Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) TP. Đà Nẵng cho hay, trước tình hình mưa lũ ở miền Trung ngày càng lớn, Ban này đã kiến nghị với đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nhu cầu cấp thiết phải sớm có quy hoạch tiêu thoát lũ, đảm bảo hành lang thoát lũ.
Đặc biệt, cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng các công trình thuỷ điện trên thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) theo hướng có đánh giá rõ ràng về tác động môi trường. Xây dựng quy trình vận hành xả lũ cũng như điều tiết nước của các hồ thuỷ điện với sự tham gia giám sát của địa phương để đảm bảo hiệu quả điều tiết của các hồ thuỷ điện, tránh xảy ra thiếu nước trong mùa khô và lũ lớn vào mùa mưa.
Công trình xây dựng thuỷ điện Đắk Mi 4 ở thượng nguồn sông Thu Bồn - Vu Gia (Quảng Nam) từng được cảnh báo sẽ gây ra thiếu nước nghiêm trọng ở vùng hạ du, trong đó có Đà Nẵng
"Riêng ở hạ lưu sông Vu Gia, bao gồm TP. Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) thì tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ ngày càng thường xuyên, nghiêm trọng hơn do hệ thống thuỷ điện dày đặc trên thương nguồn!" - ông Huỳnh Vạn Thắng cảnh báo.
Ban chỉ huy PCLB - TKCN Đà Nẵng cũng cho rằng, cùng với xây dựng và củng cố các tuyến đê biển phù hợp, có tính toán đến khả năng mực nước biển dân lên 0,5m, các cơn bão mạnh trên cấp 10 thì việc trồng khôi phục và bảo vệ rừng là nhu cầu bức thiết, cần phải thực hiện tốt. Quy hoạch, phân loại rừng để có chính sách bảo vệ; trồng mới rừng đầu nguồn; tăng cường quản lý, ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép...
"Trong những năm qua, việc trồng, bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn do đơn giá trồng và bảo vệ rừng quá thấp. Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu nâng đơn giá trộng và bảo vệ rừng. Một vấn đề rất quan trọng là phải bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên và cần có kế hoạch chuyển đổi một phần rừng kinh tế sang rừng tự nhiên, trong các loại cây rừng bản địa do độ giữ nước, điều hoà dòng chảy của rừng tự nhiên gấp từ 10 - 30 lần so với rừng kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích rừng!" - ông Huỳnh Vạn Thắng nhấn mạnh.
Đồng thời, Ban chỉ huy PCLB - TKCN Đà Nẵng kiến nghị Bộ TN-MT quan tâm hơn nữa việc phát triển mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực cảnh báo, dự báo thiên tai. Trước mắt là đầu tư xây dựng thêm một trạm khí tượng, thuỷ văn trên lưu vực sông Cu Đê (tại vị trí cầu thượng Nam Ô, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Theo Ban chỉ huy PCLB - TKCN Đà Nẵng, từ năm 2005 - 2011 đã có 60 cơn bão, 38 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Trong đó có 16 cơn bão và 8 cơn áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới thời tiết khu vực Trung Trung bộ. Đặc biệt là các cơn bão số 8/2005, số 1/2006 (Chanchu), số 6/2006 (Xangsane) và số 9/2009 (Ketsana) gây thiệt hại nặng nề cho Đà Nẵng. Từ năm 2005 đến nay cũng đã xảy ra 20 đợt lũ, trong đó có 3 đợt lũ lớn. Đáng chú ý là cơn lũ đặc biệt lớn năm 2007, lũ do bão số 9/2009 và lũ năm 2011 đã gây thiệt hại nặng cho TP này.
Từ năm 2005 đến nay, thiên tai đã khiến ở Đà Nẵng có 121 người chết, 174 người bị thương, 4 người mất tích, 118 tàu thuyền bị chìm, 55 tàu thuyền hư hỏng, 14.683 nhà bị sập hoàn toàn, 71.665 nhà bị hư hại tốc mái, 25.623ha rừng bị hư hại, 162 ha nuôi cá nước ngọt bị trôi, 1.224ha rau màu và 983ha lúa bị hư hại cùng 168,5 tấn lúa giống bị hư hại. Tổng giá trị thiệt hại lên tới 7.475 tỉ đồng; trong đó thiệt hại do bão là 5.860 tỉ đồng và thiệt hại do lũ là 1.614 tỉ đồng.