Chợ đêm đón du khách
Khu ẩm thực của chợ đêm rất đông khách. Đủ các món ăn 3 miền. "Cò cơm, cò phở" đua nhau đon đả mời chào. Một cô gái nhìn nồi nước dùng của gánh miến gà đang tỏa hơi nghi ngút, thích thú đi vào.
Thưởng thức xong, cô gái hỏi : “Bao nhiêu tiền vậy chị?”. “Em cho chị 120.000đ”. Choáng. Một tô miến cho dù ngon đến đâu cũng không có giá cao như thế. Không đồng ý với cách tính tiền này, cô gái phản ứng. Người bán dịu giọng : “em nói vậy thì chị chỉ lấy 90.000đ thôi”…
Bấm bụng trả tiền, cô gái nhìn người bán, nhìn chợ đêm Đà Lạt dường như có một lớp sương mù dày đặc bao phủ che lấp cái đẹp, cái hay, nét văn hóa của thành phố thơ mộng này.
Đà Lạt đang vào mùa lễ hội. 27/12 festival hoa Đà Lạt sẽ chính thức bắt đầu. Du khách đang tấp nập đến Đà Lạt. . .
Chợ đêm Đà Lạt cũng vào mùa làm ăn. Trên các con đường của chợ đêm nhiều quầy, nhiều sạp đầy ắp hàng hóa. Dưới đường, người bán đổ hàng thành đống trên những tấm bạt. Du khách lượn lờ. Người bán ra sức mời chào bằng những lời mật ngọt.
Quán miến hàng rong đòi 120.000 đồng/tô
Chúng tôi đứng rất lâu ở khu vực bán áo len. Người mua bu quanh chọn những chiếc áo vừa ý. Cũng một chiếc áo, giá khởi điểm 100.000đ nhưng đến với người mua thì loạn giá. Giá nào cũng bán. Giá nào người mua cũng…“dính”.
Người bạn dân Đà Lạt cùng đi chợ đêm với chúng tôi cho biết, không một quầy hàng nào ở chợ đêm này nói đúng giá bán. Họ hét giá trên trời bán giá dưới đất. Người mua, nhất là những người lần đầu đến Đà Lạt dễ dàng sập bẫy.
Bắt được tâm lý du khách, các quầy hàng tại chợ bày bán những mặt hàng khá hấp dẫn nhưng nếu nhìn kỹ, sẽ thấy không nhiều mặt hàng được sản xuất tại Đà Lạt. Bánh mứt từ chợ Kim Biên (TP.HCM) đưa lên được bóc bỏ nhãn mác. Thậm chí dâu tây được quảng cáo rầm rộ là dâu Đà Lạt nhưng thực chất là hàng nhập từ Trung Quốc. Người mua lầm chứ người bán không lầm…
Vườn dâu và 3 tấm ảnh
Trước khách sạn chúng tôi ở, một người đàn ông tự xưng là chủ vườn dâu gạ gẫm mời về thăm. Ông này cho biết vào vườn, khách tha hồ tự tay hái dâu. Ăn tại chỗ miễn phí chỉ tính tiền dâu mua mang về…Nghe thật hấp dẫn !
Chơi ở một điểm du lịch xong, chúng tôi ra cổng. Cũng người đàn ông đó đón mời hướng dẫn đường đi. Nhiệt tình quá. Anh ta đưa chúng tôi vào một cửa hàng cách đó không xa.
Mua hàng xong mới đưa đến vườn dâu. Vườn dâu cách nơi đây vài chục bước chân nhưng chỉ có vài luống dâu mới ra hoa.
Vào cửa hàng, người bán mời chúng tôi uống trà. Nhấp ly trà nóng hổi, chúng tôi yêu cầu đưa đi tham quan vườn dâu. Người bán yêu cầu chúng tôi mua các mặt hàng ở đây trước rồi sẽ có người hướng dẫn đi thăm vườn sau…
Mọi việc diễn tiến suôn sẻ nhưng khi đến vườn dâu, một bất ngờ cho chúng tôi. Vườn dâu không bát ngát sum sê như quảng cáo chào mời mà chỉ là một mảnh vườn cỏn con, nhỏ thó với vài chục luống dâu mới ra hoa…
Không một trái dâu nào hái được và cũng chẳng có dâu nào để bán cho khách. Thì ra, để bán được hàng du khách bị gài và đã nhiều người sập bẫy. Người đàn ông “chủ vườn” biến mất, lộ nguyên hình là một gã xe ôm cò mồi.
Chỉ ghi chủng loại, hạn sử dụng 1 năm, không hề có tên nhà sản xuất và ngày ra lò.
Anh bạn người Đà Lạt hướng dẫn chúng tôi đến thăm Dinh 3 (dinh Bảo Đại) trong buổi chiều sau lần bị lừa ở vườn dâu.
Mua vé vào dinh, chúng tôi lần lượt khám phá nơi ở của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn.
Đến khu vực hóa trang thành vua, hoàng hậu, thái tử, một người trong đoàn chúng tôi cũng nghịch ngợm làm…vua. Các bạn của anh tranh nhau ghi hình kỷ niệm. Một vài anh thợ chụp ảnh đến mời.
Buổi tối tại khách sạn, anh thợ chụp ảnh đến giao hình. Một xấp 15 ảnh đủ kiểu làm vua.
Anh bạn tôi thảng thốt: “Tôi đã thỏa thuận trước với anh là tôi chỉ chụp 3 tấm thôi mà sao anh lại giao tôi đến 15 tấm?”. Người thợ chụp ảnh cố biện minh bằng nhiều lý do không thuyết phục. Anh bạn nói thẳng: “Cách làm ăn của các anh như vậy là không nghiêm chỉnh. Mất vài trăm ngàn chúng tôi không tiếc nhưng rất giận vì bị các anh gạ gẫm, lừa dối như vậy”.
Trước khi trở thành thành phố du lịch, Đà Lạt vẫn là nơi mộng mơ, là điểm đến của những tâm hồn lãng mạn. Vậy mà giờ đây, với các dịch vụ du lịch đầy cạm bẫy đã làm hoen ố hình ảnh Đà Lạt.
Những người dân Đà Lạt nói với chúng tôi, ngày Tết, các dịp lễ hội là lúc các dịch vụ nơi đây tha hồ chặt chém. Từ khách sạn đến người bán hàng rong ai nấy cũng đều xem du khách là những con bò sữa cần vắt sạch.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần chỉnh trang lại Đà Lạt. Không phải chỉnh trang cơ sở vật chất mà cái chính là cần làm đẹp cơ sở tinh thần của Đà Lạt qua thái độ phục vụ du khách.