Mạnh tay "đốt" chục triệu tậu đại bàng
Theo giới chơi đại bàng ở TP.HCM, khoảng hai năm trở lại đây phong trào nuôi đại bàng tuy chưa được phép nhưng khá sôi động. Nếu bồ câu có thể huấn luyện để đưa thư, chó becgiê huấn luyện thành chó “thám tử”... thì đại bàng đang được một số tay chơi huấn luyện kỹ năng săn mồi. Chủ nhân sẽ điều khiển chim bay tự do và đậu trên tay mình.
Ông Thái, chủ một quán cà phê trên đường Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn, TP.HCM), có một con đại bàng oai vệ nhốt trong căn nhà được vây quanh bằng lưới sắt. Nhiều người ra vào trông thấy phải trầm trồ ngưỡng mộ uy thế của gia chủ. Còn ông Hùng - nhà ở quận Tân Phú (TP.HCM), mới tìm đến thú chơi đại bàng ưng hai tháng nay chia sẻ: “Đi dạo phố mang theo đại bàng thì còn gì bằng, nhiều người phải thán phục mình”.
Ở khu vực huyện Hóc Môn, hầu như giới chơi chim vua đều biết đến ông H.T.. Hiện ông T. đang sở hữu một con đại bàng ưng màu đen gần một năm tuổi. Thời gian gần đây, ông T. cùng một số thanh niên chơi chim săn mồi thường xuyên mang chim đi... gặp gỡ giao lưu.
Ông Hai Ó, một người buôn đại bàng có tiếng ở khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết, hiện chim đại bàng ưng đánh hàng từ Tây nguyên về có giá khá cao, bị kiểm tra rất gắt gao nên số lượng về không nhiều, giá 7 triệu đồng/con tầm 1,3kg, sải cánh cỡ 1m”.
Theo tìm hiểu, tại TP.HCM có đến hàng chục đầu mối chuyên cung cấp loài chim vua. Do số lượng dân chơi ngày càng tăng, cung không đủ cầu nên thường xuyên “khát hàng”. Tuy chưa có số liệu thống kê ở TP.HCM có bao nhiêu chim đại bàng, bao nhiêu người nuôi, nhưng đại bàng vẫn là mốt chơi “độc” đang rất thịnh hành của nhiều người.
Bỏ chục triệu "rước" tép về nhà
Thú chơi tép cảnh đã phổ biến trong Nam từ vài năm trước nhưng tại Hà Nội mới chỉ rộ lên thời gian gần đây. Theo anh Quang, ở Cầu Giấy, Hà Nội, một người đam mê tép thủy sinh thì những con tép cảnh “VIP” xuất hiện ở trong Nam với số lượng đếm trên đầu ngón tay. Còn tại Hà Nội, vài người mới chỉ chơi tép ong. Các tay chơi có thể bỏ ra từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng để sở hữu một con tép cảnh. Nhưng chơi tép cảnh phải theo đàn từ vài chục đến vài trăm con trong bể chứ chẳng ai chơi lèo tèo vài con bao giờ bởi loại sinh vật này rất nhỏ.
Một chú tép king kong có khả năng biến đổi màu, theo giới nuôi tép cảnh có giá lên tới cả nghìn đô. Ảnh: diendancacanh.
Cận cảnh những chú tép ong tuyệt đẹp .
Còn những loại tép thủy sinh thuộc hàng “VIP” như kinh kong, tép cọp thì có "mê" tép cảnh đến mấy, nhiều người cũng phải lắc đầu lè lưỡi bởi giá của nó được tính bằng hàng nghìn USD, phải dân “đại gia” mới dám chơi.
Không chỉ tốn tiền mua tép mà người chơi còn phải chi ra cả đống tiền phục vụ cho sự tồn tại của chúng như lắp điều hòa, trang trí bể, tiền thức ăn…
Theo anh Nam, ở phố Bạch Mai, Hà Nội đang nuôi khoảng 90 con tép cherry đỏ và tép ong cho biết đã chi gần 20 triệu đồng cho chiếc bể chứa tép cảnh. Chưa kể thức ăn cho tép còn khá đắt đỏ, một lọ thức ăn của Nhật chỉ 25g có giá tới 330.000 đồng, các loại của Đài Loan, Malaysia... cũng có giá tương đương.
Chơi cá rồng tiền tỷ Cá rồng là loài cá nguyên thủy có từ khoảng hơn 200 triệu năm trước. Loài cá có màu lấp lánh bạc nên được coi như biểu tượng của kim - tiền bạc. Do đó, dân chơi cá cảnh quan niệm rằng nuôi cá rồng, về mặt phong thủy, sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng, tiền bạc cho gia đình. Tại Việt Nam, loại được chơi loại phổ biến nhất là cá rồng Đông Á với các tên gọi quen thuộc như ngân long, huyết long, thanh long, kim long...
Chú cá platinum giá 10.000 USD có một không hai của anh Chính Ngọc ở Long Biên, Hà Nội.
Để có được một bể cá rồng trong phòng khách không hề rẻ. Giá của giống cá này khá đắt. Một con tầm trung cũng có giá cả triệu bạc. Còn những chú có "xuất thân" từ "dòng dõi" nổi tiếng, ngoại hình bắt mắt sẽ có giá khoảng 1.000 - 3.000 USD. Cộng với đó là một khoản chi phí không nhỏ cho thức ăn của cá. Ngoài ra, người chơi phải có đủ tiềm lực tài chính để chuẩn bị bể, hệ thống lọc, sưởi ấm cho cá.
Anh Chính Ngọc ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội là người nổi tiếng trong giới chơi cá rồng đất Hà thành. Anh Chính đã chi tiền tỷ cho niềm đam mê của mình. Hiện anh Ngọc là chủ sở hữu của một bộ sưu tập cá rồng gồm 12 con huyết long giá khoảng 2000 USD/con, 2 con quá bối đầu vàng và 1 con platinum màu thép trắng khi mới mua về đã có giá 10.000 USD. Số cá này được sống trong 3 chiếc bể lớn đặt tại phòng khách, được đầu tư khá công phu với số tiền hàng trăm triệu đồng.