Đắm phà Sewol: Thuyền trưởng cố tình trì hoãn sơ tán

Thuyền trưởng phà Sewol vẫn cho rằng mình đã làm đúng dù bị khởi tố.

Ngày 19/4, trong khi bị cảnh sát Hàn Quốc còng tay và dẫn đi, viên thuyền trưởng phà Hàn Quốc bị đắm vẫn khăng khẳng cho rằng mệnh lệnh trì hoãn việc sơ tán hành khách của mình là đúng.

Thông tin về việc thuyền trưởng Lee Joon-seok bị bắt giữ vì liên quan đến thảm họa đắm phà khiến 29 người chết và hơn 270 người mất tích được loan ra trong khi các thợ lặn vẫn nỗ lực suốt đêm để tìm cách tiếp cận với những người đang bị mắc kẹt bên trong phà giữa vùng biển chảy xiết và lạnh giá.

Ông Lee bị cảnh sát và công tố viên truy tố với tội danh tự ý rời bỏ tàu, cẩu thả, gây thương tích, không nhờ thuyền khác cứu nạn, và vi phạm “luật thủy thủ” của Hàn Quốc.

Công tố viên Lee Bong-chang giải thích thêm: “Ông Lee bị truy tố vì đã khiến phà Sewol bị chìm do không chịu giảm tốc độ khi đi qua luồng lạch hẹp và bẻ lái quá gấp. Ông này cũng đã không làm đúng quy trình hướng dẫn hành khách sơ tán, khiến nhiều người thiệt mạng hoặc bị thương.”

Nếu bị kết tội, thuyền trưởng Lee có thể phải đối mặt với mức án tới 5 năm tù giam.

Một công tố viên Hàn Quốc cho biết thuyền trưởng Lee đã bàn giao tay lái cho một thuyền phó ba và đi ra khỏi buồng lái lúc tai nạn xảy ra. Công tố viên Park Jae-Eok nói: “Hiện không rõ ông này đang ở đâu khi phà bắt đầu chìm, tuy nhiên điều chắc chắn là ông ta không ở trong buồng lái.”

Viên thuyền phó ba này cũng đã bị cảnh sát bắt giữ và dẫn giải cùng với ông Lee. Hiện vẫn chưa rõ thuyền phó ba này có phải là một trong hai thành viên thủy thủ đoàn bị nhà chức trách tuyên bố bắt giữ hay không.

Sau khi bị đưa ra tòa để làm các thủ tục khởi tố, thuyền trưởng Lee được cảnh sát cho phép trả lời các câu hỏi của báo chí. Viên thuyền trưởng này vẫn lên tiếng bảo vệ quyết định của mình: “Lúc đó thủy triều lên rất mạnh và nước biển khá lạnh, còn trên phà không có chiếc xuồng cứu sinh nào. Thế nên tôi mới ra lệnh cho mọi người ở nguyên tại chỗ chờ tàu cứu hộ đến cứu.”

Sóng lớn ngăn cản các nỗ lực cứu hộ

Ông Lee thừa nhận rằng mình là người quyết định hành trình của phà, và trong lúc phà đang chạy, ông này đã bỏ về phòng mình một lúc “để tìm kiếm thứ gì đó”. Đúng lúc đó thì tai nạn xảy ra.

Về phần mình, viên thuyền phó ba được ông Lee giao lại tay lái nói rằng ông không hề bẻ lái gấp, chỉ là “bánh lái xoay sang một bên nhiều hơn bình thường”.

Được biết thuyền trưởng là một trong những người đầu tiên được cứu khỏi chiếc phà đắm, vi phạm “nguyên tắc truyền thống và được thừa nhận rộng rãi trên thế giới rằng thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời tàu”.

Luật sư hàng hải Jack Hickey phân tích: “Mọi quy định, điều lệ, luật pháp và tiêu chuẩn trên thế giới đều khẳng định rằng thuyền trưởng phải bám trụ trên tàu cho đến khi mọi người đều an toàn rời tàu.”

Hy vọng tìm thấy người sống sót bên trong chiếc phà đắm ngày càng tắt dần khi chiếc phà hoàn toàn chìm hẳn vào chiều tối hôm thứ Sáu. Trước đó, một phần thân phà sơn màu xanh trắng vẫn còn nhô lên trên biển Hoàng Hải nhờ chút ít không khí còn ở bên trong.

Chiếc phà Sewol đã bị chìm hoàn toàn xuống biển

Lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc cho biết họ vẫn liên tục bơm không khí vào bên trong thân phà nhưng vẫn không ngăn được chiếc phà chìm hẳn xuống.

Hiện các thợ lặn đã cắt được một phần thân phà, và hai người đã tìm cách vào được tầng hai của phà, thế nhưng các dòng hải lưu chảy xiết và sóng biển quá mạnh đã buộc họ phải thoát ra. Họ không tìm thấy bất cứ thi thể nào trong thời gian ngắn ngủi vào được bên trong.

Hôm qua, cảnh sát Hàn Quốc cho hay một vị hiệu phó ngôi trường nơi có hơn 300 học sinh đi trên chiếc phà này đã treo cổ tự tử trên cây. Hiệu phó Kang Min Kyu là một trong những người đầu tiên được lực lượng cứu hộ vớt lên.

Cảnh sát cho biết ông Kang đã dùng thắt lưng treo cổ tự tử dưới một cành cây gần một phòng thể dục ở Jindo, nơi người thân của các hành khách mất tích đang tạm trú. Cảnh sát đã tìm thấy thư tuyệt mệnh nhưng chưa công bố nội dung bức thư này.