Đại gia Ninh Bình chuyên đi xây chùa nghìn tỷ
Chủ nhật, 12/07/2020 09:41

Vị đại gia nổi tiếng với câu nói: “Đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời...".

Ông Nguyễn Văn Trường là doanh nhân sinh năm 1964 tại Ninh Bình. Ông là chủ của nhiều doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó nổi tiếng nhất là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường. Cũng chính vì doanh nghiệp này mà ông còn được gọi với cái tên đại gia Xuân Trường.

Ngoài công ty Xuân Trường, ông còn sở hữu nhiều doanh nghiệp khác như Công ty du lịch Hoa Lư, Khách sạn Hoa Lư, Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tràng An, sân golf Tràng An, khu du lịch hồ Đồng Chương...

Tài chính - Ngân hàng - Đại gia Ninh Bình chuyên đi xây chùa nghìn tỷ

Đại gia Xuân Trường gắn với nhiều công trình chùa chiền nổi tiếng

Nổi tiếng nhưng cũng không phần kín tiếng vì đại gia Xuân Trường ít khi xuất hiện trên báo chí và thường từ chối chụp ảnh với cả những người bạn làm báo thân thiết nhất, bởi theo ông, những việc mình làm “không có gì to tát”.

Ông Trường quan niệm: “Chùa chiền như là những mốc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc và Tổ quốc”.

Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của vị đại gia này là: “Đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý”.

Bái Đính - Tràng An

Khu du lịch Bái Đính - Tràng An khởi công năm 2006 với số vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...

Tài chính - Ngân hàng - Đại gia Ninh Bình chuyên đi xây chùa nghìn tỷ (Hình 2).

Phối cảnh chùa Bái Đính

Năm 2010 chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ đón xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam. Ông Trường đã phải chi tới 100.000 USD, đích thân sang Ấn Độ để đón xá lợi về Việt Nam. Ở sân bay Nội Bài ông đã sắp xếp thuế 3 chiếc xe Limousine, Hummer, Lincol để chở xá lợi và các cao tăng về Ninh Bình.

"100.000 USD để cùng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam rước xá lợi Phật về hay là hàng triệu USD cũng không thể mua được cái tâm của những người hướng Phật", ông Trường nói.

Chùa Bái Đính khi xây dựng được gọi là đại công trường với 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những các làng nghề nổi tiếng. Các nghệ nhân này sử dụng các vật liệu địa phương để tạo ra nét thuần Việt trong kiến trúc chùa Bái Đính.

Đến năm 2014, Chùa Bái Đính đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép. Đây cũng là ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực như tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á; tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; chuông đồng lớn nhất Việt Nam (36 tấn); khu chùa rộng nhất Việt Nam tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha); hành lang La Hán dài nhất châu Á (gần 3 km); nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 vị bằng đá xanh, cao khoảng 2m); giếng ngọc lớn nhất Việt Nam; số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam (100 cây bồ đề mang về từ Ấn Độ).Nói không quá thì Bái Đính - Tràng An là dự án tâm linh khẳng định tên tuổi của Xuân Trường.

Theo thống kê, năm 2007 Ninh Bình đón gần 2,4 triệu khách du lịch thì đến năm 2018 vừa qua đã lên tới 7,3 triệu lượt khách, đem về doanh thu 3.200 tỷ đồng cho tỉnh. Riêng trong dịp Tết năm 2018, có ngày Bái Đính đón tới hơn 221 nghìn lượt khách và Tràng An có ngày đón hơn 31 nghìn lượt khách.

Tam Chúc - Ba Sao

Mục tiêu là xây dựng ngôi chùa lớn nhất thế giới, khu du lịch Tam Chúc nằm tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng có diện tích 5.100ha (bằng kích thước của gần 300 sân vận động quốc gia Mỹ Đình cộng lại), ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, dưới lòng hồ là 6 quả núi nhô lên, xung quanh là những đầm sen. Đứng từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc được ví như ”Vịnh Hạ Long” trên cạn.

Tài chính - Ngân hàng - Đại gia Ninh Bình chuyên đi xây chùa nghìn tỷ (Hình 3).

Chùa Tam Chúc được ví như ”Vịnh Hạ Long” trên cạn.

Năm 2006, cùng thời điểm khởi công dự án Bái Đính - Tràng An, cũng là lúc đại gia Xuân Trường được tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với chức năng văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí, quy mô cấp vùng Thủ đô và định hướng phát triển cấp quốc gia. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 11.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của các nhà đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.

Để thu hút sự chú ý dành cho dự án, tháng 10/2018 vừa qua, doanh nghiệp Xuân Trường đã mua đấu giá mảnh thiên thạch có tên "Mảnh ghép Mặt Trăng" tại Mỹ, với mức giá 612.500 USD (khoảng 14,3 tỷ đồng). Khối đá này được Xuân Trường mua để tặng lại cho chùa Tam Chúc.

Ông Trường từng cho biết, Bái Đính kiến trúc 1 ngôi chùa lớn thì Tam Chúc - Ba Sao khi hoàn thành có hàng trăm chùa tháp với hàng ngàn bức tượng Phật. “Nơi đây còn có cả một không gian tâm linh phụ trợ như Động Vòng, Động Cô Đôi, Chùa Thiên Phúc và khu vườn Phật 300 ha - nơi ngự của tứ Thánh đế với hàng ngàn đệ tử chắp tay hướng tới cõi niết bàn, nghĩa là đến đây du khách như đến một trung tâm Phật giáo quy mô lớn nhất hàng châu lục”, ông Trường nói.

Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2020 và thu hút trên 1,8 triệu lượt khách/năm về tham quan du lịch; đồng thời chuyển dịch từ 3.000 - 5.000 lao động nông nghiệp sang chuyên phục vụ ngành dịch vụ, du lịch.

Ngay trong dịp Tết 2019, rất đông du khách đã tới Tam Chúc, dù cho nhiều hạng mục vẫn đang trong quá trình thi công. Theo thống kê trong dịp Tết Kỷ Hợi, trung bình mỗi ngày có trên 2.000 vé được bán ra.

Tháng 5/2019, chùa Tam Chúc đã đăng cai Đại lễ Vesak năm 2019 (Đại hội Phật giáo thế giới). Đại lễ dự kiến có 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học… tại 90 – 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và khoảng 10.000 Phật tử và người dân tham dự. Đây cũng là thời điểm khánh thành giai đoạn 1 của dự án. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2048 (xây dựng trong gần 50 năm).

Dự án Hồ Núi Cốc và Cái Tráp

Ngoài 2 dự án tại Ninh Bình và Hà Nam, Xuân Trường còn có ý định đầu tư 2 dự án tâm linh khác là dự án Hồ Núi Cốc tại Thái Nguyên và dự án đảo Cái Tráp tại Hải Phòng.

Khi khởi công vào tháng 2/2016, dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương là thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ.

Tài chính - Ngân hàng - Đại gia Ninh Bình chuyên đi xây chùa nghìn tỷ (Hình 4).

Phối cảnh dự án Hồ Núi Cốc

Diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940 ha, trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha. Dự kiến phân khu chức năng chính của dự án gồm Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc.

Ngoài ra, trong dự án còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch với vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch và vị trí 2 tại nút giao đường phía tây với tỉnh lộ 261.

Công ty Xuân Trường tuyên bố sẽ xây dựng xây dựng tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150 m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000 m2, có thể chứa được 5.000-10.000 người trong cùng một thời điểm tại.

Khi khởi công, Xuân Trường cho biết có thể đặt móng trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãng cảnh, bái phật. Ngoài ra doanh nghiệp này dự kiến hoàn thành chùa tháp trong vòng 10 năm (2016-2026). Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng chùa tháp khoảng 10.000 tỷ đồng.

Còn đối với Cái Tráp, Xuân Trường dự kiến đầu tư 9,8 nghìn tỷ đồng, phát triển đảo Cái Tráp thành quần thể du lịch tổng hợp. Trong đó, nổi bật là khu tâm linh với diện tích 88,7ha gồm các hạng mục: chùa Cái Tráp, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 150m, điện Pháp chủ, điện Tam quan, hai nhà tả hữu vu, nhà tăng ni; khu dịch vụ đón tiếp 108ha gồm: trung tâm đón tiếp, khu ẩm thực, khách sạn 5 sao, bến xe điện, khu biệt thự; phần diện tích còn lại sẽ đầu tư xây dựng CLB thủy thủ, Casino và các thảm cây, cỏ xanh để đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.

Lý giải về việc xây tượng Phật cao 150m, ông Nguyễn Văn Trường cho rằng, tượng Phật có ý nghĩa là biểu tượng đặc trưng của Phật giáo và tín ngưỡng đạo Phật, phù hợp với văn hóa đồng bằng sông Hồng nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung. Hiện kỷ lục công trình tượng cao nhất đang thuộc về Trung Quốc, vì vậy doanh nghiệp quyết định đầu tư xây dựng công trình lớn hơn, tiến tới đề nghị công nhận kỷ lục thế giới, tạo sức lan tỏa để thu hút du khách.

Nguoiduatin.vn

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dai-gia-ninh-binh-chuyen-di-xay-chua-nghin-ty-a482035.html.. Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dai-gia-ninh-binh-chuyen-di-xay-chua-nghin-ty-a482035.html

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Đại gia Ninh Bình , Nguyễn Văn Trường , Đại gia Xuân Trường