Ngày 17/9, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội cho pv biết, tối 16/9, cơ quan điều tra đã có lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Thanh Bình (SN 1986, trú tại khu 7, tổ 24, phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh) để làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Ông Giáp cho hay, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ xem Bình có hành vi cố ý gây thương tích hay không.
Trước đó, vào chiều 16/9, tại buổi họp giao ban Thành ủy Hà Nội, ông Giáp thông tin: Khoảng 6h ngày 16/9, Công an quận Thanh Xuân nhận được tin báo có đối tượng xông vào nhà khống chế 3 con tin là chị Đỗ Thị Mai Hương (SN 1960) và hai cháu Đỗ Tùng L. và Đỗ Mộc L.
Ngay sau đó, Giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo triển khai lực lượng để giải cứu con tin.
Bắt giữ con tin, đối tượng đưa ra yêu sách được gặp vợ con. Đến 6h45, Bình đồng ý thả cháu Mộc L. ra ngoài.
Lúc này, trong nhà còn cháu Tùng L. và chị Hương. Đối tượng tiếp tục thúc giục yêu sách đòi gặp vợ con và luôn cầm dao khống chế các con tin, ít chịu nghe sự vận động, thuyết phục của lực lượng công an.
Đến 9h45 phút, Bình tiếp tục đưa ra yêu sách đòi gặp lãnh đạo cao nhất của Công an Hà Nội. Sau nhiều lần được thuyết phục qua điện thoại, Bình đồng ý gặp một mình Giám đốc Công an Hà Nội và yêu cầu các lực lượng phải rút khỏi hiện trường.
Đến 10h15, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội một mình vào gặp Bình để nói chuyện.
Sau 7 phút thương thuyết, Bình đã đồng ý để ông Chung dẫn giải ra ngoài.
Theo lời Đại tá Dương Văn Giáp, trên xe ô tô về trụ sở cơ quan điều tra, Bình tâm sự rằng, mình đang vướng khoản nợ 100 triệu đồng. Bình lâm hoàn cảnh khó khăn khi mức lương bảo vệ không được là bao. Anh ta cũng luôn mang tự ti vì cho rằng mình đang phải làm công việc thấp hèn...
Mang theo 4 triệu đồng, Bình tạm biệt vợ lên Hà Nội nói là để tìm cách kiếm tiền trả nợ và sau đó xảy ra vụ việc.
Ông Giáp cho hay, cơ quan điều tra đang tích cực làm rõ động cơ, mục đích hành vi phạm tội của Bình.
Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không
giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm
năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm
năm.