Dân ngồi bắt chấy cho nhau vì sợ... động đất

Sợ động đất, không ai dám đi làm. Ngày ngày người dân ngồi tụ lại một chỗ... bắt chấy rận cho nhau.

Phóng viên đã sống và cảm nhận cuộc sống cùng với người dân vùng tâm chấn động đất Bắc Trà My, Quảng Nam. Câu nói quen thuộc ở đây những ngày này là: “Có thủy điện, tưởng sướng hơn, ai dè cực quá!”.

Trung thu ở vùng tâm chấn

Tôi có mặt ở Bắc Trà My vào đúng dịp Tết Trung thu. Không khí đang diễn ra khiến những người lạ đến đây khó có thể nghĩ rằng người dân nơi đây đang sống chung với động đất. Khắp nơi tưng bừng tiếng trống, múa lân, múa sư tử.

Đón Trung Thu ngay giữa tâm chấn của động đất khiến tôi có cảm giác hồi hộp khác lạ. 20h, đang ngồi tại một quán cóc lề đường để xem múa lân, tôi nghe thấy mấy tiếng nổ liên tiếp bụp bụp. Mọi người bảo nhau, lại nổ đất đấy. Tôi hồi hộp chờ xem mặt đất dưới chân mình rung chuyển, nhưng không thấy gì. Tết Trung thu vẫn cứ vui, vì dù có động đất hay không thì Tết vẫn đến.

Đêm. Tôi thiếp đi trong mệt mỏi vì chặng đường dài. 2h sáng tôi bị tỉnh giấc bởi tiếng nổ trong lòng đất, kèm theo rung. Tôi cầm chiếc máy ảnh chạy ngay ra đường. Nhưng đường sá vắng tanh, tuyệt nhiên không một bóng người. Bà chủ khách sạn nơi tôi ở thậm chí còn không dậy. Khi tôi trở lên phòng thì nhận được điện thoại của bác Sâm, người sống ở thị trấn mà tôi mới quen. Bác hỏi tôi có nghe thấy tiếng nổ và rung lắc không.

Tôi hỏi bác: Sao có động đất mà không ai chạy ra ngoài đường vậy bác? Bác Sâm bảo chắc họ quen rồi, chẳng thấy sợ nữa. Người ta chỉ chạy khi có rung mạnh quá thôi.

Vậy là cả thị trấn vẫn ngủ yên kệ động đất. Sáng sớm hôm sau, tôi xách ba lô lên đường vào nơi được coi là tận cùng của xa xôi, hiểm trở. Nơi nỗi sợ động đất đã trở thành ám ảnh.

Người già, trẻ em vùng tâm chấn.

"Sợ chết mà không ai thấy xác mình lắm!"

Vượt qua hơn 50km với cung đường gập ghềnh khúc khuỷu, tôi cũng đến được với xã Trà Bui. Đây là xã xa trung tâm nhất, thiệt hại nặng nề nhất về nhà cửa sau những trận động đất. Sợ động đất, không ai dám đi làm. Ngày ngày người dân ngồi tụ lại một chỗ... bắt chấy rận cho nhau.

Thấy có người từ Hà Nội lên, chị Hồ Thị Ý (khu 7, xã Trà Bùi) tất tưởi kể: “Hôm qua có một trận, mới sáng ni lại có một trận nữa lúc 2h đêm. Con nít trong nhà khóc râm ran và bảo là ma, sợ ma lắm. Không dám ngủ ở trong nhà đâu, sợ lắm. Hồi mà tiếng nổ to, nhà nó cứ rung rung như có ai đánh trống. Thế là cả đêm không ngủ miết, chạy ra ngoài ngồi cùng với nhau thôi. Nhiều ngày thức cả đêm lắm. Nhiều hôm phải xuống gầm giường ngủ cho yên. Động đất hay xảy ra vào ban đêm lắm”.

Công việc của người dân ở đây là làm nương rẫy. Nhưng từ ngày có động đất liên tiếp đến giờ, không ai dám đi làm nữa. Chị Nguyễn Thị Thiên (thôn 7) kể: “Từ hôm có động đất thì ít khi đi làm lắm. Nếu đi thì phải 2 - 3 người rủ nhau đi. Lên nương rẫy thì sợ đá, sợ cây nó đổ vào người. Sợ chết mà không ai thấy xác mình lắm”.

Đàn ông trong thôn bản, ngoài làm nương rẫy thì còn đi làm thuê, nhưng từ ngày có động đất thì không ai đi đâu cả. Ai cũng sợ chết mà không được gần vợ con. “Bữa trước ba thằng cu đi rừng, nghe thấy động đất liền chạy về nhà ngay. Chạy về đến nhà run run bảo: Chết ở rừng thì vợ con không thấy, còn vợ con chết ở nhà thì mình không thấy. Vì thế mà phải về nhà ngay cho kịp. Nếu phải chết thì chết cùng nhau”, chị Thiên chia sẻ.

Thời hòa bình sợ nhất động đất!

Về Trà Bui, tôi tình cờ được chứng kiến lễ động thổ ngôi nhà gỗ của một người dân trong làng. Ông Nguyễn Ngọc Đoàn, trưởng làng năm nay đã 82 tuổi, đồng thời cũng là thầy cúng ở đây bảo “giờ động đất sợ lắm, không dám ở nhà xây đâu, làm nhà gỗ để ở thôi”.

Ông trưởng làng bảo, nhà ông nhiều đời sống đây lắm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy có động đất như vậy cả. Người dân sợ lắm. Từ ngày có thủy điện, đời sống khó lắm. Làm nhà gỗ cũng tốn kém lắm: “Gỗ thì cứ lên rừng mà lấy thôi. Cha ông mình trồng cây để lại cho mình mà. Nhiều lắm. Mình chỉ phải thuê thợ đi lấy, cho trâu kéo về thôi. Nhưng tiền thuê thợ làm nhà cũng tốn lắm”.

Ông Hồ Văn Thái, 45 tuổi Đảng, bị liệt nửa người đã 8 năm nay, vẫn lo lắng, thất thần, bàng hoàng sau mỗi trận động đất. Ông bảo sợ động đất lắm. Thời chiến tranh thì sợ đạn bom thôi, thời hòa bình sợ nhất động đất! Có động đất là tôi cứ ngồi nhìn thôi. Bà con chỉ biết tập trung một nơi để được chết cùng một chỗ.

Tôi hỏi ông Đoàn ở trong thôn có nhà nào không có gì để ăn không, ông bảo “Gạo thì trước đây không bao giờ hết đâu, mình tự làm ra mà. Tự làm, tự giã bằng tay là có gạo ăn thôi. Nhưng năm nay nắng hạn nhiều nên có khi bị thiếu. Chưa có thủy diện thì có nhiều đất để trồng lúa, nhưng giờ thì ít đất lắm. Mỗi nhà mất khoảng 2 - 3 ang lúa (1 ang = 500m2). Trước đây mỗi năm 2 vụ, bây giờ chỉ còn 1 vụ thôi”.

Bữa cơm chỉ có muối trắng.

"Tôi đang làm đơn xin hủy nhà đây"

Ông Đinh Ngọc Vân, thôn 2 xã Trà Bui là một trong những hộ bị thiệt hại nghiêm trọng nhất xã. Ông chỉ cho chúng tôi xem những mảng tường bị nứt toác và cánh cửa sổ bằng kính giờ chỉ còn trơ lại khung. Ông kể: Hôm đó cả nhà đang xem ti vi, bỗng nghe thấy tiếng nổ như tiếng mìn, nhà cửa rung bần bật. Mọi người tá hỏa chạy ra sân, trẻ con thì kêu la khóc thét ầm ĩ. Lúc đó vữa, vôi cát từ trần nhà rơi xuống ầm ầm. Tôi cũng sợ quá!

Đây là căn nhà tái định cư gia đình ông được cấp từ năm 2009. Căn nhà trông khá khang trang rộng rãi. Nhưng sau trận động đất, những mảng tường bị nứt toác ra thì không ai dám ở trong nhà nữa. Toàn bộ gia đình ông chuyển xuống căn nhà bằng gỗ phía sau lánh tạm. Ông bảo: Tôi đang định làm đơn xin hủy nhà đây. Mai sẽ ngồi viết và đem nộp lên xã. Tôi hỏi ông không tiếc sao, ông thủng thẳng trả lời: “Tiếc chi cái nhà đó, mình có dám ở đâu mà giữ lại”.

Ông dẫn tôi xuống khu nhà gỗ khá cũ kỹ, tạm bợ ở phía sau ngôi nhà mới xây. Ông bảo: “Ngôi nhà xây là do Nhà nước làm cho, nhưng chắc là không ở được rồi. Tôi xin hủy nhà thôi”.

Ông Nguyễn Ngọc Đoàn cúng nhà mới.