Lưỡi dao thích hoá búa rìu
Khi danh tiếng bị đe doạ vì truyền thông phê phán, khán giả bắt đầu chán và chê những bộ phim của bạn, hãy chịu khó lên mạng và truyền hình phát biểu những điều thật gây sốc. Thủ thuật này có lẽ chẳng ai giỏi bằng Lê Hoàng, vị đạo diễn nổi tiếng một thời.
Phát biểu của ông trên một tờ báo mạng trong tuần qua dường như đã đạt cấp độ mới của sự ngoa ngôn, rằng: “Phim tôi làm có cái cao, cái thấp, cái hay, cái dở nhưng chưa có phim nào ngu”, làm bàng hoàng, rối trí bất cứ ai có thói quen phân tích từ nguyên trong tiếp nhận ngôn ngữ.
“Phim ngu” là phim như thế nào? Hẳn ông cũng bao gồm trong đó ngụ ý câu chuyện về bốn cô gái làng chơi trong bộ phim mới nhất của ông không phải là sản phẩm của sự ngu dốt.
Các cô sống trong mái nhà tranh, hành nghề bán bia ôm, thấy tờ tiền đô mừng phát khóc nhưng nằng nặc... thủ tiết khi có khách. Sau đó, quyết định đốt mái nhà tranh, phóng bốn chiếc xe tay ga về thành phố “săn” đại gia, và thoáng chốc đã ở trong tâm điểm của thế giới phù hoa, sang trọng…
“Phim tôi làm có cái cao, cái thấp, cái hay, cái dở nhưng chưa có phim nào ngu”
Bỏ qua một bên khả năng sử dụng ngôn ngữ mà nhiều người cho là “điêu ngoa”, còn có hai khía cạnh có thể giúp giải thích vì sao ông nổi danh mạnh miệng trong làng văn nghệ.
Thứ nhất, ông tin rằng những người chỉ trích ông “trong thâm tâm đấy là những kẻ yếu đuối, tự ti. Lấy khoái cảm bằng cách rình mò người khác”. Thứ hai, như Lê Hoàng nói, “Tại sao tôi phải sợ “búa rìu dư luận” trong khi bản thân tôi cũng là một thứ búa rìu?"
Thật kỳ lạ là chúng ta đang sống trong một xã hội mà sức mạnh đào thải yếu đến mức người ta có thể tiếp tục kiếm được danh lợi nhờ vào hào quang quá khứ và khả năng sử dụng ngôn từ.
Cú chạm vất vả vào cánh cửa điện ảnh
Cùng trong tuần qua, một đạo diễn khác cũng ngồi lại với báo chí, không phải để phô trương về bộ phim còn nằm trong đầu, mà để trò chuyện về bộ phim của anh mà giới báo chí vừa được xem. Để lần đầu tiên có phim ra rạp ở Việt Nam và Bắc Mỹ, Nguyễn Đức Minh phải trải qua một hành trình vất vả hơn hai năm cho bộ phim đầu tay Chạm (tựa tiếng Anh: Touch), do chính anh viết kịch bản.
Đạo diễn Nguyễn Đức Minh trong buổi ra mắt của Chạm
Dốc hết tiền dành để mua nhà mà chỉ được phân nửa, Minh chạy xin ở các nhà bảo trợ để kiếm đủ 200.000 USD làm phim. Tiền ít, Minh gói ghém thời gian quay trong vòng 18 ngày, với dàn diễn viên hầu hết lần đầu đóng phim, tự mình làm các khâu dựng phim, tuyển diễn viên, làm nhạc…
Ngay cả khi phim được tán dương và đoạt nhiều giải thưởng ở Bắc Mỹ, vị đạo diễn trẻ học phim ảnh tại đại học Nam California (USC, Mỹ) vẫn khá kiệm lời và hướng báo chí đặt câu hỏi cho các diễn viên đã phải khó nhọc vì bộ phim của anh.
Nói về khả năng mở ra từ thành công của bộ phim đầu tay, anh khá dè dặt: “Tôi mong phim Chạm sẽ mở cửa cho tôi. Vì để làm được đạo diễn quả thực là rất khó. Ai cũng muốn làm cả nhưng vị trí chỉ dành cho một số người”.
Sự kiện bộ phim Chạm ra mắt ở Việt Nam và được khen ngợi khiến người ta không khỏi giật mình về sự tồn tại của một đội ngũ làm phim người Việt đang sống và làm nghề ở Mỹ. Theo ước tính của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, đội ngũ này phải lên tới hàng trăm người, bởi cộng đồng người Việt phần lớn sống gần Hollywood.
Họ lớn lên ở Mỹ, được đào tạo bài bản, âm thầm đóng góp đằng sau những bộ phim lớn, mà nếu có ai chịu khó đọc danh sách giới thiệu đoàn làm phim chạy ở cuối phim, sẽ rất hay bắt gặp vài cái tên Việt “rành rành”. Rõ ràng, họ không làm phim… bằng miệng, mà bằng chính thành quả lao động sáng tạo.
Đã có một thế hệ làm phim trẻ trong và ngoài nước, được học hành tử tế, tiếp cận với cái mới và với chính đời sống đương đại. Rất may, trước khi thành danh, họ đã biết điều cơ bản nhất: Sự nghiệp của một đạo diễn là tác phẩm chứ không phải những gì anh ta nói! Và nếu muốn đi đường dài phải học hỏi liên tục. Nếu không như thế, nhiều “ngôi sao” của một thời sẽ phải nếm một cảm giác có tên là vị đắng... điện ảnh.