Cuộc trốn chạy 31 năm sau khi gây thảm án

Gây thảm án kinh hoàng, đối tượng bỏ trốn vào Tây nguyên dưới tên giả, lập gia đình, chung sống cùng vợ, hai con. 31 năm trôi qua, y 'cắt' liên lạc với gia đình của mình.

Cướp của, giết người bằng súng và lưỡi lê

Nguyễn Văn Nguyên (ảnh, 56 tuổi, nguyên quán xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) từng có tiền án về tội trộm cắp tài sản, lãnh án 15 tháng tù giam. Mãn hạn tù, đầu những năm 1980, Nguyên sống phiêu bạt tại khu Cao Sơn, phường Cẩm Sơn, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tháng 12/1983, y về xã Ngũ Đoan ăn giỗ và cùng ba đồng bọn sử dụng súng K54 và lưỡi lê, giết chết một người dân, cướp một chiếc đài radio rồi trốn biệt.

Vụ án gây chấn động dư luận suốt một thời gian dài. Công an TP.Hải Phòng sau đó lần lượt bắt giữ ba đồng bọn của Nguyên, riêng hắn bỏ trốn không vết tích. Khi gây ra vụ thảm án ở quê nhà, Nguyên 25 tuổi nhưng chưa làm giấy CMND nên không có thông tin cá nhân. Lệnh truy nã Nguyên trên toàn quốc được phát đi, nhưng nhiều năm sau đó bóng dáng y vẫn bặt tăm.

Quá trình trinh sát, vận động gia đình đối tượng, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Hải Phòng có được thông tin quý giá: sau khi gây án, Nguyên được chị gái đưa cho một CMND mang tên Trần Văn Duy, quê Hải Hưng (nay là Hải Dương). Sau đó Nguyên bắt xe đò vào Đà Nẵng. Suốt nhiều tháng theo dõi, xác minh tại nhiều địa điểm, các trinh sát thu được thông tin quan trọng: Nguyên giả danh ông Duy trốn vào Đà Nẵng, sau đó trốn đến tỉnh Đắk Lắk, xin vào lao động tại một nông trường cà phê. Đầu năm 2014, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Hải Phòng tức tốc lên đường phối hợp cùng Công an tỉnh Đắk Lắk truy tìm Nguyên qua nhiều nông trường cà phê.

Ngày 10/6/2014, tại xã Eakly thuộc huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk (xưa là Nông trường cà phê 219), cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột 130km, công an xã xác nhận tại địa phương có Trần Văn Duy, người lùn, đen, chột một mắt (giống đặc điểm nhân dạng Nguyễn Văn Nguyên), đang sống cùng vợ người Hà Tĩnh và hai con. Khi công an đến nhận dạng, đối tượng nhất quyết không chịu nhận là Nguyễn Văn Nguyên. Trinh sát yêu cầu kẻ tình nghi viết bản tự khai về nhân thân, quá trình trưởng thành, sinh sống. Đối chiếu bản lý lịch tự khai này với hồ sơ ông Trần Văn Duy ở Hải Dương có nhiều mâu thuẫn. Hơn nữa, ông Trần Văn Duy hiện là một nông dân đang sinh sống tại tỉnh Hải Dương. Trước nhiều tài liệu cụ thể, cuối cùng đối tượng đã hiện nguyên hình tên sát nhân Nguyễn Văn Nguyên và được đưa về Hải Phòng quy án.

Nỗi lòng người vợ

Vợ Nguyên là bà Trần Thị H. (51 tuổi). Buổi chiều định mệnh ấy, khi bà đang đi làm ngoài rẫy thì nghe nói có rất đông công an đến nhà. Nghĩ lâu nay bản thân ăn ở đàng hoàng, chồng hiền lành chí thú làm ăn, hai con trai, gái đều ngoan, công an tới nhà vì lẽ gì? Bà tất tưởi trở về, chứng kiến cảnh chồng tra tay vào còng, người vợ bất hạnh gần như sụp đổ. Khi được cán bộ công an giải thích lý do bắt Nguyên, bà H. nghẹn ngào nói: “Thôi thì ông gây ra tội thì phải chịu. Một ngày cũng nghĩa vợ chồng, tôi sẽ ra ngoài đó (Hải Phòng) thăm ông rồi chờ ông trở về”. Nguyên chỉ cúi gằm mặt nói được câu: “Xin lỗi bà và các con... Bà giữ gìn sức khỏe”.

Gặp chúng tôi, bà H. bật khóc khi kể lại chuyện quá trình gặp gỡ, nên vợ nên chồng với Nguyên. Hơn 20 năm trước, gia đình bà H. từ Hà Tĩnh đến vùng đất này mưu sinh. Nguyên khi đó vừa rời Nông trường cà phê 219, tích cóp được một số tiền, mua đất rẫy trồng cà phê sống một mình. Cảm mến người đàn ông hiền lành, ít nói, làm lụng chăm chỉ, bà đem lòng yêu thương. Họ nên duyên chồng vợ mà không có sự hiện diện, thăm hỏi của gia đình “ông ấy”. Đôi lần bà gặng hỏi, Nguyên bảo mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh em không hòa hợp nên không thăm gặp ai. Khi các con lớn, nhiều lần gặng hỏi về quê nội, ông ta nói họ đã chết hết trong chiến tranh.

“Nếu sớm ra đầu thú, có thể giờ ông ấy cũng đã lập gia đình, yên ổn bên vợ con. Nhưng số phận đã gắn chúng tôi với nhau, dù thế nào ông ấy cũng là chồng tôi, là cha của các con tôi. Chỉ sợ tuổi cao sức yếu, không biết ngày ông ấy trả xong án tù chúng tôi có còn sống để sum họp nữa không” - bà H. khóc. Bà nhớ lại nhiều đêm chồng bà thao thức, giật mình, mê sảng, có lẽ vì ám ảnh quá khứ hay lo sợ công an bắt. Những lần như thế, bà hỏi nhưng ông lảng tránh, nói do lao động, suy nghĩ nhiều nên mệt. Bà H. đoán rằng chắc hẳn chừng ấy năm, chồng bà chưa khi nào được bình yên. Tuổi trẻ nông nổi, giờ đến lúc phải trả giá.

Tây nguyên mùa này trời mưa rả rích, như kéo thêm nỗi buồn vào gia đình nhà bà H. Bước chân đi, chúng tôi vẫn còn nghe văng vẳng lời thiết tha của bà: “Ông ấy dại quá... Lưới trời mà, làm sao thoát được. Mấy chục năm chung sống, ông ấy đã cố gắng làm người chồng, người cha tốt. Mẹ con tôi vẫn chờ đón ông ấy trở về...”.