Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong 2 phiên giao dịch cuối tuần trước và đầu tuần này. Cụ thể, trong phiên giao dịch hôm 16/4, giá dầu thô Mỹ sụt 1,3%, còn 87,6 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Giá dầu Brent hạ 1%, còn 99,58 USD/thùng, thấp nhất trong 9 tháng qua.
Trên thị trường Singapore, nơi xăng dầu Việt Nam lấy giá làm giá cơ sở, cũng là thị trường cung cấp xăng dầu thành phẩm chủ yếu của nước ta, giá xăng Ron92 chỉ còn quanh mức 114 USD/thùng, thấp hơn 5 USD so với ngày 9/4.
Như vậy, tính chung cả tuần trước, giá dầu thế giới đã giảm tới 1,5%, giá xăng đã giảm 2,2%, giá dầu sưởi giảm 1,3%.
Giá xăng dầu quốc tế bắt đầu giảm mạnh khi hôm 15/4, Chính phủ Trung Quốc công bố báo cáo cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hạ nhiệt trong quý 1/2013. Sau đó, Chính phủ Mỹ công bố các số liệu sản xuất gây thất vọng. Ngoài ra, tình hình kinh tế Đức, cột trụ chống đỡ nền kinh tế châu Âu, cũng có dấu hiệu ảm đạm. Việc giá dầu thô giảm mạnh trong phiên đầu tuần còn chịu tác động bởi đà bán tháo lan rộng trên thị trường vàng, khiến giá vàng thế giới giảm hơn 140 USD/ounce.
Sự sụt giảm nhanh chóng của giá xăng dầu thế giới đã khiến người tiêu dùng kỳ vọng vào việc giá trong nước sẽ giảm theo, với mức giảm không quá "nhỏ giọt" như cách đây không lâu. Giá xăng dầu trong nước đã có đợt điều chỉnh giá vào ngày 9/4 vừa qua khi giảm từ 450-500 đồng/lít. Hiện, giá xăng A92 đang ở mức 24.050 đồng/lít; dầu diesel là 21.450 đồng/lít và dầu hỏa là 21.600 đồng/lít.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm này chẳng "thấm" vào đâu so với mức tăng tới 1.400 đồng/lít vào ngày 28/3 trước đó. Vì thế, trước cơ hội giảm giá lần này, người tiêu dùng hy vọng mức giảm sẽ đáng kể hơn.
Ông Trần Ngọc Năm
Phản ứng về câu hỏi liệu giá bán lẻ xăng dầu có giảm trong vài ngày tới không, một số lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối đã tỏ ra khá lạc quan vào cơ hội điều chỉnh này. Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: "Nếu không sử dụng công cụ can thiệp thì giá trong dầu trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới. Nghĩa là khi giá thế giới giảm thì giá trong nước cũng phải điều chỉnh giảm theo. Còn giảm bao nhiêu thì tùy thuộc vào quan điểm điều hành của Nhà nước mà cụ thể ở đây là liên bộ Tài chính - Công Thương".
Trả lời báo giới, Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo cũng khẳng định: "Cơ hội giảm thì có nhiều nhưng thời điểm nào còn tùy thuộc vào từng mức độ ưu tiên giả sử như có yêu cầu điều chỉnh thuế không".
Như vậy, nếu theo đúng quy định của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là khoảng cách 10 ngày giữa hai lần điều chỉnh và xu hướng giá xăng dầu thế giới duy trì từ ổn định đến giảm trong vài ngày tới thì thị trường trong nước hoàn toàn có cơ sở để điều chỉnh đi xuống. Và rất có thể, cuối tuần này, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm đúng như dự đoán.