Sâm cầm chỉ còn trong ca khúc của Trịnh Công Sơn?
Rau muống Linh Chiểu (Sơn Tây); dơi ở Sài Sơn (Thạch Thất, Hà Nội); cá chép Bương Cấn, tất cả chúng đều nằm trong bốn món tiến vua linh diệu của xứ Đoài cổ. Ngược mãi sông Lô, sông Gâm, họ đi tìm cá anh vũ tiến vua trên đất Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng. Nhà bác học Lê Quý Đôn, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đều viết về loài cá anh vũ ở vùng ngã ba sông Bạch Hạc (chỗ cầu Việt Trì, tỉnh Phú Thọ bây giờ). Cá anh vũ ăn rễ cây chiên đàn nghìn tuổi mà nên thiêng nên quý, được vua chúa phong kiến bắt dân phu truy lùng về tẩm bổ. Đặc biệt bị tàn sát thê thảm là chim sâm cầm “tiến vua”. Vua Tự Đức từng nhiều năm có chỉ dụ bắt người dân vùng ven Hồ Tây phải cống nộp chim sâm cầm, nộp theo cả đôi trống -mái. Hồ Tây với bầy sâm cầm đó, đã quen thuộc với nhiều người trong ca khúc của Trịnh Công Sơn “Nhớ mùa thu Hà Nội”: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời”. Tiếc thay người Hà Nội bây giờ có lẽ chỉ còn biết đến chim sâm cầm trên Hồ Tây bằng những… câu hát.
Hình ảnh loài chim sâm cầm
Một ngày bắn được… 30 triệu đồng!
Các tay thợ săn chim quý thường có “cửa” để… “qua mắt” chính quyền địa phương, công an khu vực. Bởi thế, thường các tay chơi súng săn phải giàu và có chút thế lực. Ở một số xã của tỉnh Phú Thọ, nơi có nguồn chim quý di cư đỗ lại khá lớn, có một mô hình khá ngộ nghĩnh và chua xót: Lãnh đạo xã hè nhau mua súng, thành lập “hội săn bắn”. Thế là không ai bắt họ được nữa, chỉ có dân thôn nhìn cảnh đó là hơi thấy bức xúc và hoang mang…
Tay thợ săn cho tôi đi theo bắn sâm cầm đợt này không giàu, không là quan địa phương, đơn giản là hắn biết luồn lách để vác súng đi nghênh ngang khắp chốn và… siết cò. Chúng tôi rời thành phố Việt Trì, đi về hướng Bắc khoảng 50km, nơi cực kỳ nhiều chim sâm cầm. Minh (tên gã thợ săn ấy) vừa chơi, vừa buôn súng tự chế, súng săn các loại, kiêm luôn cả việc sửa chữa, buôn đạn nổ từ bên kia biên giới về. Một chiếc xe máy Tàu, hai khẩu súng, một đạn ghém lớn, một đạn ghém cỡ bé nhưng nòng dài, một bó nến, ít hạt chì, một túi cát tút các cỡ, hắn đi săn.
Khi sâm cầm được làm sạch ruột, ngâm một bình rượu cả đôi trống mái, thị trường chợ “đen” giờ có giá khoảng 3 triệu đồng. Phải có mối quen mới mua được hàng “tốt” - chưa bị lấy mất nước cốt và đúng là loại chim sâm cầm tươi đem “tửu táng”. Chả biết có bổ dưỡng âm dương gì không, chỉ có một điều, ngâm cả lông, cánh, nội tạng vào hũ, nên “rượu sâm cầm tiến vua” uống rất tanh.
Sâm cầm được gọi là chim di trú, nó bay theo cái nhịp mùa ấm áp của quả đất. Nó ăn củ nhân sâm trên núi Trường Bạch (xứ Cao Ly - Hàn Quốc) nên gọi là sâm cầm (chim ăn sâm). Nó ghé qua Việt Nam là bởi vì nó bay mãi nhiều nghìn cây số phải mỏi cánh, phải dừng lại ở các “nhà ga” để tiếp thức ăn. Việt Nam vốn là một bến đỗ êm đềm, ít ra là đến cái thời ông Trịnh Công Sơn viết “bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời”. Nhiều tổ chức nghiên cứu về chim đã bắt, cân, đo, tìm hiểu rồi đeo vòng vào chân sâm cầm để theo dõi lộ trình, khả năng sinh trưởng và chịu đựng các hình thái thời tiết của nó.
Thế nhưng mặc cho người ta nâng niu loài chim quý, vào tay gã thợ săn tên Minh thì chỉ có siết cò, đạn nổ, cả bầy sâm cầm cùng rũ cánh nổi trên mặt nước. Hắn cứ ngâm rượu, bán 3 triệu đồng/đôi. Có lần, đi bắn một ngày, Minh thu trọn 30 triệu đồng tiền sâm cầm.
Cá chiên khổng lồ (Ảnh: Internet)
Bọn chúng còn làm giàu hơn nhờ bắn các loài chim giông giống với sâm cầm như vịt trời, rồi nhuộm lông, cắt bỏ chân, nói là chim tiến vua (vì sâm cầm có bàn chân và các màng ngón chân tròn xoe, không lẫn với bất cứ loài nào khác), cứ thế bán tống bán tháo… thu bộn tiền. Một dạo ở vùng Hà Đông, khu đường Láng Hòa Lạc, khu vực Công viên Bách Thảo, Công viên Thống Nhất (Hà Nội) con buôn vỉa hè rao bán rất nhiều chim sâm cầm bị cắt chân (nói là dính bẫy mất chân), thực chất là “sâm cầm giả”.
“Kỹ nghệ” bắn chim tiến vua
Các huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, Yên Lập của tỉnh Phú Thọ, đến tiết đầu đông, trước và sau Tết Nguyên Đán, sâm cầm về rất nhiều. Sâm cầm sà xuống mặt đầm Văn Khúc như một cơn mưa đen nhánh. Chúng bơi lội, nhập đàn chung vui với lũ vịt trời, le le, thậm chí cả vịt nhà mà nhoanh nhoách ăn tôm cá, ăn cả rong rêu. Minh cùng nhóm bạn có muôn vàn “kế sách” để hạ gục được nhiều sâm cầm nhất trong chỉ một lần “cất vó”.
Có khi, chúng nạp sẵn mỗi khẩu súng săn một viên đạn loại lớn (có đường kính đầu đạn là 12mm). Một lần siết cò, đạn ghém bung ra cả trăm viên bi sắt, đạn bay thành cầu vồng, thành hình ô doa. Tất cả những con chim ở vùng phủ sóng của chùm “hoa cải” đó đều bị hạ sát. Cả đàn chim rụng lả tả, thảm thương vô cùng.
Đôi khi, đám thợ săn phải nằm im dưới bèo và các bụi cây nước cả buổi chiều để rình. Minh cùng các đệ tử mỗi đứa ôm một cái phao làm bằng săm ô tô, đội lá móc ngụy trang, bơi nhẹ nhàng sang phía đàn chim, rồi ra tín hiệu, cả nhóm đồng loạt nổ súng. Sau khi tiếng súng vang lên cùng lúc, ít có con nào thoát chết. Vài con sống sót thảng thốt bay lên, Minh lại cho người đón sẵn các loạt đạn ô doa bắn ở trên… trời. Có gã thợ săn thở dài: “Bắn đạn to quá, chúng nó chết cả, mất toi mấy hũ rượu tiết sâm cầm”.
Súng và đạn ghém dùng để đi săn chim "tiến vua" (Ảnh minh họa)
Minh phát triển nghề săn bắn sâm cầm với chân rết cung cấp “đặc sản” rộng khắp miền Bắc. Hắn còn lấn sân sang cả món tiến vua khác là cá anh vũ, cá chiên. Vẫn là kích điện, giã nhủi, vẫn là mìn tự chế, bọn chúng bóc trần các lòng sông lên, giết đến cả ấu trùng các loài thủy sản để kiếm cá tiến vua bán với giá vài triệu đồng một cân. Cái mõm của cá anh vũ, tương truyền là món thời trân, tích tụ tinh túy của đất trời, xưa kia vua chúa bắt lương dân phải đi tìm về cung tiến. Con cá chiên, thịt vàng như nghệ, nặng vài chục ký lô, bơi lừ lừ như thân cây chuối dưới đáy sông sâu, bộ lòng của nó to, dai như dây thừng, cũng được đồn đại là món “tiến vua”. Tương tự như với “sâm cầm đểu”, Minh cũng buôn cá chép, cá dầm xanh, phù phép trong các quán nhậu để biến nó thành cá “tiến vua”. Lợi đơn lợi kép. Lần gặp gần đây, Minh khoe cả một hệ thống trữ lạnh ngay trong chiếc xe hơi tiền tỷ hắn vừa mua. Lúc nào hắn cũng mang cá anh vũ, lòng cá chiên và chim sâm cầm trong xe.
Con cá lá rau, chim trời cá nước, toàn những thứ tưởng như thừa mứa, vứt vật vạ đâu đó suốt bao năm ròng, bây giờ, vào tay Minh, vào tay thời buổi “tàn sát thiên nhiên” để thỏa mãn thú vui trọc phú này, tất cả đã biến thành “vàng ròng”. Các loài chim cá quý rồi đây sẽ chỉ còn trong… sách đỏ, trong câu hát say sưa của Trịnh, trong trang sử cũ của các cụ Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn.