Cứ tháng 10 dương lịch hàng năm, một số đại gia bắt đầu cuộc "săn" quà Tết "độc", lạ, thú vị, khác người làm quà tặng ân nhân. Tình hình kinh tế chung của năm nay là ảm đạm, các đại gia ở lĩnh vực bất động sản, xây dựng có vẻ im hơi lặng tiếng hơn đại gia ngành khác. Thế nhưng, sóng ngầm trong cuộc "săn" quà Tết năm nay vẫn rất dữ dội. Kinh tế càng khó khăn mà vẫn "săn" được quà Tết "độc", lạ thì giá trị món quà, giá trị của người tặng càng được nhân lên.
Quà tặng mang giá trị tinh thần và kinh tế
Để được xếp vào hàng đại gia, những người lắm tiền nhiều của này chắc chắn có ít nhất vài ân nhân "chống lưng". Bởi thế, ngày lễ, ngày Tết là dịp để các đại gia trả ơn ân nhân. Họ đua nhau tìm kiếm những món quà "độc" đáo đến mức người nhận cũng bất ngờ. Những năm trước đây, một số đại gia thường "săn" quà Tết là những món đồ quy ra giá trị bằng vài chục nghìn đô la Mỹ. Vài năm trở lại đây, nhất là dịp Tết năm nay, theo tìm hiểu của PV, một số đại gia không "săn" quà tặng theo trào lưu. Họ âm thầm thực hiện những kế hoạch "săn" quà tặng "độc" riêng để tặng ân nhân của mình. Khi có quà tặng trong tay, họ bắt đầu "chém gió", hơn - thua với nhau.
Thực tế, quà Tết trị giá vài chục nghìn đô la Mỹ với đại gia năm nay, bắt đầu có vẻ xa xỉ, thiếu thiết thực. Hưng Thịnh, một đại gia than ở Quảng Ninh cho biết: "Bắt đầu từ năm 2009, tôi giảm chi liên quan đến quà Tết. Tôi tăng chi, chi thật mạnh vào những vụ việc cụ thể. Năm nay, tôi chọn quà Tết lạ để tặng ân nhân. Nó mang nhiều ý nghĩa tinh thần hơn là vật chất. Tôi có 4 địa chỉ cần phải tặng quà Tết. Trung bình một món quà tôi "săn" được không quá 3.000 đô la Mỹ". Tôi nhẩm tính, quy ra tiền Việt, một món quà, đại gia tặng ân nhân, trị giá từ 50 - 60 triệu đồng. Nó bằng số tiền để tổ chức ăn Tết cho khoảng 2 xã vùng sâu, vùng xa của miền núi. Thấy tôi thừ mặt ra, đại gia Hưng Thịnh giải thích: "Cô đừng như thế. Thời buổi kinh tế khó khăn, chi tiền "săn" quà Tết, tôi xót lắm chứ. Nhưng, có những đối tượng, những chỗ không thể không tặng quà Tết. Họ là ân nhân của mình. Họ tạo cho mình cơ hội để giàu có hơn người, ngày Tết không nhớ đến họ là sai. Người đời biết, họ cười vào mặt, họ xa lánh, thậm chí cùng nhau tẩy chay thì tôi sống với ai? Hơn nữa, tôi không tặng, năm sau, ân nhân không tạo điều kiện, tôi không kinh doanh được, cứ "ngồi bệt" (tức là phải nhường chỗ cho người khác làm việc của mình - PV) thì duy trì công ty, duy trì cuộc sống gia đình thế nào đây? Cô cứ nghĩ đơn giản, đó là nợ đồng lần của cuộc đời, thế là xong."
Thấy tôi chưa thỏa mãn với lời giải thích đó, Hưng Thịnh bảo: "Cô đi cà phê "chém gió" với anh, cô sẽ hiểu. Có thể, còn biết thêm nhiều thông tin thú vị nữa là khác." Tôi theo Hưng Thịnh đến nơi mà các đại gia vẫn thích ngồi uống cà phê để cùng nhau "chém gió". Tiến Dũng, đại gia mới nổi, được gắn mác thực phẩm, "nổ": "Tôi vừa đi "trời Tây" ký nhập thực phẩm về bán Tết. Quà tặng ân nhân Tết năm nay, đại gia nào chi dưới 10.000 đô la Mỹ thì... kém. Năm nay, nhà ân nhân của tôi sẽ tràn ngập sơn hào, hải vị "độc". Những món đặc sản chỉ có ở "trời Tây", nó là món ăn ngon của các doanh nhân và chính khách thế giới. Nó vừa là thức ăn, vừa có tác dụng chữa bệnh. Thế mới "độc" chứ". Vừa "nổ" mắt Dũng vừa lim dim như thể thưởng thức món ăn ngon, bổ vậy. Tôi quá bất ngờ với tuyên bố của đại gia Dũng. Vì 10.000 đô la Mỹ, quy đổi ra tiền Việt khoảng hơn 200 triệu đồng. Số tiền đó mà mua thực phẩm thì gia đình ân nhân của Dũng phải xây một cái kho cả trăm m2, cùng với hệ thống bảo quản mới đựng hết quà tặng.
Chẳng thấy ai hưởng ứng, mọi người chuyển đề tài, đại gia Dũng "tỉnh" sau khi đã "chém bạt mạng", rồi giải thích: "Tôi nói món quà tặng trị giá 10.000 đô la Mỹ, chứ không phải mua hết 10.000 đô la Mỹ thực phẩm tặng ân nhân đâu. Tất nhiên, thực phẩm "độc", ngoại thì "xắt ra miếng" thật đấy. Đó là vây cá mập trắng hộp nguyên chất; cá hồi biển ở Nga; dạ dày cá heo; tôm hùm biển; cá ngừ Bắc cực... Ngoài chiêu "đánh" vào dạ dày vợ, con ân nhân thì quà tặng còn "đánh" vào túi tiền nữa. 10 tuổi, tôi tặng 1.000 đô la Mỹ, cứ thế nhân lên, bà vợ nào chẳng thích".
Khác với đại gia Dũng, đại gia Thịnh chọn đồ thờ cúng làm quà tặng Tết. Đó là đôi lộc bình gốm Chu Đậu, là ban thờ bằng gỗ gụ, là quả cầu may mắn bằng ngọc nghiến... Theo đại gia Thịnh, những ân nhân nhận quà của ông, họ chẳng thiếu thứ gì. Vì thế, đồ ăn, đồ uống, tiền bạc là vật ngoài thân, làm quà tặng cho họ không lạ và kém thú vị. Đại gia Thịnh đến nhà ân nhân chơi, phát hiện còn thiếu đôi lộc bình ở gian thờ. Ông xung phong tặng. Ân nhân gật gù, thích thú. Vì gia đình và bản thân ân nhân rất chăm thờ cúng tổ tiên. Mỗi khi thắp hương tổ tiên, ông bà, cha mẹ, ân nhân nhìn thấy quà tặng của đại gia, giá trị không thể hơn. "Thế là giải pháp tinh thần hữu ích nhất, tôi cũng vui mà ân nhân của tôi cũng hài lòng" - đại gia Thịnh bộc bạch.
Lộc bình bằng gốm Chu Đậu cũng có trong danh sách quà tặng Tết
Quà tặng... bằng người
Trong giới người nhiều tiền, lắm của đang truyền tai nhau quà Tết "độc nhất vô nhị" của đại gia Việt. Loại quà Tết này, được đại gia Việt thực hiện từ năm ngoái. Năm nay, nhiều đại gia đang chờ đợi đại gia Việt "tung chiêu" quà tặng "độc" khác. Đại gia Việt (ở H.P), được ví như Lã Bất Vi - một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, thời nhà Tần (221 tr.CN - 206 tr.CN). Đại gia này có thể chơi với bất kỳ đối tượng nào, bằng các hình thức khác nhau. Đại gia Việt có những mối quan hệ rất khác người nên cách hành xử của ông ta với những mối quan hệ khác người ấy cũng khác lạ vô cùng. Ông ta "săn" quà Tết là những chuyến du lịch châu Âu, ở những miền đất có tuyết rơi và sự lãng mạn như trong câu chuyện cổ tích. Quà Tết cho vợ, con ân nhân là chuyến du lịch đi Vatican, công quốc Manoco, Nga, Tây Ban Nha, Italy... Ngoài bao trọn gói chuyến đi, ông Việt còn lì xì vợ, con, cháu ân nhân mỗi người hàng ngàn đô la Mỹ để tiêu vặt. Quà tặng kiểu này không mới nhưng lại thú vị ở chỗ, vợ, con, cháu, thậm chí là người giúp việc được du ngoạn châu Âu, được thưởng thức ngắm cảnh tuyết rơi; được trở về với những câu chuyện cổ tích thần tiên... đầy thú vị. Họ cứ du lịch, cứ thưởng ngoạn...
Cả gia đình đi du lịch, riêng ân nhân thì phải ở nhà cúng tổ tiên, tiếp khách, đi chúc mừng họ hàng. Một tuần Tết đó, người thân đi hết, ai làm công việc bếp núc cho ân nhân. Đại gia Việt là người "thiết kế" quà tặng đạt đến sự hoàn hảo. Trong 1 tuần vợ con ân nhân đi vắng, đại gia Việt tặng riêng ân nhân là một cô gái trẻ, kiêm giúp việc nhà và chuyện tình cảm. Khi nào vợ con ân nhân về thì cô gái đó hết hợp đồng với đại gia Việt. Thấy bảo, đại gia Việt tìm cô gái quê, trắng trẻo, xinh xắn, chỉ mười tám, đôi mươi. Và, chắc chắn cô gái đó phải còn trinh. Cô gái này được đại gia Việt thuê đi làm "ô sin" cao cấp cho ân nhân của đại gia 7 ngày, với tiền lương rất hậu. Người quen của đại gia Việt thừa nhận: Ông Việt quá "cao thủ". Tặng quà kiểu đó, chẳng ân nhân nào từ chối được, đã hợp lý, lại hợp tình. Cô gái quà tặng đó, ngoài nhận được món tiền kha khá từ đại gia Việt (khoảng 40 - 50 triệu đồng) thì còn có cơ hội nhận được nhiều quà tặng khác từ ân nhân của đại gia. Nếu quà tặng làm hài lòng ân nhân, chắc chắn ân nhân thưởng rất hậu hĩnh. Và, biết đâu đấy, sau 7 ngày, ân nhân quen hơi, bén tình lại "cặp" với quà tặng thì sao? Ân nhân và quà tặng "cặp" với nhau, đại gia Việt càng có giá, càng được ưu ái.
Dị ứng với quà tặng "vay - trả", "ân - oán"
Tiến sỹ Trịnh Hoà Bình - viện Xã hội học cho biết: Nhớ ơn người đã giúp mình là truyền thống đạo đức của người dân Việt. Tặng quà ngày Tết cũng là truyền thống đẹp, cần được bảo tồn và lưu giữ. Thế nhưng, hiện nay, rất nhiều người có điều kiện kinh tế đã làm ảnh hưởng đến ý nghĩa nguyên thuỷ, tốt đẹp của việc tặng quà ngày Tết. Nhân ngày Tết, nhiều đại gia, người cơ hội tặng ân nhân của mình những món quà "khủng" để thể hiện đẳng cấp. Thực tế không phải vậy, mà việc tặng quà đó mang ý nghĩa trả - vay. Tức là ân nhân của đại gia cho đại gia những ưu đãi về kinh tế đại gia phải tặng quà để đáp lễ. Tôi rất không hài lòng, phản đối kịch liệt chuyện lợi dụng tặng quà Tết để vay - trả "nợ nần", "ân oán" với nhau.