Đàm Vĩnh Hưng tặng 65 triệu cho bé gái bị lột da đầu

Đàm Vĩnh Hưng dành thời gian ghé qua bệnh viện Trung ương Huế để trao số tiền ủng hộ của mình cho bé gái 5 tuổi bị lột da đầu vì tai nạn tóc cuốn vào máy nổ.

Chỉ còn 1 tuần nữa, liveshow Thương Hoài Ngàn Năm 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội, nhưng mới đây, tranh thủ thời gian ngắn ngủi của mình, Đàm Vĩnh Hưng đã dành thời gian đi Huế để thăm hỏi và trao tặng số tiền anh quyên góp được cho bé Trang - nhân vật trong câu chuyện đau lòng "Ba ơi! mái tóc đẹp của con đâu rồi!".

Nguyễn Thị Diễm Trang - cô bé 5 tuổi vô tình bị chính người cha của mình là anh Nguyễn Chuối gây tai nạn khi để mái tóc bé cuốn vào máy nổ. Tai họa ập đến bất ngờ đã lấy đi toàn bộ mái tóc cũng như mảng da đầu của cháu Trang, trong khi ngôi nhà của 2 vợ chồng anh Chuối (6 miệng ăn) không có lấy một đồng để điều trị cho con gái.  

Vay mượn bà con hàng xóm, vợ chồng anh Chuối đã có được 5 triệu tiền điều trị cho con gái nhỏ, nhưng đến nay, số tiền thuốc đã tăng lên tới 60 triệu đồng. Nguồn vay nhiều nơi cũng đã cạn, sổ đỏ của gia đình cũng đã mang đi thế chấp để vay tiền và bây giờ chị Liên - vợ anh Chuối - vừa sinh đứa con thứ 4 nên gia cảnh trở nên éo le hơn.

Thay vì đi thẳng tới Hà Nội tổng duyệt cho Liveshow "Thương hoài ngàn năm 2" diễn ra vào ngày 31.12 tới đây, Đàm Vĩnh Hưng lại ra tận Huế để trao cho cô bé Trang số tiền vận động được.  

Trước những dòng vận động kêu gọi trên nhiều tờ báo và diễn đàn, Đàm Vĩnh Hưng đã thực hiện cuộc vận động nhỏ quyên góp số tiền 65 triệu đồng (40 triệu của Đàm Vĩnh Hưng và 25 triệu do fan ủng hộ). Dẫu không nhiều nhưng tấm lòng của Đàm Vĩnh Hưng khi tận tay mang đến cho gia đình bé Trang cũng phần nào giúp gia đình anh Nguyễn Chuối đỡ đi phần nào lo lắng tiền viện phí điều trị. 

Những hình ảnh ít ỏi của Đàm Vĩnh Hưng khi ghé trao tận tay bé Trang và gia đình anh Nguyễn Chuối số tiền điều trị bệnh.

Trước đó, trên facebook của mình Đàm Vĩnh Hưng đã từng chia sẻ những dòng tâm sự trước hình ảnh đau đớn vật vã của cô bé 5 tuổi phải chịu đựng. 

Sự có mặt của Đàm Vĩnh Hưng cùng tấm lòng hảo tâm của anh đã gây chú ý với đội ngũ y bác sĩ đang điều trị cho bé Trang tại bệnh viện Trung ương Huế.  

Cách đây hơn hai tháng, vì không có ai chăm con nên anh Nguyễn Chuối đã dắt theo 2 con gái cùng đi bủa lưới ở đầm Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế). Khoảng 5 giờ sáng, 2 cháu đang ngủ say, anh Chuối thức giấc và nổ máy để chạy thuyền ra đầm. Anh đã không để ý nên khi máy nổ, tóc của bé Trang (5 tuổi) đã bị quấn vào máy, cháu đang ngủ và hét lên thì anh mới phát hiện ra, anh tắt máy nổ nhưng đã không còn kịp nữa khi toàn bộ tóc cùng một mảng da đầu và tai trái của con mình quấn vào máy...

Cháu Trang gào thét trong đau đớn, hai tay ôm lấy đầu còn máu chảy xối xả ướt hết toàn bộ người cháu. Anh Chuối hoảng loạn đứng sững người ra trong chốc lát rồi hét lớn, anh ôm con lên rồi lao thẳng lên bờ vừa chạy vừa cầu cứu bà con. Cháu Trang được sơ cứu tại chổ rồi đưa thẳng lên bệnh viện Trung ương Huế.

Bên ngoài hành lang của phòng cấp cứu, nhìn thấy con gái vật vã trong cơn đau anh Chuối gào khóc, tự oán trách mình bất cẩn, giá mà anh cẩn thận hơn, giá mà nỗi đau về thể xác hành hạ anh để anh đỡ ân hận hơn... Trong phòng cấp cứu, tiếng gào thét trong đau đớn về thể xác của cháu bé, tiếng gọi ba, kêu mẹ cứ vang lên làm tất cả những người bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có mặt hôm đó không thể cầm được nước mắt, đội ngũ y bác sỹ cấp cứu cho cháu Trang cũng phải nén từng giọt nước mắt để xử lý vết thương cho cháu...

Giây phút kinh hoàng của vụ tai nạn đó có lẽ không bao giờ xóa nhòa trong ký ức của cháu Trang, mỗi lần thay bông băng và tiêm thuốc là một lần gợi lại hình ảnh tai nạn tạo nên sự hoảng loạn trong trong tâm trí và đau đớn thể xác của cháu. Tháng trước, cháu đã được các bác sĩ điều trị lấy da đùi cấy ghép lên đầu, nhưng do sức khỏe quá yếu cháu bị nhiễm trùng không lành được, sẽ phải trải qua phẫu thuật lần hai (bé đã sụt mát 9kg).

Điều đáng nói ở đây là hoàn cảnh gia đình của anh Chuối được liệt vào hộ nghèo của xã. Gia đình 6 người (2 vợ chồng 4 đứa con), sinh ra trên thuyền, chết cũng trên thuyền và cái nghèo khó cứ bám riết lấy cuộc đời của không biết bao nhiêu thế hệ. Cuộc sống tích góp được đều nhờ vào mẻ lưới. Dù được nhà nước cấp đất, nhưng vợ chồng không cất nổi căn nhà.