Đặt tên con theo nhân vật phim Hàn
Trong một chuyến công tác tại xã miền núi A Tiêng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng khi nghe hai bé gái ven đường gọi nhau “San Ốc ơi, chờ tao với”. Từ xưa đến nay, tên người Việt Nam vốn là một cái tên mang ý nghĩa nào đấy, còn “San Ốc” quả thật rất quen tai nhưng từ điển Tiếng Việt tuyệt nhiên không có…
Hỏi ra mới biết, San Ốc chính là con gái của anh Pơloong Huân, một cán bộ xã A Tiêng. Khi chúng tôi hỏi anh Huân về việc đặt tên “lạ” cho con, anh Huân về kể anh rất mê phin Hàn Quốc, nhất là bộ phim “Mối tình đầu”. Ngày đó, cứ đến giờ chiếu phim, dù bận việc gì anh cũng gác lại để xem phim cho bằng được.
Sau khi gia đình, năm 2001, khi vợ anh sinh con gái đầu lòng, anh quyết định lấy tên của cô chị trong “Mối tình đầu” đặt tên cho con mình. Vợ anh cũng là người mê phim Hàn nên chị tán đồng ngay ý tưởng mới lạ của chồng. Sau Pơloong San Ốc, vợ chồng anh sinh tiếp hai đứa con và cũng đặt tên của hai nhân vật trong phim Hàn là Pơloong San Ân và Pơloong San U.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì câu chuyện “tên Hàn Quốc”, cán bộ tư pháp xã A Tiêng cười nói: “Không chỉ có gia đình Pơ Loong Huân đâu, ở đây còn nhiều người đặt tên con theo phim Hàn Quốc lắm”. Nói đoạn, vị cán bộ này giở sổ đăng ký khai sinh của xã cho chúng tôi xem hàng loạt cái tên như: Pơ loong San Diu (SN 2008, con của anh Pơ loong A Gương), A lăng Na Ra (SN 2008, con của A Lăng Ân), Blup Thị Na Su (SN 2008, con của Blup Né), Riah Thị Su U (SN 2008, con của Riah Như)…
Không chỉ dùng tên nhân vật trong phim, nhiều người còn lấy luôn tên diễn viên đặt cho con mình. Trường hợp anh Bling Nghiệp, cán bộ Trạm y tế xã A Tiêng là một ví dụ. Chị Zơ Râm Bôn (vợ anh Nghiệp) kể, trước khi sinh con, chị đã có ý định đặt tên con là Linh, thế nhưng anh Nghiệp lại bảo tên đó không hay, hơn nữa trong làng người ta đặt toàn tên Hàn Quốc để không phải thua kém người khác. Không những không “thua”, anh Nghiệp còn “hơn” hẳn bạn bè khi chọn tên diễn viên điện ảnh tài hoa Jang Gun đặt cho con mình. Anh Nghiệp bảo: “tao muốn cho con mình đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc". Sau khi anh Nghiệp khởi xướng việc đặt tên diễn viên, nhiều gia đình cũng săn lùng tên các ngôi sao nổi tiếng để đặt tên cho con. Hiện nay ở xã A Tiêng có rất nhiều “diễn viên Hàn Quốc” như: Zơ Ram Sô Ra, Pơ loong Hiên U…
Không chỉ có ở Quảng Nam, đồng bào các dân tộc Ca Dong, H’rê ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi cũng rất chuộng mốt “tên Hàn”. Thậm chí có người dùng nhiều cái tên mà người đọc phải… méo cả miệng như: Đinh Ơn Jun Sing, Đinh Ơn Jun Zơ (con chị Đinh Thị Nga)
Đặt tên con theo hãng điện thoại
Chị Đinh Thị Xí (SN 1986, ngụ xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) kể, năm 2006 chị sinh một cậu con trai và đặt tên là Đinh Văn A. Vợ chồng chị sống bằng nghề làm thuê làm mướn nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Lúc bấy giờ, điện thoại di động bắt đầu xuất hiện ở vùng Sơn Mùa và trở thành sản phẩm quý hiếm của người dân nơi đây. Nhiều gia đình bán bò bán trâu để tậu một chiếc điện thoại nhỏ xíu bỏ túi cho … oách.
Anh Đinh Văn Bao, chồng chị Xí cũng ngày đêm mơ ước một chiếc điện thoại để bằng bạn bằng bè. Thế rồi khi làm giấy khai sinh cho con, anh “cụ thể hoá” ước mơ của mình bằng cách thay tên từ Đinh Văn A thành… Đinh Nôkia.
Hỏi anh Bao, trong xã có ai đặt tên như anh không thì anh Bao cười to bảo: “Ồ, còn nhiều đứa lắm. Có đứa đặt tên là Đinh Sam Sung, có đứa đặt tên là Đinh Motorola… Nhưng tao nghĩ, Đinh Nookia là hay nhất”.
Không những đặt tên lạ, một số người dân lại… đổi luôn họ cho con! Phần lớn người dân tộc Ca Dong ở Sơn Tây đều mang họ Đinh, thế mà con chị Đinh Thị May (SN 1985, ngụ xã Sơn Mùa) lại mang họ tên rất kỳ cục, đứa lớn là Kaky – Ưell, đứa nhỏ là Yi Haing. Chị May phân trần: “Những tên này tôi không thích, vì nó không giống tên những người khác. Nhưng mà chồng tôi lại thích những tên này nên tôi không thể cãi lại được”.
Đặt tên con theo… quyết định xử phạt
Ngày 1/11, PV có mặt tại nhà ông Mai Văn Cán (SN 1942, ngụ xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh QUảng Nam), người “nổi tiếng” sau khi đặt tên “độc” cho con. Ông Cán kể, vào năm 1987, vợ chồng ông sinh người con thứ năm là một bé trai kháu khỉnh.
Vào những năm 1980, công tác dân số được thực hiện rất quyết liệt, ông Cán lúc đó là cán bộ thôn nên việc ông sinh con thứ năm bị xã “để ý”. Khi đi làm giấy khai sinh cho con trai, xã yêu cầu ông phải nộp phạt 6.500 đồng. Đối với thu nhập từ nghề đưa đò ngang của gia đình ông Cán, số tiền đó là quá lớn. Ông Cán phân trần với vị lãnh đạo rằng, vợ ông là bà Đỗ Thị Vân đã đi đặt vòng rồi. Tuy nhiên, cái vòng không “hợp” với cơ thể bà nên gây ra biến chứng chảy máu nặng buộc bà phải tháo ra. Lúc này vợ chồng ông áp dụng biện pháp tránh thai khác. Không biết run rủi thế nào, một chiếc “áo mưa” lại bị thủng ngoài ý muốn của họ. Mặc dù vợ chồng ông đã giải thích hết nước hết cái nhưng lãnh đạo xã vẫn “quyết tâm” phạt. Giận uỷ ban xã, ông Cán lấy luôn con số tiền phạt đặt tên cho con là .. Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi.
Quyết định cho phép đổi tên Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi thành Mai Hoàng Long.
Khi nhìn thấy cái tên quá… “độc” và “lạ” này, cả trưởng công an lẫn chủ tịch xã đều ngẩn người và không muốn ký. Nhưng ông Cán cương quyết: “Mấy ông không ký thì ghi vào đây mấy chữ làm chứng, tôi mang hồ sơ lên huyện”. Thế là xã phải ký khai sinh cho cậu bé Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi.
Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi bây giờ đã là một thanh niên khôi ngô, vạm vỡ, công tác tại huyện Đông Giang (Quảng Nam). Rưỡi kể, lúc Rưỡi mới đi học, ban đầu bạn bè cũng trêu ghẹo vì cái tên “không đụng hàng”. Sau đó mọi người cũng quen dần nên không ai chú ý nữa và gọi cậu là Sáu hoặc Rưỡi. Cũng bởi cái tên dài và lạ của mình nên Rưỡi thường xuyên được các thầy cô gọi trả bài. Cậu học trò này cũng rất “trái khoáy”, nếu giáo viên xướng không đầy đủ tên Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi thì cậu dứt khoát không đứng lên. Năm 2005, chị gái của Rưỡi đã đến cơ quan chức năng xin đổi tên cho Rưỡi. Ban đầu Rưỡi không đồng ý vì Rưỡi nghĩ, nhân cách mới là quan trọng và muốn giữ nguyên tên cha mẹ đặt cho mình. Sau khi nhiều người thuyết phục, Rưỡi đã đồng ý mang tên Mai Hoàng Long. Dù đã đổi tên nhưng hiện nay người thân trong gia đình và bạn bè vẫn gọi chàng trai này với cái tên thân quen Sáu hoặc Rưỡi.
Nên có quy tắc đặt tên?
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá VIII, đại biểu quốc hộ Nguyễn Thị Nhung (Thanh Hoá) đã đề nghị Luật Hộ tịch cần có quy định nguyên tắc đặt tên. Bà Nhung cho rằng, những cái tên xấu, tên mất thẩm mỹ, tên quá dài, phức tạp gây khó khăn trong quá trình sử dụng.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên cán bộ giảng dạy Khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội), nguyên Phó Chủ nhiêm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì nêu quan điểm, đặt tên con như thế nào là quyền của các bậc phụ huynh và việc này không gây ảnh hưởng đến công tác quản lý nhân hộ khẩu.
Có luật hoá nguyên tắc đặt tên hay không sẽ còn là vấn đề phải tranh luận và bàn thảo, tuy nhiên có một thực tế là những cái tên quá khác thường đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự trong sáng của Tiếng Việt, ngoài ra còn gây ra không ít phiền toái cho người sở hữu tên như vậy. Bài viết này xin phép liệt kê ra một số cái tên tương đối “trái khoáy” để bạn đọc và những người làm luật cùng suy ngẫm.