Nhiều người cho rằng, việc công an ra quyết định khởi tố là một động thái mạnh, "tuyên chiến" với tình trạng xe lậu, xe trốn thuế nổi cộm trong thời gian qua. Tuy nhiên, không ít chuyên gia khẳng định, không loại trừ đứng đằng sau hàng trăm chiếc xe sang trốn thuế bị phát hiện trên cả nước thời gian qua là một “tổ chức” chuyên nhập khẩu xe trốn thuế và làm giấy tờ giả.
Nữ ca sỹ kiêm diễn viên điện ảnh dùng biển số giả
13 xe sang vừa bị bắt giữ tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng đều không có giấy tờ hoặc biển số giả. Qua xác minh, những ô tô này được các nhân viên đại sứ quán nước ngoài nhập vào Việt Nam sử dụng khoảng 3 năm. Khi hết nhiệm kỳ, họ không đưa về nước mà bán lại cho người có nhu cầu. Những ô tô hạng sang này khi được các đại sứ quán nhập vào Việt Nam được miễn thuế, có tờ khai hải quan. Theo quy định, người mua phải làm thủ tục sang tên, đóng thuế thì mới được phép lưu hành. Nhưng khi một số "đại gia" Việt Nam mua, số tiền đóng thuế cao, họ muốn trốn thuế nên đã làm giấy tờ, biển số giả để sử dụng.
Trao đổi với PV, Thượng tá Đoàn Văn Nam, Đội trưởng đội Cảnh sát kinh tế công an quận 7, TP.HCM cho rằng, trong số 13 xe tạm giữ có 6 chiếc là xe mang biển ngoại giao, đã chuyển cho cảnh sát giao thông xử phạt hành chính. Nếu chủ xe có giấy tờ gốc là xe được nhập vào Việt Nam theo diện ngoại giao, tức là không cần phải đóng thuế. Khi muốn nhận lại xe bị tạm giữ, chủ phương tiện sẽ phải đóng thuế nhập khẩu và thuế trước bạ mới được lấy xe ra.
Được biết, chủ nhân của các loại siêu xe Bentley, Porsche và Hummer... đều là những "đại gia" sinh sống tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Trong đó có, một nữ ca sỹ kiêm diễn viên điện ảnh cũng đã bị giữ xe vì dùng biển số giả. "Giấy tờ của những chiếc xe này được làm giả rất tinh vi nên khi cảnh sát giao thông kiểm tra, nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện. Chỉ bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra mới xác minh được nguồn gốc và lật tẩy đó là xe xài giấy tờ và biển số giả", Thượng tá Nam nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích: "Không riêng gì xe siêu sang, tất cả các loại xe có hành vi trốn thuế đều bị xử lý nghiêm. Vừa rồi tôi được biết, không ít xe mang biển kiểm soát ngoại giao bị bắt giữ vì không sang tên đổi chủ, không nộp thuế”. Trước tình trạng ngày càng nhiều xe siêu sang trốn thuế, lưu thông bằng giấy tờ giả, ông Hùng đặt nghi vấn không loại trừ khả năng có một vài tổ chức chuyên nhập khẩu xe để trốn thuế. "Chính vì thế, muốn ngăn chặn tình trạng xe trốn thuế, các cơ quan chức năng phải tìm ra nguồn gốc, người nhập khẩu, người chủ bán các loại xe này. Tiếp đó, những người mua xe trốn thuế, xe dùng biển số giả cũng cần có hình thức xử lý nghiêm", ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo vị nguyên Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đối với loại xe ngoại giao được miễn thuế nhập khẩu, khi hết thời hạn công tác ở Việt Nam thì người chủ có quyền nhượng lại xe cho người khác nhưng bắt buộc phải nộp các loại thuế cho Nhà nước. Chính phủ đã có quy định nếu lấy lại xe ngoại giao mà không sang tên đổi chủ thì sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, hiện nay có không ít trường hợp xe ngoại giao được chuyển nhượng bằng "giấy trao tay". Người dân không làm thủ tục sang tên xe ngoại giao vì để trốn thuế, cũng có những người gặp khó vì thủ tục sang tên đổi chủ rườm rà, thuế quá cao. Chính vì thế, theo ông Hùng, nếu xem xét mức thuế hợp lý, đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện cho người dân thực hiện... cũng là một trong những cách ngăn chặn tình trạng xe sang trốn thuế.
Để “lọt” là có sự đồng lõa?
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải nhận định: Những xe sang hầu hết là của những người giàu. Họ tìm cách tuồn vào Việt Nam để làm phương tiện đi lại và khẳng định đẳng cấp. Nếu thu được thuế các loại xe này thì tiền thu về của Nhà nước là khá lớn. Tuy nhiên, vẫn có số lượng lớn các xe lọt ra ngoài vòng kiểm soát của cơ quan thuế. "Để lọt thuế đối với các xe siêu sang tức là có sự đồng loã của các cơ quan chức năng. Tình trạng này đã kéo dài mấy chục năm mà giờ các cơ quan mới "mạnh tay" là quá chậm. Nhưng theo tôi, họ làm chậm còn hơn không làm", ông Thuỷ nhấn mạnh.
TS. Thuỷ đặt nghi vấn, phải chăng, để xảy ra việc hàng trăm chiếc xe siêu sang, biển kiểm soát giả vẫn nhởn nhơ chạy ngoài đường cũng là do sự buông lỏng của cơ quan công an trong một thời gian dài. Nếu công an kiểm tra đúng quy trình và chặt chẽ thì sẽ phát hiện ra được đó là xe biển thật hay giả. Phải chăng, đã có một sự "bắt tay" không chính thức nào đó thì chiếc xe biển giả, hồ sơ giả đó mới tiếp tục được lưu thông.
Bàn luận riêng về trường hợp xe biển số ngoại giao sang tay ngầm để trốn thuế, ông Thuỷ nêu quan điểm: "Lâu nay tôi nghĩ cũng là vấn đề móc nối với nhau, cụ thể hơn là của những người cán bộ ngoại giao hoặc các đơn vị ngoại giao với người mua, người bán. Xe ngoại giao khi đưa vào có chế độ riêng, không bị đánh thuế... Nếu đối tượng hết nhiệm kỳ, chiếc xe bán lại cho người khác thì phải làm theo các thủ tục của Nhà nước. Người mua không đóng thuế chẳng khác nào ăn quỵt của Nhà nước phần tiền đó".
Cũng theo vị chuyên gia này, những việc làm thanh tra, xử lý này có hiệu quả hay không còn tuỳ vào tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nếu khi các bên liên quan sau khi xử lý các trường hợp sai phạm vẫn tiếp tục có văn bản, đồng thời thay đổi những cơ chế cũ, có những cơ chế chặt chẽ hơn, kiểm tra thường kỳ thì tình trạng xe siêu sang dùng biển giả, hồ sơ giả mới có thể giảm đi và không có tình trạng lọt thuế xe sang. Nếu chỉ làm theo phong trào, theo chiến dịch thì tiêu cực sau đó lại tái diễn.