Trao đổi với PV lúc 23h30 ngày 14/10, ông Trần Thọ cho biết hiện mưa gió tại Đà Nẵng vẫn rất to nhưng chưa có biểu hiện khác thường. Toàn bộ lực lượng ứng phó với bão đã sẵn sàng, dân cư ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng cũng đã được bố trí, sơ tán vào nơi an toàn. Vị Bí thư đã yêu cầu Chủ tịch các quận huyện túc trực 24/24 để cùng chống bão với người dân. "Hiện mọi người vẫn an toàn, chưa có bất kỳ sự việc đáng tiếc nào xảy ra", ông Thọ nói.
Chia sẻ về tình hình của Đà Nẵng lúc 23h đêm, Quang cho biết: "Mưa to gió lớn đang rít từng hồi nghe mà nổi hết da gà... cửa kính, mái tôn đập rầm rầm. Cầu mong trời Phật phù hộ cho mọi người bình an"
Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cùng thời điểm này, gió đã tạm lắng xuống so với thời điểm 20h. Còn địa bàn tỉnh Quảng Nam đã cúp điện hoàn toàn, trời tiếp tục có mưa lớn kèm gió mạnh, nước sông Hoài đang dâng cao tràn vào các tuyến đường
Thành phố Đà Nẵng đã chủ động cúp điện để bảo đảm an toàn khi bão đi qua. "Mưa to gió lớn đang rít từng hồi nghe mà nổi hết da gà... cửa kính, mái tôn đập rầm rầm. Cầu mong trời Phật phù hộ cho mọi người bình an", Quang chia sẻ về tình hình của Đà Nẵng lúc 23h đêm.
Tại cuộc họp Sở chỉ huy tiền phương lúc 21h đêm 14/10 tại Đà Nẵng, ông Lê Thanh Hải - phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết đến nay bão còn cách Quảng Trị - Quảng Nam hơn 160km, bão di chuyển chậm hơn, chỉ còn 13 km/g so với lúc chiều là 15 km/g.
Dự báo từ nửa đêm nay đến 4, 5h sáng mai 15/10, bão Nari sẽ chếch lên phía trên vĩ tuyến 16 một chút, tâm bão sẽ nằm giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Cấp bão đổ bộ vào đất liền vẫn duy trì cấp 11, cấp 12, gió giật cấp 13, 14, vùng bị ảnh hưởng là Quảng Trị, Quảng Nam gió cấp 9, cấp 10.
Ông Hải dự báo thêm, do lượng mưa trong và hoàn lưu bão rất lớn kéo dài từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi cùng các tỉnh Kon Tum, lượng mưa lớn có nơi từ 400-600mm nên mực nước dâng cùng thủy triều lên ở các tỉnh thành rất lớn. Vì thế các tỉnh sẽ xảy ra tình trạng lũ quét, lũ ống, sạt lở…
Văn phòng Ban PCLB trung ương cho biết, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam từ đêm nay sẽ lên nhanh, có nơi đạt trên mức báo động 3.
Ông Cao Đức Phát, trưởng Ban chỉ đạo PCLB trung ương chỉ đạo các địa phương tiếp tục di dời dân ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Đồng thời Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương đến hơn 10g đêm nay phải cấm xe cộ trên Quốc lộ 1A đoạn từ Huế đến Quảng Nam để bảo đảm an toàn.
22h30: Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Dũng, phó Chủ tịch UBND TP Hội An, trưởng ban PCLB TP Hội An, cho biết: “Tại Hội An đã xuất hiện gió bão giật mạnh cấp 9, cấp 10. Gió ngày càng mạnh dần kèm theo mưa to đến rất to. Mực nước tại hạ lưu sông Thu Bồn, đặc biệt sông Hoài gần báo động 2, nhấn chìm các khu dân cư tại các vùng trũng thấp như phường Minh An, kể cả một số tuyến đường ở khu phố cổ”.
Để đảm bảo an toàn tính mạng về người, Ban chỉ huy PCBL Hội An đã điều động hàng trăm chiến sĩ công an, bộ đội kết hợp với dân quân phường Minh An túc trực tại các tuyến đường ngập lụt nhằm ngăn chặn du khách hiếu kỳ lội nước lũ chụp ảnh phố cổ ngập lụt, đồng thời sẵn sàn giúp người dân chèn chống nhà cổ xuống cấp nếu xảy ra tình huống xấu.
Ngoài ra, các chiến sĩ của 2 đơn vị là Ban chỉ huy quân sự TP Hội An và Biên phòng Cửa Đại túc trực chốt chặn các tuyến đường xuống biển Cẩm An và Cửa Đại để vừa bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản người dân và ngăn chặn du khách đi xuống vùng nguy hiểm.
Hầu như toàn TP Hội An đã bị cúp điện. Gió càng ngày càng thổi mạnh hơn. Trời tiếp tục trút xuống trận mưa lớn.
22h25: Toàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức bị ngắt điện. Khu vực thị trấn Lăng Cô gió rất mạnh, có một số cây cổ thị trốc gốc. Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Phú Lộc vắng ngắt.
Theo dự báo mới nhất của Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, khu vực thị trấn Lăng Cô và toàn bộ huyện Phú Lộc sẽ là vùng tâm bão dự kiến trong khoảng 3-4 giờ nữa.
Hiện tại PV Viễn Sự đã có mặt ở phía Bắc của hầm Hải Vân và sẽ tiếp tục ghi nhận tình hình diễn biến của bão số 11 diễn ra trong đêm.
22h20, CTV Ngọc Hiển đã băng qua đê biển để tiếp cận xóm Cồn Đâu (thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Thủy Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Theo ghi nhận, dọc đê biển này nhiều đoạn đã bị sóng đánh tan nát khiến nước biển tràn thẳng qua phá Tam Giang. Con đường bê tông về xóm bị sạt và xói mòn nhiều đoạn. Từng cơn sóng dồn dập đã tràn qua phá Tam Giang, nước biển tràn ngang qua đường, nhiều đoạn sâu quá đầu gối và nước chảy xiết.
Tại xóm Cồn Đâu, nước đầm phá dâng cao ngập các con đường ven phá và gió mạnh cấp 5, cấp 6. Tại đây vẫn có điện, các hộ dân vẫn theo dõi diễn biến bão qua ti-vi. Mặc dù đã di dời đến nơi an toàn nhưng mỗi gia đình vẫn có từ 1 đến 2 người ở lại trông coi nhà cửa. Co khoảng 7 cán bộ địa phương túc trực để đảm bảo an ninh và tài sản của bà con.
PV Đăng Nam cho biết Đà Nẵng đã chủ động cúp điện toàn thành phố, bảo đảm an toàn cho người dân khi bão đi qua.
Hội An: đường phố ngập nửa mét
Trong khi đó, CTV Lê Trung tại xã Cẩm Thanh, TP Hội An, khu vực nằm gần biển Cửa Đại, Hội An tường thuật vào lúc 21g30, gió giật mạnh liên hồi, kèm theo những tiếng rít khủng khiếp.
Trời đang mưa rất lớn. Nhiều mái tôn của nhà dân ở xã Cẩm Thanh bị gió quật lên, đập xuống ầm ầm. Hầu hết người dân đã trú ẩn trong nhà, đường phố ở Hội An vắng tanh.
Một số khu vực ở TP Hội An đã bị cúp điện. Nhiều cây xanh tại nhiều đường ở Hội An, xã Cẩm Thanh, phường Cửa Đại bị gió quật gãy cành. Một số cây xanh ven biển Cửa Đại bật gốc.
Nhiều nhà dân ở xã Cẩm Thanh đã chủ động đóng và dùng dây thừng chằng tất cả cửa chính và cửa sổ để tránh gió bão làm hư hỏng. Hiện nay, mực nước sông Hoài (TP Hội An) đang lên và có nguy cơ gây ngập lụt.
Một số tuyến đường trong phố cổ Hội An, nước từ dưới sông Hoài tràn lên mặt đường. Mực nước đo được tại đường Bạch Đằng chạy dọc ven sông là 50cm, đường Nguyễn Thái Học và Trần Phú nước cũng ngập sâu đến 30cm. Người dân sống trong khu phố cổ phải bì bõm lội nước về nhà.
Vịnh Lăng Cô: Nhiều hộ dân chủ quan, không chịu di tản
21h11: Có mặt tại vùng vịnh Lăng Cô, phóng viên Viễn Sự cho biết đã nghe thấy rất rõ tiếng gió gầm rú liên hồi từ đỉnh đèo Hải Vân, sóng biển xô vào bờ kè nhức tai.
Sau một đợt lặng gió khoảng 30 phút, ở cả hai đầu Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, gió đang mạnh trở lại và bắt đầu kèm theo gió giật, dấu hiệu của vùng tâm bão đang cận kề.
Tại Hạt bảo vệ rừng phòng hộ Nam Hải Vân, ngay dưới chân đèo Hải Vân, có khoảng 70 người dân đang trú ngụ. Đây là những người dân tại các thôn hẻo lánh nằm tựa lưng vào đèo Hải Vân, đã được chiến sĩ biên phòng và chính quyền đưa đến đây từ chiều. Tuy nhiên cũng còn không ít người dân đang rất chủ quan, không chịu đi trú bão.
Tại thôn An Cư Đông, lúc 21g, PV đã gặp trưởng thôn Nguyễn Văn Chiến đang cùng hai công an viên vận động 10 hộ dân ở ngay sát biển, dù nước đã dâng, sóng đánh vào chân nhà nhưng không chịu di dời vì cho rằng tâm bão sẽ không vào đây.
Ông Chiến cho biết nếu trong ít phút nữa các hộ dân này không chịu di tản sẽ dùng biện pháp cưỡng chế.
Hiện nay trên khu vực trước cửa phía bắc hầm Hải Vân hoàn toàn vắng bóng xe cộ qua lại, nhiều xe đã dừng tại thị trấn Phú Lộc và những điểm dân cư khác để tránh gió bão đang ngày càng mạnh.
Lý Sơn chìm trong bóng tối
Gần một ngày đêm phải “gồng mình” chống chọi với mưa bão, hơn 2 vạn dân trên đảo Lý Sơn đã trở nên chai sạn và mệt mỏi, bởi sự tàn phá ghê gớm của bão Nari, cơn bão được xem là ngang tầm với bão số 9 năm 2009.
Theo ghi nhận của PV, CTV, lúc 19h20 tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), gió mỗi lúc mỗi lúc mạnh hơn, gió hú và rít lên liên hồi kinh khủng, cộng thêm mưa mù trời, nặng hạt.
Toàn huyện đảo Lý Sơn đã bị mất điện lúc 18h30 do gió giật làm ngã trụ điện, đứt dây điện nên cả đảo chìm trong bóng tối, mọi ngôi nhà đều cửa đóng then cài, không một bóng người và không thấy xe cộ. Đoạn đường từ đầu xã đến cuối xã, tức từ xóm Cồn ra tận trạm Hải Đăng, nước mưa ngập đường, cây cối ngã đổ ngổn ngang.
Đà Nẵng phong tỏa một số tuyến đường
21h45. Tại Nhà văn hóa Biển phía nam chân đèo Hải Vân (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), hơn 200 hộ dân đang tránh trú bão. Ngoài trời mưa nhỏ lại, gió bỗng dưng đứng sựng, đất trời bình yên lạ lùng.
Ông Nguyễn Chánh, 75 tuổi, người trú tại căn nhà cùng 200 hộ dân bắt đầu lo lắng. Theo ông Chánh thì đây chính là sự bình yên đáng sợ. Trước bão dữ bao giờ cũng có ít phút bình yên như vậy và sau đó là cuồng phong.
Đến lúc này nhiều người dân vẫn không thể chợp mắt khi cơn bão đang ngày càng gần với họ. Nỗi âu lo hiện rõ trên từng khuôn mặt. Nhiều người không thể ăn uống khi căn nhà một đời tích cóp của họ đang chơi vơi trước gió và chưa chắc đã tồn tại qua đêm nay…
Đến 21h35, PV Đăng Nam tại Đà Nẵng cho biết tại trung tâm TP Đà Nẵng, mưa đang rất lớn và gió giật từng cơn cực mạnh. Nhiều nơi điện đã cúp. PV nghe nhiều tiếng đổ vỡ mạnh từ những hộ dân xung quanh.
20h30: Tại khu vực phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, nơi được xem là cửa ngõ đón gió từ biển Đà Nẵng thổi vào, gió rít rất mạnh.
Tất cả hoạt động của người dân đều ngưng trệ hoàn toàn. Nhiều khu vực bị cúp điện. Tuyến đường Ngô Quyền nối Đà Nẵng với cảng Tiên Sa không một bóng người. Tất cả đều đã đi tránh bão.
Hầu hết các hãng taxi trên địa bàn Đà Nẵng đã ngưng hoạt động. Ở một số tuyến đường dẫn ra các khu vực nguy hiểm, CSGT chặn không cho các phương tiện giao thông đi qua.
20g, người dân vẫn tiếp tục gia cố, chằng cột lại nhà cửa của mình trên đường Điện Biên Phủ, TP.Đà Nẵng
20h, gió rít mạnh liên hồi. Trên các tuyến phố trung tâm như Trần Phú, Đống Đa, Trần Cao Vân…rất ít người qua lại. Quán xá, nhà dân đa phần đóng cửa. Cây cối tại nhiều tuyến đường như Yên Khê 2, Nguyễn Văn Huề... đổ rạp.
Công nhân của công ty môi trường đô thị Đà Nẵng phải liên tục thu dọn rác thải trên đường phố dưới trời mưa bão.
Hơn 200 người dân các làng ven biển phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đang trú bão tại Nhà văn hóa biển. Phóng viên Tấn Vũ - Trường Trung:
Thừa Thiên - Huế: 2 xóm bị chia cắt
Đến 20h tại thôn 2 xã vùng biển Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2 xóm bị chia cắt.
Cụ thể, ở đường vào xóm Cồn Đâu đã bị sóng biển cao từ 3 đến 5m đánh sập. Tại đây có hơn 50 người dân đang bám trụ giữ nhà. Bộ đội Biên phòng đang túc trực, nếu có bão mạnh và nước dâng cao thuyền cứu hộ sẽ đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Lực lượng chức năng tiếp tục giúp những hộ dân cuối cùng di tản về nơi an toàn
Nước ngập nhiều nơi trong khu vực dân cư ở Huế.
Tại xóm Định Cư 1, đường vào xóm đã bị nước đầm phá dâng lên quá đầu gối. Có khoảng 15 người dân và 5 cán bộ địa phương túc trực bảo vệ tài sản.
Ông Đào Văn Tiến, trưởng thôn 2 cho biết nếu nước tiếp tục dâng cao và gió mạnh, thuyền cứu hộ sẽ vào để đưa sang nơi khác tránh bão.
Đến 18h, đã có hai nạn nhân thiệt mạng vì bão số 11. Hai người này đã bị sóng biển cuốn trôi tại khu vực Đá Kẹp, thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vinh, huyện Phú Lộc.
Giật cấp 15, cấp 16
Lúc 16h ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 04 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Các địa phương như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An đã tiến hành di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm từ trưa 14-10 đến tối nay. Trong số dân sơ tán, Thừa Thiên - Huế 6.614 hộ/33.841 người, Quảng Trị 2.003 hộ/5.528 người, Quảng Ngãi 436 hộ/1.115 người, Đà Nẵng 11.000 hộ/55.000 người, Quảng Nam 3.475 người.
Để triển khai phòng chống, cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã huy động 190.708 bộ đội và dân quân tự vệ cùng 2.178 phương tiện các loại (936 ôtô, 4 xe thiết giáp, 1.229 tàu, xuồng các loại, 6 máy bay).
Trước tình thế không khí lạnh tràn về nước ta trong khi bão đang đi vào miền Trung, chiều 14-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện yêu cầu giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và Kon Tum, Gia Lai cùng các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước.