Sau 13 năm thụ án, Thuyết "buôn vua" đã được đăng xá. Ảnh PLO
Thuyết “buôn vua” (tên thật là Trần Văn Thuyết, sinh năm 1960) từng được biết đến là doanh nhân tài ba của đấy Hà Nội những năm thập niên 90 của thế kỷ trước.Trần Văn Thuyết với đầu óc nhanh nhạy, chỉ trong một thời gian ngắn, ông nhanh chóng gây dựng cho mình cơ ngơi vững chắc về vật chất và vị trí trong xã hội thời bấy giờ.
Trong trại giam, Thuyết "buôn vua" kể lại với PV, năm 1990, khi quần áo si-da (đồ cũ) còn chưa được biết tới ở miền Bắc, Thuyết bàn với vợ, đầu tư tiền kinh doanh mặt hàng này. Tiền lãi nhiều đến mức, trong những năm ấy, Thuyết khoe mang cả va-li tiền vào TP. Hồ Chí Minh, mua quần áo cũ phân loại rồi đóng gói chuyển theo đường hàng không về Hà Nội để bán.
Một thời gian sau, khi thấy thị trường có dấu hiệu bão hòa, Thuyết chuyển luôn sang buôn bán đồ Hi-End (tức là trang thiết bị âm thanh cực xịn) và trở thành đại gia âm thanh.Buôn bán đồ Hi-End được một thời gian, Thuyết chuyển sang kinh doanh món hàng lạ khác. Đó là những chiếc xe được hóa giá theo niên hạn sử dụng của các Đại sứ quán trên địa bàn Hà Nội. Đây là một trong những nguồn thu nhập khổng lồ, đưa Thuyết lên vị trí đại gia của đại gia trong giới thượng lưu.Tuy nhiên, không lâu sau đó, Thuyết bị bắt và lãnh án 20 năm tù giam vì có liên quan tới vụ án Năm Cam.
Sau thời gian cải tạo tốt, vị đại gia một thời của Hà Nội đã được đăng xá sau 13 năm thụ án.Trở về với cuộc sống thường ngày tại căn nhà ở phố Hàng Chuối, ông Thuyết dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc gia đình, và tiếp tục với niềm đam mê kinh doanh Hi-End."Cuộc sống đối với tôi bây giờ không quan trọng ai cao, ai thấp. Cuộc đời tôi va chạm đã nhiều, đã từng được coi là ông này, bà nọ, nhưng khi trở về, tôi nghĩ mọi thứ cũng chỉ là những điều hết sức bình thường trong xã hội. Với tôi, những năm tháng trong trại giam như thế là quá đủ”, ông Thuyết chia sẻ.
Thuyết "buôn vua" tâm sự trên báo pháp luật TP.HCM: "Điều tôi vui và hạnh phúc nhất trong thời gian tôi thụ án là các con tôi đều lo học hành và trưởng thành.Đứa con gái lớn, khi tôi bị bắt mới hơn 11 tuổi vào trại thăm tôi trước khi cháu một mình đi du học ở Anh. Cháu bảo: “Điều mà bố chưa làm được thì con sẽ làm thay bố…”.
Lúc đó nghe con nói, tôi vừa cảm động mà lòng quặn đau vì không tròn trách nhiệm làm cha, khi con cần có cha bên cạnh để chăm sóc, lo lắng thì tôi lại phải rơi vào vòng lao lý….
Người đàn ông với biệt danh "đại gia chơi ngông" một thời và người con gái lớn
sau khi ông được đặc xá trở về. Ảnh PLO.
Khi có dịp về Việt Nam, cháu đến thăm và động viên an ủi, điều đó càng giúp tôi phấn đấu cải tạo để sớm được đoàn tụ với gia đình.
Khi tôi về, con gái lớn đã tốt nghiệp đại học luật ở Anh và hiện làm tại công ty luật nước ngoài ở Hà Nội. Đứa con gái út thì đang học năm thứ ba Học viện Ngoại giao."
Phía bên kia của sườn dốc cuộc đời, người đàn ông từng “vang bóng một thời” dường như sống gấp gáp hơn để thực hiện những dự định còn dang dở: “Tôi vấp ngã ở đâu sẽ tự đứng lên chỗ đó để làm lại từ đầu.
Tôi day dứt vì chưa làm được nhiều cho gia đình. Tôi nợ vợ, con cái món nợ tình cảm, bởi họ đã ở bên tôi trong lúc tôi gặp khó khăn nhất nhưng không một lời oán trách.
Chỉ mong ông trời cho tôi thêm sức khỏe, giúp đỡ được gia đình. Như thế tôi đã mãn nguyện lắm rồi!”.