Đại gia ngân hàng thời ẩn sâu, trốn kỹ

Kết thúc 2014, thị trường chứng khoán tăng trưởng đầy cảm xúc, những cái tên đình đám cũng thay đổi. Trên sàn chứng khoán chứng kiến sự biến mất các đại gia ngân hàng.

Bật khỏi top 10

Với cú tăng điểm nước rút vào những ngày cuối năm đã giúp nhiều đại gia trên sàn chứng khoán có thêm cả chục cho tới trăm tỷ đồng, đánh dấu một năm mà túi tiền của hầu hết các doanh nhân đều phình to lên nhờ TTCK chung cuộc tăng hơn 7,4%.

Tốp 10 người giàu nhất trên TTCK vẫn xướng lên những cái tên quen thuộc như Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Trần Đình Long, Nguyễn Hoàng Yến... Và thêm những cái tên mới trong lĩnh vực thủy sản như Trương Thị Lệ Khanh, Chu Thị Bình, Dương Ngọc Minh.

Trái ngược với sự nổi lên của doanh nhân thủy sản, danh sách chứng kiến sự biến mất của nhiều đại gia tài chính ngân hàng như trường hợp ông Hà Văn Thắm, ông Hồ Hùng Anh, ông Đặng Thành Tâm...

Đây có lẽ là điểm biến động đáng chú ý nhất trong bảng xếp hạng năm nay. Nó gắn liền với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nhiều đại gia sa cơ trong kinh doanh và không ít người đã rút lui, ẩn mình trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Trong năm 2013, ông chủ của OceanBank Hà Văn Thắm với khối tài sản lên tới trên 1.500 tỷ đồng, thì năm nay tài sản của đại gia này bốc hơi hơn nửa theo những biến động ở Tập đoàn Đại Dương và những biến động tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Sự lao dốc trong bảng xếp hạng của ông Thắm xảy ra sau khi nguyên Chủ tịch OceanBank bị bắt giam và bị khởi tố hồi cuối tháng 10. 

Trong những ngày cuối cùng năm 2014, ông Hồ Hùng Anh, Phó chủ tịch Masan Group (MSN) bất ngờ rớt hẳn ra khỏi danh sách những người giàu nhất trên TTCK, sau khi đại gia là chủ tịch Ngân hàng Techcombank - chuyển nhượng toàn bộ 15,77 triệu cổ phiếu MSN thuộc sở hữu theo như đăng ký từ trước.

Trong năm 2014, giới đầu tư cũng chứng kiến vợ chồng ông Đặng Thành Tâm - một đại gia từng gắn bó với 2 ngân hàng Navibank (giờ là quốc dân) và WesternBank (đã hợp nhất thành PVCombank) ồ ạt bán ra rất nhiều cổ phiếu, khiến tổng giá trị tài sản quy ra từ cổ phiếu niêm yết trên sàn bị sụt giảm mạnh. Thứ hạng giàu sang của ông Tâm do vậy cũng tụt hạng nhanh chóng.

Từng là người giàu nhất năm 2007 và đứng trong tốp 3 trong nhiều năm sau đó, ông Đặng Thành Tâm giờ đã rớt rất xa khỏi tốp 10. Hồi tháng 9/2014, ông Tâm cũng đã bán non nửa trong số 100 triệu cổ phiếu KBC tại CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC).

Đại gia ngân hàng thời ẩn mình

Khá nhiều các đại gia ngân hàng trong thời gian gần đây ẩn mình khá kỹ. Sau một thời gian là tâm điểm của các câu chuyện về thâu tóm, mua bán sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng, gia đình nhà ông Trầm Bê vẫn đứng đầu giới tài phiệt lĩnh vực này. Tuy nhiên, 2 người con của đại gia này mới là những người có mặt trong tốp 50 những người giàu nhất, còn ông Trầm Bê không xuất hiện trong top những người giàu nhất.

Với sự tụt hạng của ông Hà Văn Thắm, ông Đặng Thành Tâm và Hồ Hùng Anh, ông Trầm Trọng Ngân - con trai cả ông Trầm Bê, đã trở thành quán quân trong bảng xếp hạng các đại gia ngân hàng giàu có nhất.

Ông Trầm Trọng Ngân hiện đang nắm giữ hơn 54,7 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, với giá trị gần 1.000 tỷ đồng, vượt xa những người còn lại. Bên cạnh đó, ông Ngân còn đang nắm giữ gần 18 triệu cổ phiếu SouthernBank, chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

Khá nhiều các đại gia ngân hàng trong thời gian gần đây ẩn mình khá kỹ.

Một người con trai khác của đại gia Trầm Bê là ông Trầm Khải Hòa đã trở thành người trẻ tuổi nhất trong top 10 đại gia ngân hàng giàu nhất năm nay, khi mới ở tuổi 26. Ông Hòa đang nắm 20,82 triệu cổ phiếu STB, đứng ở vị trí số 3 trong danh sách các đại gia ngân hàng với khối tài sản hơn 420 tỷ đồng. Ông Trầm Bê - người được xem là nhân vật làm mưa làm gió trên thị trường mua bán sáp nhập ngân hàng trong năm vừa qua, lại chỉ nắm giữ một số lượng cổ phiếu ít ỏi của Sacombank và không nằm trong tốp 150 người giàu nhất.

Một đại gia tài chính ngân hàng BĐS được đánh giá giàu có hàng đầu tại Việt Nam, có thời kỳ tài sản truyền tai lên tới hàng tỷ USD là Vũ Văn Tiền. Doanh nhân này khá kín tiếng và gần đây càng khép mình, cho dù đại gia này cùng với Tập đoàn Geleximco của mình gắn bó miệt mài với ABBank, nhất là trong bối cảnh EVN đang trong quá trình thoái vốn tại ngân hàng này.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Thành cùng với gia đình con cái đã rút lui khỏi Sacombank để quay về với tập đoàn gia đình Thành Thành Công, chuyên tâm đầu tư vào một số lĩnh vực sở trường, trong đó có mía đường.

Đại gia ngân hàng kì cựu, bà Tư Hường - mẹ chồng á hậu Thiên Lý vẫn xoay sở vị thế thống trị ngân hàng Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank). Tuy nhiên, quyền lực chuyển vòng quanh cho con trai, con gái và con rể. Các vị trí lãnh đạo cao nhất cùng với vị thế cổ đông lớn nhất đều thuộc nhà bà Hường, nhưng lão bà doanh nhân này không nắm cổ phiếu và chỉ giữ vị trí là cố vấn HĐQT. Nhiều đại gia ngân hàng khác tiếp tục kín tiếng như ông Dương Công Minh (LienVietPostBank); nhà ông Trần Mộng Hùng (ACB); Đỗ Minh Phú (TPBank); và một số gương mặt mới cũng kín tiếng như: Nguyễn Tiến Dũng (Navibank); Võ Quốc Thắng (KienLongBank); Trần Phát Minh (STB, KienLongBank)...

TTCK chứng khoán đã khép lại một năm, hàng loạt các doanh nhân chứng kiến túi tiền mỗi người tăng thêm hàng nghìn tỷ như: ông Đoàn Nguyên Đức, ông Trần Đình Long, bà Trương Thị Lệ Khanh, bà Chu Thị Bình, ông Lê Văn Quang... Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường cũng chứng kiến sự tụt dốc thảm hại của nhiều đại gia tài chính ngân hàng. Một phần do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh không mong muốn, một phần do ý chí chủ quan muốn ẩn mình, giấu tên để tránh bão tố.