Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012, Bộ GDĐT cho phép xét tuyển nguyện vọng đến 31.11. Tuy nhiên, nhiều trường lo ngại, dù có xét tuyển tới giữa tháng 12 như năm ngoái thì việc “vớt” thí sinh ở thời điểm này xem ra quá mệt mỏi và hiu hắt.
Nếu như năm ngoái, tình trạng hẩm hiu khi xét tuyển nguyện vọng (NV) rơi vào các trường ĐH dân lập thì năm nay, ngay cả các trường công lập cũng khó khăn.
Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) đang lo lắng bởi số hồ sơ xét tuyển vào các ngành nông nghiệp rất ít, cụ thể: Khoa Nông học còn tới 120 chỉ tiêu; Khoa học cây trồng còn 75 chỉ tiêu; Bảo vệ thực vật còn 85 chỉ tiêu; Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan còn tới 135 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đó chưa phải là ví dụ tệ nhất. Khó khăn lớn nhất của ĐH Huế là các chương trình liên kết với ĐH An Giang, ĐH Phú Yên không có một hồ sơ nào.
“Chưa bao giờ mà mùa tuyển sinh lại khó khăn như thế”- ông Hoàng Hữu Hòa - Trưởng ban Khảo thí ĐH Huế thở dài. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng đang “nhấp nhổm” với một số ngành như: Khoa học thư viện (hệ đại học) còn 16 chỉ tiêu (trên tổng số 30 chỉ tiêu để đủ cho 1 lớp), bảo tàng học (hệ đại học) còn 21/27 chỉ tiêu, văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (hệ đại học) còn tới 19/21 chỉ tiêu…
Năm nay Trường ĐH Đà Lạt xét NV3 cho 19 ngành. Mặc dù những ngành xét tuyển NV3 đều bằng điểm sàn, nhưng đến nay các ngành chỉ có chưa tới 100 thí sinh đến đăng ký. Đơn cử, ngành Vật lý chỉ tiêu 70 nhưng chỉ có 5 hồ sơ; Sinh học chỉ tiêu 60 nhưng cũng chỉ có 3 hồ sơ và hàng loạt ngành có từ 7 - 20 thí sinh nộp hồ sơ. Đặc biệt có 4 ngành trắng hồ sơ như: Hóa học, Công tác xã hội, Văn hóa, Xã hội học, Công nghệ sau thu hoạch.
Còn ở khu vực ĐBSCL, mùa tuyển sinh năm nay nhiều trường không chỉ rơi vào tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu, mà còn lo số đã nộp hồ sơ xét tuyển NV “chạy làng”. Trường ĐH Đồng Tháp sau khi kết thúc xét tuyển NV1, nhận thấy thí sinh đến nhập học chỉ đạt 50%. Đại diện nhà trường cho biết, sau ngày 7/9, trường đã gửi giấy báo nhập học cho thí sinh trúng tuyển NV2 nhưng vẫn lo ngại lượng thí sinh nộp hồ sơ ảo nên khó tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo nhận định của lãnh đạo các trường ĐH-CĐ, việc Bộ GDĐT quy định thí sinh được photo phiếu báo điểm để đăng ký nguyện vọng sẽ làm công tác tuyển sinh của trường phải kéo dài hơn so với năm trước bởi phải đối mặt với thực tế hồ sơ ảo. Việc kéo dài thời gian tuyển sinh sẽ khiến các trường khó sắp xếp lớp học (nhất là các trường đào tạo theo tín chỉ) và tâm lý sinh viên cũng không ổn định (vì phải học sau sinh viên đỗ đợt đầu tới 2 tháng).