Bởi, với họ, những nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh thường nhật đã làm cho đôi vai họ thêm oằn, sợi tóc họ thêm bạc. Những phút tạm buông tay với công việc cũng đã là hiếm hoi thì lấy đâu mơ ước ngày 8-3 với những món quà xa xỉ.
Ngậm ngùi 8-3
Trong cuộc sống còn những bộn bề lo toan, không phải người phụ nữ nào cũng nhận được sự quan tâm, lời chúc yêu thương hay sự náo nức hân hoan chờ đợi ngày 8-3 của mình. Len lỏi vào những con đường của thành phố Pleiku (Gia Lai), tôi đã bắt gặp những người phụ nữ gần như suốt cuộc đời oằn mình với gánh nặng mưu sinh, vun vén cho tổ ấm gia đình mà chưa biết thế nào là ngày 8-3.
Bóng dáng bé nhỏ của chị Nguyệt bên xe hàng rong nặng trĩu. Ảnh: Trần Dung
Chị Nguyễn Thị Lợi, quê ở Thanh Hóa, vào TP. Pleiku kiếm sống mười năm nay. Chị vừa bán vé số vừa tranh thủ đi lượm ve chai ở các công viên, quán nước để dành dụm tiền gửi về quê lo cho con ăn học. Một ngày lao động của chị nhuốm đầy bụi đường và những giọt mồ hôi. Nói về 8-3 của mình, chị cười hiền: “Bao nhiêu năm nay tôi chưa từng nghĩ tới ngày 8-3 là ngày gì. Nhiều khi cũng muốn nhớ tới nhưng vì hoàn cảnh nên phải lam lũ kiếm thêm đồng tiền lo cho con. Ngày 8-3 thì cũng như bao ngày bình thường thôi, cũng phải tất bật với công việc của mình”.
Cũng như chị Lợi, chị Nguyễn Thị Bông (An Nhơn-Bình Định) cũng đang hàng ngày chống chọi với nắng mưa, gió bụi, đạp xe khắp mọi con hẻm của thành phố để bán đậu hũ. Với chị, hơn bốn mươi năm qua, chưa từng có một ngày 8-3. Chị biết ngày 8-3 là ngày người phụ nữ được tặng hoa, nhận quà và những lời yêu thương. Nhưng với chị, điều đó là quá xa vời. Chị tâm sự: “Phụ nữ không ai muốn xa gia đình và ai cũng muốn được nhận quà vào ngày 8-3 nhưng vì cuộc sống khó khăn nên tôi chấp nhận. Tôi quen với cảnh những ngày 8-3 một mình với xe hàng rong rồi. Có buồn cũng không thay đổi được gì”.
Nào phải chỉ có mình các chị, đâu đó khắp các ngõ ngách của thành phố, vẫn còn không ít những mảnh đời như thế. Đó là những gánh ve chai, những rổ bánh trái… rong ruổi đến tận cuối ngày. Có những người phụ nữ khi được hỏi tới ngày 8-3 chỉ biết lặng lẽ lắc đầu. Với họ, 8-3 không có ý nghĩa gì cả. Phải chăng, những người phụ nữ ấy, không biết đó là ngày Quốc tế Phụ nữ hay chỉ vì những bon chen mưu sinh tất bật giữa cái nghèo, khốn khó khiến 8-3 đối với họ trở thành một khái niệm xa xỉ?
Điều ước ngày 8-3
Bươn chải ngược xuôi giữa dòng đời, trong mỗi người phụ nữ ấy chưa bao giờ nghĩ đến ngày 8-3. Với họ, ngày nào cũng là ngày phải vất vả mưu sinh. Và nếu cho họ một điều ước trong ngày 8-3, thì những người phụ nữ mà tôi gặp đều không mong được tặng một bó hoa hay những lời chúc tụng mà chỉ là những mong ước giản dị đến nao lòng.
Liệu trong những người phụ nữ này, ai sẽ có một ngày 8-3 đúng nghĩa?. Ảnh: Trần Dung
Gặp chị Nguyễn Thị Tuyết (ngụ tại đường Trần Phú-phường Diên Hồng-TP. Pleiku) với gánh hàng rong gần 20 năm giữa một buổi trưa nắng gắt. Tôi không khỏi xúc động khi nghe người phụ nữ đã bước qua tuổi 50 chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi cùng đi bán hàng rong để kiếm tiền thuốc thang cho đứa con gái bị bại não.
Thu nhập không bao nhiêu nên tôi không cho phép mình nghỉ ngơi ngày nào, kể cả ngày 8-3. Vợ chồng tôi còn nghèo khổ nhiều nên cả đời tôi chưa hề có một ngày 8-3”. Khi được hỏi điều chị ước mong nhất cho ngày 8-3 là gì? Chị nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Tôi chỉ mong sao bệnh tật của con gái sẽ đỡ hơn, dù tôi biết điều này là rất khó”. Rồi ngậm ngùi quẹt ngang dòng nước mắt, cái bóng dáng bé nhỏ của chị lại lầm lũi cùng xe hàng rong nặng trĩu.
Chị Dương Thị Liên (phường Trà Bá-TP. Plieku) mưu sinh với gánh trái cây èo uột. Một mình chị phải lo toan cho năm đứa con và người chồng nhậu nhẹt. Cuộc sống túng quẫn khiến vợ chồng chị hay xảy ra xung đột và chị thường bị bạo hành trong những lần mâu thuẫn đó. Chị Liên tâm sự: “Tôi không hy vọng được chồng nhớ tới ngày 8.3 mà tặng quà hay có lời chúc mừng đối với mình. Chỉ mong chồng không say xỉn, tôi được đối xử tử tế, được sống một cuộc sống bình yên, không có cảnh bạo hành là hạnh phúc lắm rồi”.
Điều ước ngày 8-3 của họ thật giản đơn, bình dị: “Ước sao được ở gần chồng, gần con”; “Ước cho ngày nào cũng bán được nhiều hàng”; “Ước cho ngày nào cũng có việc để làm”… Tất cả mong ước của họ cho ngày Quốc tế Phụ nữ sao cứ khiến người ta cay cay nơi khóe mắt.
Chia tay họ - những “dấu chấm lặng của ngày 8-3”, tôi thầm cầu chúc những người phụ nữ này, mai sau sẽ có cuộc sống khá hơn và có một ngày 8-3 đúng nghĩa.