Kỳ 1: Phúc ‘‘Nhiếp”, quán rượu dừng bước giang hồ
Từng là những tay anh chị có số, có má trong giới giang hồ, từng xưng hùng xưng bá dọc ngang trời đất, từng có thâm niên ăn cơm tù, mặc áo sọc, nhưng sau bao năm tung hoành ngang dọc, họ đã thức tỉnh để trở về với cuộc sống lương thiện.
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Bùi Thanh Phúc (tức Phúc Nhiếp) là một trong những cái tên nhận được nhiều sự nể trọng nhất của giới giang hồ thành Nam. Lỳ lợm, manh động và liều lĩnh, Phúc luôn mang theo vũ khí “nóng” trong người, và lấy số cho mình bằng cách cướp sới bạc. Sau gần 20 năm ở tù, Phúc chọn con đường hoàn lương bằng cách trở thành chủ một quán rượu có tiếng ở TP. Nam Định nhờ tạo được một thương hiệu rượu dừa mang tên mình.
Bước chân vào giới giang hồ
Bùi Thanh Phúc sinh năm 1961, cái tên Phúc “Nhiếp” mà giới giang hồ hay gọi thực tế là tên ghép của Phúc với người thân sinh ra mình. Bố mẹ Phúc đều là công nhân nhà máy dệt Nam Định. Là con trai út trong gia đình có 3 chị em, nên Phúc khá được nuông chiều. Vốn thông minh, sáng dạ Phúc học khá tốt đặc biệt là môn văn, Phúc từng đạt được điểm 9 trong kỳ thi vào cấp III và cũng là học sinh giỏi cấp tỉnh lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, do bản tính vốn nghịch ngợm, Phúc luôn là đứa cầm đầu trong đám bạn xấu và những trò nghịch ngợm ở trong trường. Trong một lần đùa nghịch Phúc vô tình làm gãy tay thầy giáo và bị đuổi khỏi trường cấp III. Phúc được bố mẹ xin cho vào học trường Công nghiệp dệt (nay là trường Cao đẳng nghề Nam Định), và ở đây là lúc Phúc bắt đầu bộc lộ những “tố chất” của một tay anh chị giang hồ. Phúc tập hợp rồi cầm đầu một nhóm học sinh cá biệt của trường và thường xuyên gây gổ với những băng nhóm khác trong thành phố. Một lần có một nhóm đối thủ tới trường để bắt nạt và trấn lột những học sinh khác, nổi máu yêng hùng và để chứng tỏ bản lĩnh của “đại ca”, Phúc “Nhiếp” một mình cầm dao xông vào ăn thua với nhóm kia. Kết quả là lần thứ 2 Phúc bị đuổi học.
Tháng 2/1979, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc sắp nổ ra, Phúc được lệnh tổng động viên vào quân đội. Khi đó Phúc mới vừa tròn 18 tuổi. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau khi có lệnh nhập ngũ, Phúc đã bỏ trốn khỏi đơn vị trở về nhà. Hành trang mà Phúc mang theo người là 2 khẩu súng và vô số đạn mà Phúc ăn trộm được. Có hàng “nóng” trong tay, Phúc thực sự bước chân vào giới giang hồ.
Với lứa tuổi của mình, để lấy số và nhanh chóng tạo được chỗ đứng trong thế giới ngầm, Phúc quyết định tập hợp đàn em để làm những phi vụ táo bạo. Ban ngày đi thám thính địa bàn, ban đêm khi có thời cơ thuận lợi là Phúc và đồng bọn đột kích để cướp sới bạc của các tay anh chị khác. Có tiền Phúc ném vào những cuộc chơi và để bao đàn em. Sau này nhiều lúc Phúc coi đi cướp như một trò tiêu khiển. Có những lần chúng rủ nhau vào công viên, gặp đôi trai gái nào đang ngồi tâm sự, Phúc trấn tiền, lột hết quần áo, bắt họ hát rồi sau đó… đẩy xuống hồ. Gây nhiều tai tiếng, Phúc “Nhiếp” đã ở trong tầm ngắm của cơ quan công an, nhưng cứ lần nào cơ quan chức năng tổ chức vây bắt, y rằng Phúc đều có linh cảm và trốn thoát.
Nhưng rồi, chạy trời không khỏi nắng, đúng lúc tên tuổi của Phúc đang nổi như cồn thì hắn lại bị bắt mà ngay chính hắn cũng không thể ngờ tới. Phúc vẫn còn nhớ, đó là một ngày tháng 4 năm 1983, sau khi đã thực hiện tới 4 phi vụ cướp trong một ngày, Phúc Nhiếp cùng đàn em đi… thác loạn. Trên đường, tình cờ Phúc bị công an giữ lại để kiểm tra hành chính. Trong lúc đang… trình bày hoàn cảnh, thì một nạn nhân của Phúc sau khi bị cướp đã đến công an trình báo. Ngay lập tức người này nhận ra Phúc chính là thủ phạm đã gây ra vụ cướp của mình. Phúc bị bắt ngay tức khắc và bị tòa án Hà Nam Ninh xử phạt 20 năm tù giam về tội cướp có vũ khí.
Những năm tháng trong tù
Sau khi bị kết án, Phúc bị đưa về trại giam Ninh Khánh, vốn đang quen với cảnh tự do, khi bước chân vào chốn lao tù, không lúc nào trong đầu Phúc lại không vạch ra kế hoạch trốn trại. Chỉ hơn 1 năm ở trong tù, bằng những mánh khóe học được từ những bạn tù lâu năm cộng thêm sự ranh mãnh vốn có, Phúc “Nhiếp” đã trốn trại thành công. Sau nhiều ngày trốn chui lủi, Phúc mò lên Yên Bái, ẩn náu ở nhà người quen rồi tìm cách liên lạc với gia đình để xin tiếp tế. Lúc này, nhờ tiền tiếp tế Phúc sắm được một chiếc xe đạp để đi chở hàng thuê. Tuy nhiên, với bản tính của một kẻ giang hồ, cuộc sống hưu hắt ở nơi thâm sơn cùng cốc khiến cho Phúc cảm thấy mình như bị trói buộc. Khi thấy tình hình có vẻ đã yên, Phúc đổi chiếc xe đạp đang đi lấy một khẩu súng ngắn và tìm cách quay trở lại con đường “lục lâm thảo khấu”. Theo những chuyến tàu vào Nam, ra Bắc, với khẩu súng trong tay, Phúc Nhiếp tiếp tục gây ra những vụ trộm cướp.
Cũng giống như lần đầu tiên “xộ khám”, lần thứ hai Phúc bị bắt lại một cách hết sức tình cờ. Sau hơn một năm kể từ ngày trốn trại, Phúc “Nhiếp” lúc này đang lẩn trốn trên một thuyền buôn ở Non Nước, Ninh Bình. Một sáng đẹp trời, Phúc lên bờ chơi. Với bộ dạng “râu dài, tóc rậm”, Phúc tưởng rằng sẽ không còn ai nhận ra hình ảnh của Phúc thư sinh, trắng trẻo ngày nào. Nhưng Phúc đã nhầm. Trong lúc đang cười nói vui vẻ, bằng linh cảm Phúc nhận thấy một ánh mắt đang dõi theo mỗi bước đi của mình, bất chợt Phúc nhận ra đó chính là anh cán bộ quản giáo của trại giam Ninh Khánh khi xưa. Phúc vội quay mặt đi nhưng không kịp. Anh cán bộ quản giáo giật giọng gọi “Phúc!”. Đến lần thứ 3 thì Phúc ù té chạy, người kia đuổi theo Phúc rất sát. Không may cho Phúc khi chạy qua cầu thì trước mặt bỗng xuất hiện một tốp công an của thị xã Ninh Bình. Đường cùng, Phúc nghĩ trong đầu sẽ nhảy xuống nước, bơi ra thuyền để lấy vũ khí chống trả lại rồi tìm đường tẩu thoát. Nhưng do quãng đường quá xa Phúc đuối sức và ngất lịm đi. Khi tỉnh lại, Phúc đã thấy tay mình bị bập trong chiếc còng số 8.
Cộng thêm 1 năm tù là mức án dành cho Phúc sau khi bị bắt lại. Lần này, Phúc bị chuyển về trại giam Thanh Cẩm (Thanh Hóa). Đây là trại giam có tiếng của Bộ Công an, chuyên giam giữ những đối tượng phạm tội hình sự sừng sỏ, có mức án cao giống như Phúc. Những đối tượng này đều là những tay anh chị giang hồ khét tiếng từ các tỉnh như Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh… Bị giam chung với các đối tượng này, giữa Phúc “Nhiếp” và các nhóm đối tượng trên âm thầm diễn ra một cuộc chiến phân ngôi thứ. Một lần giữa Phúc và một đại ca đến từ Quảng Ninh xảy ra xích mích, để khẳng định vai trò là “đại bàng” của trại, Phúc âm thầm lên kế hoạch tiêu diệt kẻ thù.
Do được phân công lao động ở bếp ăn của trại, Phúc tìm cách giấu con dao chuyên dùng để thái thịt, và khi cơ hội đến, Phúc đã dùng nó để chém cụt chân đối thủ. Với hành vi phạm tội của mình, Phúc “Nhiếp” tiếp tục bị kết án thêm 5 năm tù. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở lần đó, một thời gian sau, cũng vì để tranh giành ảnh hưởng Phúc dùng túi ni lông nấu chảy rồi úp vào mặt bạn tù và tiếp tục bị nhận thêm mức án 4 năm nữa. Án chồng án, tổng cộng Phúc “Nhiếp” phải chịu tới 30 năm tù giam. Tưởng chừng con đường trở về phía trước đã khép lại với Phúc thì một sự việc xảy ra đã làm thay đổi số phận của gã giang hồ thành Nam. Đó là lần Phúc lập công chuộc tội, giúp cán bộ trại bắt lại được 7 đối tượng trốn trại.
Thời điểm đó, do có thành tích cải tạo tốt, Phúc Nhiếp được phân công trong đội tù tự giác, tham gia canh gác trại. Một đêm đầu đông, Phúc phát hiện có bóng người trên hàng rào dây thép gai cao 6m đã lập tức đánh kẻng báo động. Tên này bị bắt giữ, nhưng 6 đồng bọn cùng phòng đã trốn thoát. Những ngày sau đó, mặc dù Bộ Công an đã điều cả máy bay trực thăng về để rà soát nhưng những kẻ trốn trại vẫn biệt tích. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm của một tù nhân đã từng trốn trại, Phúc đã giúp lực lượng công an bắt gọn những người này khi chúng đang lẩn trốn ở một quả núi cách trại không xa. Nhờ thành tích này, công thêm quá trình cải tạo tốt, một năm sau đó, 30/4/1995, Phúc “Nhiếp” đã được giảm án và đặc xá trước thời hạn.
Trở về với cuộc đời
Tiếp chúng tôi trong quán rượu Vạn Phúc do anh làm chủ trên đường Trần Nhật Duật, phường Trần Tế Xương, thành phố Nam Định, Phúc “Nhiếp” giờ đã có một gia đình đầm ấm bên người vợ hiền và 2 cô con gái xinh xắn. Sau gần 20 năm đoạn tuyệt với quá khứ bất hảo, anh đã gây dựng được một cơ nghiệp đàng hoàng mà nhiều người phải mơ ước. Phúc tâm sự: Ngày mới ra tù tôi như một kẻ lạc lõng, bơ vơ giữa dòng đời, chẳng biết làm gì, bấu víu vào đâu. Đàn em nhiều đứa biết tin tôi về đã đến tận nhà mời anh Phúc trở lại ngồi ghế đại ca. Nhưng tôi quyết tâm từ chối. Những năm tháng trong tù tôi đã từng viết cuốn nhật ký với tên Sầu Thương Hận, rồi sau đó đã tự dặn lòng mình phải tu chí để trở lại một con người bình thường. Tôi đã quyết chọn con đường phục thiện, giờ tôi không thể đi ngược lại những gì mình đã hứa. Lập gia đình rồi, Phúc mới cảm nhận được hết những khó khăn mà mình phải đương đầu. Vốn quen với cách tiêu tiền dễ dãi, giờ hai vợ chồng phải mở cửa hàng tạp hóa bán từng cây kim sợi chỉ để kiếm từng nghìn lẻ, Phúc bảo nhiều lúc chỉ muốn vứt hết tất cả. Rồi đến khi mở cửa hàng bia hơi, anh em giang hồ đến ủng hộ, lại vào vai người bưng bê, rót bia, phục vụ, những lúc đó Phúc chỉ muốn… độn thổ xuống đất. Nhưng rồi Phúc tự dặn lòng mình phải vượt qua.
Năm 1997, Nam Định xảy ra một trận lụt lớn, khách đến uống bia thưa vắng, với kinh nghiệm học được từ ngày còn ở trong tù, Phúc tự mày mò nghiên cứ để làm ra loại rượu độc đáo hút khách. Đầu tiên Phúc thử nghiệm trên mít, dứa nhưng không có kết quả tốt, chỉ đến khi mua dừa về thì mới đạt được kết quả như ý. Từ đó, loại rượu dừa do Phúc chế biến được mọi người biết đến rộng rãi. Sản phẩm của anh không chỉ bán ở Nam Định mà còn vươn ra rộng khắp các tỉnh phía Bắc với thương hiệu rượu dừa Vạn Phúc. Quán rượu dừa của Phúc từ đó cũng dần một đông khách và giờ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những người sành ẩm thực. Ít người biết rằng, bên cạnh việc buôn bán, với kinh nghiệm của mình, Phúc “Nhiếp” đã không ít lần cai nghiện thành công cho những người lầm lỡ. Anh giúp họ tránh xa với ma túy, và tạo việc làm cho họ ở ngay chính trong quán rượu của mình. Cái tên Phúc “Nhiếp” đã lùi vào quá khứ, không ít người đến quán rượu của anh giờ chỉ còn biết đến Phúc như một ông chủ quán nhiệt tình và chu đáo với khách. Phúc bảo, đó chính là món quà giá trị mà anh luôn giữ gìn và trân trọng.
Còn nữa...