Đắng lòng con gái viết đơn từ cha, gián tiếp đẩy mẹ vào tù

Tuy mới mười mấy tuổi đầu, nhưng Lê Thị Ngọc M. (12 tuổi) lại tỏ ra là một cô bé láu cá, xấc xược đến mức dân trong làng cứ nhác thấy M. là sợ bị ăn cắp vặt.

Trong một lần cơn tức giận lên đến đỉnh điểm, chị Hương không còn lý trí liền lấy dầu lửa bôi lên tóc M., dọa nếu còn hỗn hào sẽ châm lửa đốt hết tóc. M. không những không sợ mà còn mở miệng thách thức mẹ, giận quá mất khôn, chị Hương bật lửa với ý định đe dọa đứa con quá quắt, nào ngờ lửa bắt hơi dầu bốc cháy... M. thương tật nhẹ, còn chị Hương rơi vào vòng lao lý.

Những tưởng, sau khi mẹ vào tù mà một phần lỗi cũng do M., cô bé sẽ biết hối cải, nào ngờ, khi ra trước tòa M. còn nói dối rằng mình không làm gì sai để mẹ phải tức giận mà hành động nông nổi... Gián tiếp đẩy mẹ vào tù, còn viết đơn từ cha vì hờn giận cha đã bắt quả tang M. ăn cắp vặt - quả là một câu chuyện khiến các đấng sinh thành phải giật mình mà xem lại cách giáo dục con trẻ.

Phá phách đến dị thường

Chúng tôi tìm đến nhà M. sau khi nhận được lá thư đề nghị tha thiết của anh Lê Ngọc Điệp, cha M. Người dân ấp 4, xã Đốc Binh Kiều, Tháp Mười, Đồng Tháp không ai là không biết đến "tiếng tăm" của một cô bé rất lạ thường tên Ngọc M. Khi chúng tôi dò hỏi nhà của cô bé, mới nghe nhắc đến tên M., từ người già đến con trẻ đều tỏ ra khó chịu ra mặt, họ còn sẵn sàng kể những câu chuyện lật lọng đến mức khó tin của cô bé tuổi 12 này.

Nhà của M. nói là nhà nhưng đúng ra là một căn chòi lá, xiêu vẹo, xác xơ. Một người đàn ông từ bên trong, tất tả bước ra tiếp chúng tôi, chưa nói gì mà mắt đã chực đỏ, đó là anh Lê Ngọc Điệp (46 tuổi) - cha ruột của cô bé Ngọc M. Anh nói chuyện mà không dám nhìn chúng tôi như để che giấu sự nghẹn ngào: "Không ai muốn rêu rao chuyện xấu của nhà mình cho thiên hạ biết. Nhưng con M. nhà tôi, nó làm cho vợ chồng tôi buồn quá. Năm lần mười lượt nó trộm cắp một cách rất ma lanh và khi bị phát hiện lại hành xử gian xảo y như dân lừa đảo thứ thiệt. Tôi nghe phong thanh người ta nói, chắc nó bị bệnh gì về tâm lý, tôi sợ lắm nên mới mời nhà báo đến hỏi có phải không".

Có bệnh lý hay không thì chúng tôi chưa biết, nhưng qua lời anh Điệp và những hàng xóm vây xung quanh thi nhau kể về những trò láu cá, ranh mãnh quá so với tuổi của M. thì cũng phải giật mình.

M. là con đầu của anh Điệp và chị Hương. Theo lời anh Điệp, do hoàn cảnh khó khăn nên anh phải tha phương cầu thực, qua tận Campuchia làm lúa mướn, mấy tháng mới về nhà một lần. Còn chị Hương cũng đầu tắt mặt tối đi làm công nhân cho nhà máy giày da, khi về đến nhà thì cũng là lúc các con đã lên giường đi ngủ. Bởi không có thời gian gần gũi và dạy dỗ nên bé M. sinh hư lúc nào không biết.

Anh Điệp kể, lúc đầu nghe bà con hàng xóm thường xuyên qua nhà bắt vạ con gái anh vì quậy phá, trộm cắp vặt, anh chỉ ậm ừ cho qua chứ tình thiệt cũng không tin. Vì mỗi lúc anh Điệp có mặt ở nhà, M. tỏ ra rất ngoan ngoãn, và khi anh hỏi có chuyện trộm cắp hay không thì cô bé đều khóc lóc bảo rằng: "Sao không chịu tin con". Nhưng đến khi M. dám bán cả đôi bông tai vàng là tài sản lớn nhất của gia đình anh Điệp để tiêu xài thì mọi chuyện mới vỡ lở.

Anh Điệp buồn rầu chỉ vào vết sẹo dưới chân nói: "Tại nó gây ra hết đó. Nó bán đôi bông tai vốn là của nả bên phía vợ dành dụm cho một phần. Cậu với dì nó thấy không còn bông tai nữa mới hỏi thì nó đổ thừa do tui đánh đập nó rồi giật lấy đem bán lấy tiền uống rượu. Bên phía ngoại nổi giận đùng đùng chưa rõ "đầu cua tai nheo" đã qua nhà đánh tôi một trận tơi bời, thương tích đầy mình, giờ cái chân vẫn còn mang tật, đến lúc mọi chuyện rõ ràng ra, ai cũng giật mình".

Sau khi mọi chuyện đã rõ trắng đen, biết đã lộ chân tướng, M. không còn giả vờ ngoan ngoãn trước mặt cha mẹ nữa. Khi cha mẹ la rầy, M. lúc nào cũng trả lời trống không vô cùng xấc xược. Đi học thì M. lục cặp trộm tiền của bạn bè. Về nhà, M. lang thang khắp xóm dụ trẻ con lấy tiền, ăn cắp vặt. Bị thầy cô, người dân bắt tận tay day tận mặt M. liền giở chiêu khóc lóc, van xin tha tội. Có nhiều khi còn cãi bướng rằng: "Tui không có lấy tiền của ai hết, tiền từ trên trời rơi xuống, tui thấy tui lượm thôi".

Đỉnh điểm là khi M. lẻn vào nhà hàng xóm, cạy tủ trộm 2 triệu đồng. Sau đó, M. còn thản nhiên ở lại, lấy mì gói pha ăn tại chỗ. Quá quắt hơn, M. còn lên phòng ngủ của chủ nhà rồi... đại tiện ngay tại đó. Khi bị phát hiện, M. liền chạy về nhà trốn biệt. Tức giận không để đâu cho hết, nhà hàng xóm tức tốc qua bắt đền cha mẹ M. Anh Điệp dẫn M. ra đối chất, thì M. chối đây đẩy, rồi bắt đầu khóc lóc. Nhưng khi mẹ M. lục người con gái thì phát hiện ra số tiền lớn. Ngay lập tức, M nói: "Ừ ăn cắp đó, lỡ xài bớt một tí rồi", nói xong vùng chạy biến đến hôm sau mới về lại nhà. Báo hại anh Điệp, chị Hương xấu hổ không kể đâu cho hết. Làng trên xóm dưới cũng không ngớt xôn xao.

Ăn cắp vặt đã đành, M. ngày càng tinh ranh hơn khi dám trộm cả xe đạp, rồi chạy sang nơi khác để bán. Nghe hàng xóm tụ tập kể tội con gái mình anh Điệp cúi đầu thở dài: "Thôi, chiều tối rồi, bà con về lo cơm nước đi...". Tôi hỏi lại hàng xóm kể có đúng không, thì anh trả lời mà lại quay mặt chỗ khác: "Thì có chuyện gì về con M., mà cả làng, cả xóm không biết tường tận đâu"

Bi kịch gia đình vì đứa con ngỗ ngược

Học xong lớp 5, M. bỏ học đòi đi bán vé số. Anh Điệp, chị Hương khuyên răn, ép uổng thế nào cũng không được nên cũng đành... tặc lưỡi chiều con. M. đi bán vé số không đưa cha mẹ đồng nào mà đi đến đâu cũng phao tin mình nghỉ học, đi làm vất vả để kiếm tiền phụ gia đình nuôi em. Kỳ thực, M. tiêu xài hết tiền kiếm được, còn dám vay mượn khắp nơi.

Vào đêm 5/1/2012, có người đến nhà đòi nợ chị Hương vì M. mượn 100.000 đồng đã lâu mà chưa trả. Mỗi lần đi làm về, chị Hương lại rất mệt mỏi vì hết người này mắng vốn, đến người kia đòi nợ cũng do đứa con gái hư đốn mà ra. Chị giận lắm, liền kêu M. lên để dạy bảo, nào ngờ M. chối bay chối biến. Chị Hương chưa bao giờ đánh đập con cái, nên không biết phải làm sao cho M. bớt cứng đầu cứng cổ.

Hết cách, chị sai đứa con út qua nhà nội mượn chai dầu lửa. Chị chế dầu lên tay, thoa vào đuôi tóc M rồi dọa: "Con mà không chịu nhận tội rồi thay đổi tính xấu là mẹ sẽ đốt trụi tóc con". Biết tính mẹ xưa nay vẫn hiền, M. nghênh mặt thách thức chị Hương cứ đốt đi và vẫn khăng khăng không chịu thừa nhận đã vay tiền khắp nơi để tiêu xài. Quá uất ức trước đứa con gái ngỗ ngược, chị Hương bật quẹt lên cốt để làm cho M. sợ nhưng hơi dầu bắt lửa xém vào tóc M. rồi cháy rực lên. Chị Hương hoảng hốt liền lấy tay dập lửa rồi đưa M. vào bệnh viện.

Tuy M. chỉ bị thương nhẹ, nhưng cách dạy con của Hương là khó có thể chấp nhận được. Nguyễn Thị Thanh Hương bị truy tố trước tòa tội "Cố ý gây thương tích" và bị kết án tù 2 năm. Nhưng điều khiến mọi người bất nhẫn hơn là đứa con gái đầy tai tiếng của chị Hương trước tòa không hề bảo vệ mẹ mà còn khai rằng, bản thân vô cùng hiếu thảo, phải nghỉ học đi bán vé số phụ cha mẹ nuôi các em, cũng không có chuyện lấy danh mẹ mượn tiền nhiều người để tiêu xài. Đến lúc tất cả các nhân chứng trong phiên xử đều khai rằng M. có mượn tiền mà không trả, còn kể thêm tội ăn cắp vặt, phá làng phá xóm... thì cô nhóc lắm chiêu mới chịu cúi đầu im lặng.

Anh Điệp đau khổ than: "Vợ tôi đi tù, cảnh nhà đã khó giờ còn khó hơn, trách ai bây giờ. Vợ tôi bình thường hiền lắm, mà sao lúc đó lại dại dột dữ không biết. Mấy hôm trước tôi nghe phong thanh người ta nói tại vợ tôi ngoại tình bị con M. nhìn thấy nên phải đốt nó chết để nó khỏi méc với ai. Tôi nghe mà đau lòng chịu không thấu, vợ tôi trong xóm nổi tiếng hiền lành. Đánh con, vợ tôi còn không nỡ, nói gì nghĩ đến việc giết con. Mà tôi nghi tại con M. nó dựng chuyện quá, nó nói xạo không biết chớp mắt luôn, chuyện gì cũng bịa đặt được hết. Tôi là cha nó mà giờ cũng thấy sợ luôn".

Chị Hương đi tù, M. liền viết một bức thư gửi mẹ ra chiều rất hối lỗi. “Con ngàn lần xin lỗi mẹ vì mẹ dạy dỗ con không nghe. Mẹ ơi, mẹ đừng giận con nhe. Mẹ ráng cải tạo thành người tốt, con sẽ chờ đợi mẹ về từng ngày, từng giờ để cả nhà mình đoàn tụ. Nằm đêm suy nghĩ con hối hận lắm. Con muốn là một đứa con ngoan của mẹ”.

Lời lẽ thống thiết như vậy nhưng M. vẫn không hề thay đổi, vẫn ngỗ ngược và nói dối như thường. Cách đây một tháng, bạn của anh Điệp có ghé thăm nhà, sau đó có xin ngủ nhờ trên võng. Thấy bạn của cha ngủ quá say, M. rón rén móc túi lấy điện thoại ra tắt nguồn rồi giấu trên người. Tỉnh dậy không thấy điện thoại đâu, người đàn ông mới sinh nghi rồi năn nỉ M. cho chuộc lại điện thoại với giá 300.000 đồng nhưng M. không chịu và cũng không thừa nhận mình đã lấy trộm.

Biết tính con gái, anh Điệp bắt M. ra lục soát thì thấy điện thoại quả thật ở trên người nó. M. xấu hổ khóc lóc chạy ra sau nhà, tìm giấy bút hý hoáy viết "đơn từ cha" với nội dung không bao giờ muốn ở căn nhà này nữa. Viết xong, M. đưa cho anh Điệp rồi dọn quần áo chạy về nhà ngoại ở luôn cho đến bây giờ.

Trời đổ tối vào ngôi nhà xập xệ, người đàn ông lúi húi xới cơm cho 2 đứa con nhỏ vắng bàn tay mẹ chăm sóc, nhìn mà hắt hiu. Tôi ngập ngừng xin anh Điệp cho chụp mấy tấm hình gọi là xác tín thì anh từ chối kịch liệt. Rồi anh lục tìm tờ "đơn từ cha" của M. chìa ra cho tôi xem rồi ngậm ngùi: "Đó, lá đơn từ cha của nó đó. Lỗi cũng tại tôi không biết dạy con. Mà cũng không hiểu cớ làm sao nó lại ngỗ nghịch đến nhường đó. Có khi nào nó có bệnh gì không anh? Nếu mà xảy ra chuyện trộm cắp, nói láo nói xạo lần nữa chắc tôi làm đơn đưa nó đi trại giáo dưỡng quá. Thương con thì thương, nhưng mà nó cứ hư hỏng như vậy, thêm nhà ngoại lại nuông chiều, tôi sợ nó lớn lên sẽ không ra gì. Nghĩ tới đó thôi, tự nhiên tôi thấy lo quá...".

Hy vọng, cái sự lo của anh Điệp sẽ không quá muộn màng. Và hy vọng câu chuyện về người cha đã phải gọi điện kêu cứu tòa soạn vì đứa con “đặc biệt” này sẽ là một bài học cảnh báo cho những bậc cha mẹ đang buông lỏng quản lý con cái.