Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ và Khoa học Thượng Hải (Trung Quốc) đã đạt được bước đột phá quan trọng trong việc phát hiện dầu ăn bẩn - loại dầu được tái chế bất hợp pháp từ nước thải cống rãnh các nhà hàng. Qua quá trình lọc và chưng cất, dầu bẩn được bán lại trên thị trường với mức giá rẻ hơn nhiều dầu ăn thật và người tiêu dùng, bằng mắt thường, rất khó phân biệt.
Thiết bị phát hiện dầu ăn bẩn mà nhóm các nhà khoa học Thượng Hải chế tạo ra sử dụng sóng Terahertz (hay còn gọi là tia T). Đây là loại tia bức xạ có tần số nằm trong phạm vi từ 300 triệu đến 3.000 tỉ chu kỳ/giây. Các nhà khoa học thuộc Viện Bách khoa Rensselaer (Mỹ) cũng từng chế tạo thiết bị sử dụng sóng Terahertz, được ví như đôi mắt của siêu nhân, do có thể giúp con người nhìn xuyên quần áo hoặc đồ vật từ khoảng cách 1,6km. Điều đặc biệt là sóng Terahertz không gây hại cho sức khỏe con người như tia X.
Trong nghiên cứu của các nhà khoa học Thượng Hải, khi đi qua các mẫu dầu ăn, sóng Terahertz có khả năng nhận biết mật độ rung động của dầu, nhờ đó, phân tách được thành phần - nguyên liệu mẫu dầu ăn đó. Mật độ rung động của dầu ăn sạch và dầu ăn bẩn tái chế từ chất thải nhà bếp, động vật chết... có sự khác biệt rất lớn. Đây chính là cơ sở để phân biệt hai loại dầu ăn này.
Zhu Yiming, Phó giám đốc Trường Kỹ sư Máy tính và Quang - Điện thuộc Đại học Công nghệ và Khoa học Thượng Hải, cho biết: "Với thiết bị này, sẽ chỉ mất một phút đã có thể phân biệt dầu ăn sạch và dầu bẩn".
Trên thực tế, với hơn 70 mẫu dầu ăn được đưa đi kiểm tra bằng phương pháp mới, các nhà khoa học đã phát hiện thành công loại dầu bẩn tái chế với xác suất đúng lên tới 90%. Bộ Y tế Trung Quốc đã quyết định đưa thiết bị phát hiện dầu ăn bẩn vào danh sách những phương pháp tối ưu có thể dùng để ứng dụng trên phạm vi toàn quốc.
Thiết bị phát hiện dầu bẩn được chế tạo rất nhỏ gọn, có thể cầm tay. Nó sẽ được được giới thiệu rộng rãi tại Hội chợ Công nghiệp Quốc tế Trung Quốc 2012 diễn ra vào đầu tháng 11 tới.