Hôm qua, một người bạn của tôi hớn hở khoe trên facebook: “Thật chứ em cảm thấy vinh dự quá cơ, vì cả nhà em vừa mới được lên báo ạ. Nhà em có tên trong số 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng vì vỡ đường ống nước sông Đà. Tuy giờ không có nước rửa mặt nhưng trong lòng vẫn âm ỉ sướng”. Đấy, có cái sướng nào mà lại khổ thế không?
Nói về vỡ đường ống nước sạch sông Đà lần này thì rất cần thiết phải nhắc lại lần trước, cách đây chưa đầy 1 tháng, ngày 21/11, đường ống này cũng bị vỡ tại Km27 Đại Lộ Thăng Long khiến khoảng 70.000 hộ dân của Hà Nội bị ảnh hưởng.
Lần này, đường ống lại vỡ vào lúc gần 14 giờ chiều 16/12, tại địa bàn xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội), ông Nguyễn Anh Việt- Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà lại cho biết khoảng 70.000 hộ dân thuộc quận Đống Đa, Thanh Xuân, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy... bị ảnh hưởng. Tính ra có lẽ phần còn lại của dân Thủ đô dù “không thơm cũng thể hoa nhài” cũng nên nảy sinh một tí lòng ghen tỵ mới phải. Ai đời chưa đầy 1 tháng mà số 70.000 hộ dân này lại được… lên báo những 2 lần.
Mà nguyên nhân của những sự cố vỡ đường ống nước sạch này, lần nào cũng giống y như nhau, cơ quan chuyên môn giải thích: “Có thể do nền đất tại khu vực nơi có ống bị vỡ là rất yếu”.
Buồn cười thật đấy, không hiểu các bác làm ăn kiểu gì, chẳng lẽ trước khi đặt đường ống dẫn nước lại không khảo sát xem nền đất khu vực đó thế nào, yếu hay mạnh mà cứ nhắm mắt đặt bừa?
Và cái đường ống dẫn nước ấy, sao nó mong manh làm vậy, nay vỡ chỗ này, mai vỡ chỗ kia khiến dân tình thủ đô cứ nháo nhào lên vì mất nước. Nhiều độc giả của một vài tờ báo mạng phản hồi tình cảnh của họ chẳng khác nào thời nguyên thủy, quần áo bẩn chất từng chồng, lếch thếch kéo nhau đi ăn quán và phải mua bình nước khoáng về rửa mặt, đánh răng.
Cạnh nhà tôi có bác hàng xóm rất vui tính. Bác bảo: “Cô ạ, tôi thấy đời sống dân mình thế mà vui, nhiều cảm xúc thăng trầm, ngoài các ông nhà thơ ra thì tôi cấm có thấy ông bà dân thường nào dám dài mồm chê là đời nhạt cả”.
Bác dẫn chứng luôn: vụ thẩm mỹ Cát Tường còn chưa tìm thấy xác nạn nhân thì đến vụ án oan của anh Nguyễn Thanh Chấn. Vụ này chưa biết bồi thường ra sao thì có ngay vụ đổ xe bia, dân cướp bia, vụ uống rượu 29 Hà Nội chết đến 6 người. Tài xế vụ cướp bia vừa kịp trả lại tiền thì có ngay vụ trường mầm non tư thục Phương Anh bạo hành trẻ mầm non khiến cả nước phẫn nộ. Song song với đó là ông Dương Chí Dũng khảng khái đọc thơ trước tòa, rồi 70.000 hộ dân Hà Nội lại mất nước trong vòng chưa đầy 1 tháng. Vừa mới hôm qua thì giá xăng lại tiếp tục tăng.
“Đấy cô xem, đời sống mà nó cứ thăng trầm liên tục như thế, dân tình thiếu gì chuyện mà lo lắng, mà bàn tán xôn xao. Cứ có tụ tập 3 người trở lên là tha hồ đề tài mà sôi nổi, chứ giả sử cuộc đời phẳng lặng, êm đềm, chuyện nào ra chuyện đấy, thì gặp nhau chúng ta biết nói chuyện gì?”- bác hàng xóm kết luận.
Tinh thần lạc quan của bác hàng xóm khiến tôi chợt nhớ tới một câu chuyện mới đọc gần đây về cây cầu chết chóc ngay giữa thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Số là cây cầu này đã được chính quyền quây lưới để phòng người dân đến đây tự tử, mà lý do nghe ra thì cũng vặt vãnh lắm. Những mùa đông dài ảm đạm, cuộc sống bình lặng chả có biến cố gì, êm đềm từ lớn tới bé ở một đất nước có phúc lợi xã hội cực tốt đã khiến nhiều người nảy sinh tư tưởng chán đời, muốn quyên sinh.
Chuyện chả biết thật giả thế nào, nhưng nếu nó có thực thì có lẽ chúng ta nên làm một bản kiến nghị vui với nhà vua và chính quyền nước bạn, hàng năm nên làm một cuộc “trao đổi dân” với nước ta, chuyển những vị có tư tưởng muốn quyên sinh sang ta một vài năm, sẽ cứu sống được khối người. Vì ở ta, đời sống thăng trầm nhiều cảm xúc lắm, dân chán đời thế nào được.
Khi tôi trình bày ý tưởng giả định này với bác hàng xóm nhà tôi, bác vỗ đùi cười sảng khoái: “Đấy cô xem, giữa ta và họ, đố biết ai đang sống ở thiên đường. Chớ có lơ mơ mà tưởng bở”.