Dân nghèo cả xã giải cứu "rắn thần" khỏi bị bán qua biên giới

Chuyện những thương lái mua một con rắn hổ chúa của một người dân bắt gần ngôi đền Đông Dương gặp “vận hạn” khiến những người dân bàn tán xôn xao.

Một đồn mười, mười đồn trăm, những phỏng đoán về việc con rắn bị bán chính là rắn thần linh thiêng ngày càng lan rộng. Vì hoang mang, lo sợ người trong xã rồi cũng sẽ bị “liên lụy”, những người dân quê nghèo đã quyết định góp tiền chuộc “thần rắn” trở về…

Cuộc giải cứu “thần linh” có một không hai

Câu chuyện gây xôn xao miền quê bắt đầu từ cái lần anh Nguyễn Hữu Nghị (SN 1963, ngụ ở xóm Dương, xã Nam Xuân) đi qua khu vực đền Đông Dương thì tình cờ phát hiện một con rắn màu đen rất lớn đang nằm cuộc tròn. Sau một thoáng hoảng sợ, người đàn ông này chợt nảy ra ý định bắt rắn về, với hy vọng sẽ kiếm được số tiền kha khá. Biết tin anh Nghị bắt được rắn lớn, một người trong xóm liền gọi điện thông báo cho thương lái ở xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn đến mua. 1 triệu 250 nghìn đồng là số tiền mà anh Nghị đã bán cho thương lái. Lúc bán rắn, anh Nghị vẫn không biết đó là rắn hổ chúa mà cứ nghĩ đó là con rắn trâu. Sự việc trên sẽ không có gì đáng chú ý, nếu không xảy ra những chuyện kỳ lạ sau ngày con rắn bị bán.

Sự việc đầu tiên là vào ngày 29/3 (khoảng 3 ngày sau khi con rắn được bán – PV), anh Nguyễn Đắc Thành (SN 1963, người trực tiếp trông coi đền Đông Dương - PV) và những người trong ban tôn tạo đền này tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà bếp ở đền. Theo phong tục từ xa xưa đến nay, muốn làm việc này đều phải khấn “âm dương” xin phép bề trên chứng giám, có “âm phù dương trợ” mới thành. Thế nhưng trong buổi lễ khấn hôm đó, cả hai đồng tiền hết sấp lại ngửa, thầy cúng thấy vậy liền khấn đi khấn lại nhiều lần nhưng vẫn không tài nào “xin” được. Mọi người hoang mang rỉ tai nhau: “Phải chăng có điều gì sai trái khiến thần linh phải nổi giận như vậy?”. Liền sau đó, một cuộc họp nhanh giữa ban quản lý đền và những người có uy tín trong làng được tổ chức.

Anh Nguyễn Đắc Thành bên con rắn được chuộc về (Ảnh: K.Long).

Sau một hồi kiểm điểm, xem xét lại những hoạt động gần đây của đền, mọi người nhận định nguyên nhân sâu xa của sự việc lạ hôm đó chính là việc anh Nghị đã bắt con rắn lớn gần đền Đông Dương đem bán. Ngẫm chuyện con rắn lạ bị bán, cả làng càng phát hoảng nhớ lại chuyện từ trước tới nay vẫn có một “ông rắn” thường quanh quẩn trong đền, rất hiền lành, chưa bao giờ cắn người, nhưng mấy hôm nay không thấy “ngài” đâu. Ông Thành kể lại: “Sau đó, chúng tôi vội khấn thần linh xin phép được chuộc con rắn đó về để tạ tội. Thật không ngờ chỉ “xin” một lần đã được bề trên đồng ý cho “nhất đài âm dương””.

Ngay trong ngày hôm đó, một phái đoàn do ông Thành chủ trì đã tìm gặp người bắt rắn. Anh Nghị cũng rất hoảng hốt, không ngờ mình lại bắt phải rắn của đền, liền dẫn cả đoàn đến nhà thương lái để xin chuộc lại. Thế nhưng, thương lái đã bán con rắn đó cho một người ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Một cuộc điện thoại tức tốc được nối máy. Cả làng lại một phen hốt hoảng, khi người bên kia đầu dây dọa rằng anh ta đang trên đường đưa rắn sang Trung Quốc tiêu thụ, xe hiện đã đi đến tỉnh Lào Cai. Nghe đến đó, người dân xã Nam Xuân hốt hoảng năn nỉ anh ta quay xe lại, đồng thời xin chuộc rắn bằng “bất kỳ giá nào”. “Chúng tôi phải nói vậy để người ta đưa “rắn thần” về, chứ nếu không chuộc được “ngài” chắc chắn nhiều chuyện không hay sẽ ập đến”, ông Thành nói.

Dân làng Nam Xuân làm lễ để thả rắn về tự nhiên (Ảnh K.Long).

Phần vì thấy người làng rất thành tâm, phần vì sợ mang tội, thương lái Đô Lương đồng ý và ra giá 13 triệu đồng. Để có đủ số tiền đó, rất nhiều người dân đã tình nguyện đóng góp tiền. Trong đó, anh Nguyễn Đắc Thành góp 5 triệu đồng, anh Nguyễn Quốc Đại góp 5 triệu đồng, anh Nguyễn Cảnh Minh góp 1,5 triệu đồng, anh Nguyễn Đắc An góp 1,5 triệu đồng. Họ đều là những người nông dân nghèo khó, nhưng vì không muốn “rắn thần” bị lưu lạc sang Trung Quốc nên đã thực hiện nghĩa cử trên. Vào khoảng 22h, ngày 31/3 chú rắn đã được đưa ngược từ tận Lào Cai về đền Đông Dương.

Đến ngày 1/4, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã lũ lượt kéo nhau về xã Nam Xuân để chứng kiến lễ thả “rắn thần” về đền. Những người dân nơi đây cho hay, đó là lần đầu tiên sau nhiều năm trời mới xảy ra cảnh tắc nghẽn trên các tuyến đường đi vào xã. “Ngài” rắn hổ chúa này dài hơn 3m, nặng 3,2 kg; trên đầu, lưng có màu nâu xám, phần vảy từ giữa cơ thể đến hết đuôi có viền xám đen. Người thương lái huyện Đô Lương kể lại: “Lúc đang trên đường đi Trung Quốc nhìn bộ dạng nó rất buồn. Chú rắn chỉ nằm cuộn tròn một chỗ, ủ rũ, không màng bò lại. Thế nhưng khi về đến đền, con rắn bỗng nhanh nhẹn trở lại”. “Thần rắn” được người dân bỏ tạm vào một chiếc lồng lưới sắt rộng rãi, đầu ngẩng cao “gật gù”. Một số người dân đến xem còn đứng xung quanh chắp tay bái lạy một cách kính cẩn. Sau gần một ngày giữ “Ngài” trong chuồng để mọi người đến chiêm bái, đến 17h cùng ngày, dân làng Nam Xuân bắt đầu làm lễ thả rắn.                                                            

Những sự trùng hợp 

Một sự trùng hợp liên quan đến buổi thả rắn ngày hôm đó là khi con rắn vừa được thả ra khỏi lồng, thì bát hương trong đền Đông Dương bỗng cháy rực. Chưa tìm cách lý giải hiện tượng này một cách khoa học, nhiều người dân chứng kiến lại một mực tin rằng đó là “thần linh ứng”. “Niềm tin” này càng được củng cố, khi con rắn được thả không bò thẳng vào rừng mà lại trườn xuống, nằm thả mình ở góc sân phía sau đền.

Lại nói về anh Nghị, sau khi bán được con rắn đó, mọi người trong gia đình ai cũng vui mừng vì bỗng nhiên có được số tiền lớn. Thương lái mặc dù biết chắc chắn đây là loài rắn hổ chúa quý hiếm nhưng vẫn “ngậm miệng ăn tiền”. Mãi đến khi nghe nói anh Nghị đã bị rắn cắn một vết vào ngón tay, người này mới hoảng hốt quay lại dặn dò: “Không giấu gì anh, đây là loại rắn hổ chúa cực độc, người nào bị cắn chỉ trong vòng thời gian ngắn nếu không cứu chữa kịp thời sẽ khó bảo toàn tính mạng”. Chưa kịp vui mừng vì số tiền lớn, thì những người thân lại “xám mặt” lo lắng cho tính mạng anh Nghị. “Đám mây u ám” bao trùm không khí gia đình càng tăng lên, khi thầy thuốc được mời đến nhà cũng lắc đầu bảo rằng “khó mà chữa nổi”. Nhưng điều lạ kỳ là sau đêm đó, anh Nghị vẫn đi làm bình thường mà chẳng hề hấn gì, cứ như thể chưa từng bị vết cắn chí mạng. Sự việc anh Nghị bị rắn hổ chúa cắn nhưng thoát chết càng khiến cho người dân nơi đây càng tin rằng đó chính là “rắn thần” của đền.

Câu chuyện về con “rắn thần” ngày càng trở nên huyền bí hơn, khi những sự việc trùng lặp liên tiếp xảy ra đối với những người liên quan. Người thương lái ở Đô Lương, ngay sau khi lấy số tiền 13 triệu về mời bạn bè đi nhậu đã bị mất chiếc xe máy trị giá lớn gấp 3 lần. Quá khiếp đảm, nhiều người khẳng định thương lái này đã bị “thần rắn” trừng phạt vì thói tham lam. Bản thân anh Nghị, vì sợ bị “báo oán” cũng vội vã soạn mâm lễ vật, kèm theo 1 triệu 250 nghìn đồng lên đền Đông Dương “tạ tội”.

Cụ Võ Văn Điệt (77 tuổi) một cao niên trong làng kể lại: “Cách đây 15 năm cũng có một người trong làng bắt được con rắn gần đền, nhưng đem bán không ai dám mua vì thấy nó rất kỳ quái, con rắn to, hiền lành, có vảy xám đen phủ từ giữa thân đến tận cuối đuôi. Ai cũng khuyên anh ta nên thả rắn về chỗ cũ vì sợ “gặp họa”. Rất có thể, con rắn người đàn ông đó thả ngày đó và con rắn ở đền hôm nay là một, bởi màu sắc và đặc điểm có nhiều nét giống nhau”.

Chuyện liên quan đến “rắn thần” chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên

Nói về những việc làm của người dân liên quan đến con rắn ở đền Đông Dương, ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng công an xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn nhận định: “Tôi cho rằng những việc kỳ lạ xảy ra xung quanh chú rắn chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Tuy nhiên, hành động người dân cùng chung tay góp tiền để chuộc con rắn về thả ra môi trường tự nhiên thể hiện tinh thần đoàn kết của bà con, nhưng hơn hết đó là một hành động rất đẹp trước nay chưa có. Tôi nghĩ, đó không chỉ là niềm tin tâm linh mà còn là ý thức góp phần bảo vệ những động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng”.