Rạng sáng ngày 1/10, hai hồ đập lớn nhất huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là hồ Đồng Đáng và hồ Khe Luồng, do bị quá tải nên đã bị vỡ, kết hợp với việc xả lũ khẩn cấp ở hồ Kim Giao (xã Hải Thượng) khiến ngập lụt nghiêm trọng cho địa bàn dân cư. Cụ thể, có hàng trăm ngôi nhà ở các xã Xuân Lâm, Tân Trường, Trúc Lâm, Hải Thượng…bị ngập lụt, trong đó nặng nhất là tại xã Tùng Lâm có gần chục ngôi nhà nước ngập lên đến nóc nhà.
Trên quốc lộ 1A, nước tràn qua đường lên đến hơn 1m và dòng chảy rất xiết, hình thành xoáy nước ngay trên đường khiến giao thông tính đến 17h chiều ngày 1/10 vẫn đang bị tê liệt hoàn toàn.
Đến 17h chiều ngày 1/10, công tác cứu hộ người và của trong vụ hai hồ đập lớn nhất huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị vỡ vẫn đang tiếp tục, nước đang ở mức cao, dân đang bị mắc kẹt.
Là một trong những người may mắn thoát nạn và đã được lực lượng cứu hộ đưa đến nơi tránh lũ an toàn, bà Phan Thị Hoa (60 tuổi, trú thôn 8, xã Trường Lâm) cho biết, gia đình bà có 4 nhân khẩu và sống trong ngôi nhà cấp bốn nằm gần hồ đập Đồng Đáng. Do mưa to, gió lớn và mất điện nên tối ngày 30/9, cả gia đình bà Hoa tập trung ngủ trong ngôi nhà lớn. Nửa đêm, mọi người trong nhà vừa nằm ngủ thì bất ngờ bị nước tràn vào nhà và nhanh chóng cuốn trôi mọi đồ đạc trong nhà.
“Lúc đó khoảng 1 - 2h sáng, tôi nghe thấy tiếng nước bục mạnh từ trên đập. Nghĩ chỉ là tiếng nước chảy nên cả nhà không để ý. Chừng 15 phút sau, trong lúc cả gia đình đang ngủ thì bất ngờ tôi thấy lành lạnh ở chân, rồi nước bắt đầu cuồn cuộn chảy vào nhà. May mắn là cả nhà kịp chạy thoát nạn, còn đồ đạc thì ngập hết”, bà Hoa thuật lại.
Bà Hoa cho biết thêm, ngay sau khi bị nước cô lập, gia đình bà đã điện báo cho cán bộ địa phương. “Do gia đình tôi có một cái xuồng nhỏ nên kịp chạy lên chỗ cao chứ nếu ở lại trong nhà thì không biết chuyện gì xảy ra”.
Ông Tâm (chồng bà Hoa) kể thêm: “Lúc đó mưa to lắm. Nước ngày một dâng cao từ sân rồi tràn vào. Tôi nhìn xung quanh nhà thì nước ngập trắng băng. Nhanh ý, tôi lấy cái xuống, đưa vợ con lên đường cao cách nhà khoảng 10m nên may mắn thoát bị cô lập”. Ông Tâm nói, dù gần 70 tuổi nhưng chưa bao giờ ông chứng kiến cảnh ngập lụt khủng khiếp đến như thế.
Tại gia đình ông Thành, nhà ở phía dưới hồ đập Khe Luồng, cũng bị ngập nặng. Đến lúc này, gia đình ông Thành vẫn đang bị mắc kẹt trong biển nước. Trao đổi qua điện thoại, ông Thành giọng lo lắng: “Lũ lên nhanh cả nhà tui không kịp chạy nên đến giờ vẫn còn mắc kẹt trong nhà. Cũng may là nhờ lực lượng cứu hộ đã cung cấp quần áo, chăn màn, lương khô, mỳ tôm nên tạm thời chúng tôi vẫn an toàn”.
Dồn toàn lực để bảo đảm an toàn cho dân
Tính đến cuối giờ chiều ngày 1/10, công tác cứu hộ vẫn đang tích cực được triển khai, hàng ngàn thùng mì tôm, bánh lương khô…đã được chuyển đến tận tay những hộ dân đang bị mắc kẹt, nhiều hộ dân nằm ở vùng nguy hiểm đã được lực lượng cứu hộ đưa đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, do nước đang ở mức cao và rất nguy hiểm, trong khi trời còn mưa to, gió lớn nên công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Trương Bá Phúc, Bí thư huyện ủy Tĩnh Gia cho biết, hiện lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được hơn 100 hộ dân đang bị mắc kẹt, mọi vật phẩm cần thiết đã được đưa đến tay người dân.
“Chúng tôi đang tập trung cứu hộ khẩn cấp cho người dân xã Tùng Lâm, nơi nước ngập tận nóc nhà và cơ bản đã đưa được dân đến nơi an toàn. Một số hộ ở vùng ngập nhẹ hơn cũng được lực lượng cứu hộ tiếp cận và cấp phát thức ăn nhanh chống đói, quần áo, chăn màn chống rét cho người dân”.
“Chúng tôi đã báo cáo cấp trên và huy động được gần 100 cano chuyên dụng để tiếp cận người dân vùng ngập lụt. Công tác cứu hộ sẽ được tiến hành trong ngày và cả đêm nay. Trước mắt để đảm bảo dân không bị đói, chúng tôi đã cung cấp mì tôm, lương khô, nước uống đến cho họ”.
Ngoài ra, trên quốc lộ 1A đoạn qua khu vực này, hàng ngàn phương tiện vận tải vẫn đang bị mắc kẹt tại đây suốt từ đêm qua đến tận cuối giờ chiều nay.