Đi nước ngoài như… đi chợ
Trong vai người có nhu cầu đi Thái Lan làm thuê, PV đã về xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Lương - một người có thâm niên trong nghề đưa người sang Thái, Lào làm thuê giới thiệu: Cách đây hơn 15 năm người dân Mỹ Lộc vì nghèo nên bỏ quê đi làm thuê từ Bắc chí Nam nhưng cũng không khá lên được.
Thời điểm đó, một số người rủ nhau lên vùng biên giới cửa khẩu Cầu Treo bốc vác hàng lậu rồi vượt biên sang Lào, Thái Lan làm ăn. Sau mỗi chuyến hồi hương, họ xây nhà, sắm xe máy ào ào. Vì thế mà người dân ở đây đi Thái làm ăn không đếm xuể. “Thế nhưng giai đoạn này người khôn của khó, nếu không có người dẫn thì không sang được đâu, lớ ngớ là bị cảnh sát Thái tóm ngay” - Lương cảnh báo.
Theo thông tin của Lương, tuần nào Lương cũng đưa 5-7 người xuất cảnh qua Thái Lan, có người đi đi về về như đi chợ. Thời điểm này mỗi suất đưa sang tận nơi là 2,5 triệu đồng, nếu lao động chưa kiếm được chỗ làm thì chỉ cần 1 triệu đồng nữa Lương sẽ kiếm việc làm cho. Về giấy tờ người lao động chỉ cần hộ chiếu là được.
Ông Phan Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết: Hiện xã có 1.800 hộ, 7.700 nhân khẩu chủ yếu làm nông nghiệp. Người dân địa phương có phong trào đi làm thuê rất lớn, đặc biệt là đi Thái, Lào. Lao động chủ yếu đi chui, nên chính quyền địa phương rất khó nắm được thông tin. “Trong đợt bầu cử vừa rồi, chúng tôi xác định được trên 1.000 người đang đi lao động ở Thái Lan, Lào”- ông Huy nói.
Hệ lụy đau lòng
Ông Nguyễn Xuân Thống - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cho hay, hiện nay người dân Hà Tĩnh không chỉ đi lao động chui ở Thái Lan, Lào mà cả đi Angola, Mozambique… thông qua con đường du lịch, thăm người thân, kết hôn...
Vì xuất cảnh làm việc bất hợp pháp nên lao động gặp rất nhiều rủi ro. Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐTBXH Hà Tĩnh kể: Mới đây, ông cùng cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) có chuyến khảo sát tại một số địa phương có người dân đi lao động tự do ở các nước như Thái Lan, Lào. Theo đó, rất nhiều lao động bị chủ quỵt tiền. Theo đó, nắm được điểm yếu của các lao động chui, ông chủ dùng chiêu bài sau 4-5 tháng mới trả lương một lần, và gần đến ngày trả lương thì gọi điện trình báo cảnh sát sở tại là có lao động nước ngoài làm chui, thế là lao động bị tóm.
Đau lòng hơn một số lao động phải bỏ mạng ở xứ người mà gia đình âm thầm gánh chịu không được đền bù hỗ trợ. Chết thảm nhất là trường hợp Nguyễn Văn Tưởng (SN 1987, ở Mỹ Lộc, Can Lộc). Tưởng sang Thái Lan làm việc tự do nhiều năm, bất ngờ ngày 17.9.2010, gia đình nhận được tin Tưởng bị giết chết bỏ vào túi nylon, công nhân môi trường đô thị thủ đô Bangkok (Thái Lan) phát hiện được.
Trước đó vào 25.1.2010, hai nạn nhân là Nguyễn Thị Hải (36 tuổi, quê Hồng Lĩnh) và Nguyễn Thị Xuân (32 tuổi, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang lao động chui ở Angola thì bị cướp xông vào phòng ở sát hại và lấy hết giấy tờ, tiền bạc.