày mai còn đi chợ sớm” – chị Hương nói.
Đó cũng là cuộc trao đổi cuối cùng của hai vợ chồng chị. Cuộc trò chuyện vội vàng, vì anh đang mệt, vì các con cũng cuống lên giục bố “tắt máy kẻo tốn tiền của mẹ…”.
Dòng hồi tưởng khiến người vợ trẻ ứa nước mắt vì thương chồng, thương con.
Gia cảnh bi đát
Ngôi nhà nhỏ của anh chị Tiến – Hương chìm trong không khí tang tóc não nề. Tiếng kinh cầu rền rĩ. Tiếng thằng bé út khóc ngằn ngặt vì ốm sốt, vì khát sữa mẹ. Chị Hương để bên cạnh chiếc áo sơ mi của chồng như thể níu kéo chút hơi ấm của anh ở lại.
Chị Hương thẫn thờ trong nỗi đau quá lớn của gia đình.
Chị cho biết anh chị có được 4 người con trai. Ngoài hai Tùng, cháu Vinh, chị còn có cháu Truy Công Đạt – 3 tuổi và cháu Truy Công Hưng mới 10 tháng tuổi.
Cháu Hưng mắc bệnh u máu bẩm sinh và bệnh hen phế quản, đang điều trị tại Viện Nhi TW. Từ ngày có cháu, chị phải nghỉ hẳn việc chợ búa vì con thường xuyên đau ốm. Đã vậy, mẹ chồng chị 83 tuổi đổ bệnh tim, nằm liệt giường, chị phải thuê thêm người chăm sóc.
“Nhà có hơn một sào ruộng, làm chẳng đủ ăn nên bắt buộc hai vợ chồng phải đi làm ăn buôn bán thêm. Từ ngày mẹ ốm, con ốm, tôi nghỉ ở nhà, anh ấy thương và lo cho vợ nhiều lắm. Hai vợ chồng xa nhau, gọi điện về anh vẫn ước, giá mà em vào đây với anh được một tuần thôi…
Rồi lại an ủi nhau, hi sinh đời bố, đợi các con lớn khôn hơn, thì cuộc sống cũng khấm khá hơn, đời các con cũng đỡ khổ” – chị Hương bùi ngùi tâm sự.
Suốt 20 năm qua, anh chị đã sống với ước nguyện ấy, nỗ lực vì ước nguyện ấy. Nhưng cứ vận hạn này nối vận hạn kia, nay anh ra đi mà ước nguyện còn dang dở. Gia cảnh vốn khó khăn, giờ càng thêm bi đát.
Nhìn di ảnh của anh và hai con trên bàn thờ, chị Hương thầm thì, như thể nói với chính mình: “Anh mất, hai con mất, gia đình này có còn là một gia đình? Nếu không vì hai con nhỏ, không vì mẹ, em cũng chẳng còn thiết sống nữa làm… Mà bây giờ, em cũng chẳng nhìn thấy tương lai phải làm gì, sống thế nào? Thôi thì chỉ biết hôm nay lo hôm nay, lo mẹ già, lo con dại…”.
Lơ lửng trên đầu chị bây giờ ngoài nỗi đau thương, mất mát quá lớn, còn là những khoản nợ khổng lồ tiền hàng, tiền xe mà hai vợ chồng chưa có trả; là nỗi lo chị chưa biết làm gì, dựa vào đâu để có tiền để chăm sóc, chữa bệnh cho mẹ chồng và con nhỏ.
Điều an ủi rất lớn với chị Hương trong hoàn cảnh hiện tại, là nhận được sự thông cảm, sẻ chia của bà con ruột thịt, bạn bè gần xa.