Các cường quốc tại vùng Vịnh đã lặng lẽ chuyển tiền, vũ khí và các hỗ trợ khác với mức độ lớn chưa từng có cho những nhóm nổi dậy tại Syria, trong bối cảnh Nga đang tích cực không kích ở quốc gia này.
Họ vẫn bảo toàn quan điểm rất rõ ràng rằng, họ sẽ tiếp tục làm vậy cho tới khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị loại bỏ.
"Không có tương lai nào cho Assad ở Syria", Ngoại trưởng Ả Rập Adel Al-Jubeir thằng thừng tuyên bố chỉ vài giờ sau khi Nga thực hiện vụ các đợt không kích đầu tiên tại Syria.
Ông này thậm chí còn cảnh báo, nếu Assad không rời "ngôi" tổng thống trong quá trình chuyển đổi về chính trị, thì quốc gia của ông sẽ buộc phải lựa chọn "giải pháp quân sự".
Thành viên cấp cao của Hội đồng Châu Âu về Đối ngoại Julien Barnes-Dacey tuyên bố:
"Sự can thiệp của Nga là một trở ngại lớn đối với các quốc gia ủng hộ phe đối lập, đặc biệt là trong khu vực - Qatar, Ả Rập Xê-Út và Thổ Nhĩ Kỳ - và có thể kích động phản ứng mạnh mẽ, gây leo thang".
Theo các chuyên gia, trong khi Ả Rập tập trung ủng hộ phe nổi dậy ở miền Nam, thì các đồng minh của họ là Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar được cho là hậu thuẫn cho phe đối lập ở miền bắc, bao gồm cả các lực lượng dân quân Hồi giáo bảo thủ như Ahrar al Sham.
Nhà phân tích Ali Bakeer nhận định: "Các nỗ lực tới đây, nhiều khả năng sẽ tập trung thúc đẩy tính hiệu quả của các liên minh (nổi dậy) lớn, phối hợp giữa các nhóm có ảnh hưởng nhất và hoạt động hiệu quả nhất ở Syria".
Ông này chia sẻ, chiến dịch ném bom của Nga đã thay đổi những tính toán của các quốc gia Ả Rập tại Syria, trong thời điểm họ đang cố gắng thuyết phục các đồng minh cùng thúc đẩy sự chuyển đổi chính trị và hỗ trợ cho các chiến binh.
"Ả Rập Xê-Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar đang hợp tác, phối hợp rất chặt chẽ ở cấp cao. Họ gần như đang 'cùng hội cùng thuyền' ở Syria".
Cách tốt nhất để ứng phó với sự can thiệp của Nga là tăng cường hợp tác, tăng cường ủng hộ cho quân nổi dậy để giảm leo thang, tạo thế cân bằng trên bộ. Người Nga sau đó sẽ nhận ra các giới hạn đối với mình ở Syria và thay đổi cách tiếp cận.
Riêng về phần Ả Rập Xê-Út, theo báo Anh The Guadian, cạnh tranh về ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực với Iran khiến Riyadh không thể từ bỏ Syria, dù bằng bất cứ giá nào.
Ông Barnes-Dacey cũng đồng quan điểm này khi cho rằng, nhà vua mới của Ả Rập đã quyết đoán hơn và sẵn sàng ra tay hành động, bởi nếu họ không kiểm soát tình hình thì vị thế của Iran ở Syria sẽ được củng cố - điều mà quốc gia này hoàn toàn không mong muốn.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Hassan Hassan, "vai trò quân sự của Ả Rập sẽ khiến tình hình leo thang".
Trong khi đó, cũng có một số lượng, dù nhỏ, tại Ả Rập Xê-Út tin rằng động thái của Nga tại Syria sẽ giảm bớt ảnh hưởng của Iran.
Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Châu Âu về đối ngoại, ông Daniel Levy nhận định: "(Tầm ảnh hưởng của Nga) càng lớn thì của Iran càng nhỏ".
Dù vậy, theo ông này, mức độ đối đầu giữa Tehran và Riyadh đang ngày càng đáng lo ngại và khiến tình hình ở đây có thể trở nên nguy hiểm, bởi không ai có khả năng làm trung gian hoà giải, giảm căng thẳng tại đây, kể cả Mỹ hay Nga.