Sáng nay (28/10), tại phòng Diên Hồng tòa nhà Quốc hội mới, đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật hộ tịch.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, ông Phan Trung Lý - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: "Về việc cấp Giấy khai sinh và Thẻ căn cước công dân, các đại biểu có 2 loại ý kiến. Thứ nhất là tán thành việc tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ việc cấp Giấy khai sinh trong dự thảo Luật hộ tịch, thay vào đó cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như trong dự án Luật căn cước công dân".
Theo UBTVQH, đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp Giấy khai sinh trong đó có ghi những thông tin cơ bản của trẻ em, Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước.
Hơn nữa, việc cấp Giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc.
Do đó, UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh.
Trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội, ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nhận định, việc cấp giấy khai sinh ở Việt Nam đã là truyền thống. "Khi xảy ra sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa xảy ra, chúng ta cũng đã phát hiện ra giấy khai sinh của người Việt Nam từ thời phong kiến cấp cho cư dân sinh ra ở Hoàng Sa", ông Cường nói.
Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, quan trọng hơn nữa là giấy khai sinh có giá trị toàn cầu, nếu mang ra nước ngoài vẫn có giá trị quốc tế. Trong khi đó, thẻ căn cước công dân chỉ có giá trị trong nước là giấy thông hành khi đi lại.
"Giấy khai sinh là loại giấy tờ đầu tiên cực kỳ quan trọng cho một công dân vừa chào đời với đầy đủ thông tin cơ bản, làm cơ sở pháp lý cho các loại giấy tờ khác. Việc cấp và sử dụng giấy khai sinh không có vướng mắc gì. Tôi đề nghị cấp giấy khai sinh cho trẻ em để đảm bảo trẻ em được hưởng như quyền lợi cơ bản của mình", đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) góp ý.