Để tiếp cận sâu, một nữ phóng viên trong nhóm nhận "nhiệm vụ biệt phái", xin vào trọ cùng nhà với "nữ quái" này. Trong hành trình theo dấu các "băng nhóm" thi thuê - học hộ hoạt động trong các trường đại học lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội, nhóm PV được một tay thi thuê có số má mách nước, muốn tận mắt chứng kiến loại hình dịch vụ này thì phải vào đại học Thăng Long, vì trường này sinh viên có nhiều bạn là con nhà giàu, họ thường bỏ tiền thuê trọn gói (?!)
Dân học hộ - thi thuê thường đổ bộ vào đây mới kiếm ra tấm ra món.
Chúng tôi đã lần theo những đầu mối thông tin để tìm ra sự thật...
Đằng sau vẻ bề ngoài bình yên của trường đại học Thăng Long là một Thị trường thi thuê sôi động?
Theo chân "nữ quái" bí ẩn
Để chúng tôi thực sự tin, anh chàng này bật máy tính cá nhân, đăng nhập vào tài khoản facebook của mình và chỉ cho chúng tôi ảnh một "nữ quái", người này thường xuyên nhận học hộ, kiêm thi thuê trọn gói cho các sinh viên trong ngôi trường này. Anh chàng giải thích, sở dĩ anh gọi bạn này là "nữ quái", bởi phương thức hoạt động của cô ấy quá tinh quái. Thường thì "nữ quái" này "ôm" luôn một môn từ lúc bắt đầu đến kết thúc, nên hầu như không một giáo viên nào có thể phát hiện hoặc nghi ngờ gì. Khi đã có thương hiệu, "nữ quái" này hoạt động kín kẽ và thường trót lọt mà không để lại tai tiếng gì.
Theo lời chỉ dẫn của anh chàng "tốt bụng", chúng tôi sử dụng hàng loạt biện pháp nghiệp vụ để tiếp cận đối tượng này. Ba tháng đầu, mặc dù tạo nhiều tình huống bất ngờ để làm quen, nhưng đều bị "nữ quái" từ chối. Kiên trì gần một năm, cuối cùng chúng tôi đã bắt thân được với ả.
Tỏ ra đồng cảm với hoàn cảnh và thấu hiểu nỗi khổ của những người học hộ - thi thuê, chúng tôi nhanh chóng chiếm được lòng tin của người này. Để tiếp cận sâu, một nữ phóng viên trong nhóm nhận "nhiệm vụ biệt phái", xin vào trọ cùng nhà với "nữ quái" này. Từ đây, chúng tôi bắt đầu vào cuộc khám phá ra những bí ẩn của loại dịch vụ học hộ - thi thuê đang ẩn mình hoạt động nhộn nhịp dưới vẻ nguy nga của ngôi trường này tại Hà Nội.
Âm thầm theo dõi các hoạt động bí mật của "nữ quái" này trên mạng Xã hội, chúng tôi được biết, vào khoảng tháng 3/2014, chị có liên hệ với một người tên là Trịnh Thị Thiên H., sinh viên trong trường đại học Thăng Long, qua một Group Học hộ - Thi thuê kín. Chị và bạn này có giao dịch với nhau khá nhiều lần.
Vào ngày 9/3, bạn này có nhờ chị thi thuê cho môn Logic suy luận, nhưng do không nắm được kiến thức môn Logic suy luận của trường đại học Thăng Long, nên chị từ chối thẳng thừng. Vào ngày 13/3, H. tiếp tục liên hệ với chị qua facebook, nhờ chị đi kiểm tra thi thuê môn tiếng Anh với giá 80 nghìn đồng vào một buổi sáng tuần tới. Ngày 14/3, H. gặp chị tại cổng trường đại học Thương mại để đưa sách và thẻ sinh viên, vì riêng trường đại học Thăng Long phải đeo thẻ sinh viên thì mới được vào trường.
Một thời gian sau, vào ngày 8/4, sinh viên H. một lần nữa liên hệ với chị qua facebook, nhờ thi cho bạn ấy 4 môn: 16/4 thi tiếng Anh, 17/4 thi Địa lý (giờ thi từ 7h30-9h), 24/4 thi Logic học và 25/4 thi Pháp luật đại cương (giờ thi từ 7h30 - 9h). Môn Logic chị không học được, nên từ chối đi thi; môn Địa lý và Pháp luật đại cương chỉ cần học thuộc nên chị đồng ý nhận. Còn môn tiếng Anh, do trùng lịch thi hộ một người khác trong trường Thăng Long, nên chị từ chối và chỉ nhận thi 2 môn là Địa lý và Pháp luật đại cương với giá 400 ngàn đồng/2 môn.
H. gửi tài liệu cho chị ôn thi qua gmail. Đề cương khá dài, chị học không kịp nên chụp hết vào điện thoại để mang vào phòng thi. Trước ngày thi, H. đưa cho chị thẻ sinh viên, chứng minh thư, bởi trường đại học Thăng Long phải mang cả hai giấy tờ trên thì mới được vào thi. Và đặc biệt, để tránh bị cán bộ coi thi phát hiện, H. đưa cho chị cả chiếc kính gọng đậm vẫn đeo.
Ngày thi đến, chị làm đúng như H. dặn. Đeo kính của H. vào, trông chị rất giống ảnh của H. trên thẻ sinh viên, nên chị vào phòng thi mà không gặp bất kỳ trục trặc nào. Trong phòng thi có 2 giám thị, tuy nhiên họ coi thi không chặt lắm, nên chị dễ dàng dùng ảnh tài liệu chụp trong điện thoại để quay cóp thành công cả 2 môn.
Sau khi chị thi xong môn Pháp luật đại cương, đúng như đã thỏa thuận, H. đưa cho chị 200 nghìn đồng ngay khi rời phòng thi. Số tiền còn lại, H. hẹn sẽ trả đầy đủ sau khi có điểm và đạt trên 7 mới trả nốt tiền. Những ngày sau đó, H. tiếp tục liên hệ với tôi nhờ chị thi thuê môn Xác suất thống kê, Quản trị học đại cương, Kinh tế học đại cương, Marketing căn bản, Kinh tế chính trị... tuy nhiên những môn này do chị học không chắc nên không nhận.
Vào ngày 11/7, bạn H. có liên hệ với chị nhờ thi tiếng Anh với giá 300 nghìn đồng vào ngày 15/7. Đúng môn sở trường, chị lập tức nhận lời. Sau khi thi xong, chị đến nhà H. ở gần trường Thăng Long lấy 150 nghìn đồng. Phần còn lại sẽ được H. hoàn trả khi có điểm.
Một vụ "nuốt không trôi" nhớ đời
Những ngày giữa tháng 9/2014, một người tên Trần Đức H. (SĐT: 0163380xxx, đang làm lễ tân tại khách sạn S., trên phố Triệu Việt Vương, một đầu mối nhận làm thẻ giả và môi giới thi thuê - học hộ) dùng một facebook ảo bằng tiếng Anh nhắn tin với "nữ quái" này và nói, có một người tên Đỗ Hải Y. trong trường đại học Thăng Long đang liên hệ cần tìm một bạn nữ học thuê 10 buổi môn tiếng Anh vào các sáng thứ 2, 4, 6. Hình thức học trọn gói: Học, kiểm tra và thi hết kỳ luôn, với giá là 1,2 triệu đồng. Và H. sẽ giao đơn hàng này cho chị, nếu chị chấp nhận trả cho bạn ấy 250 nghìn đồng công môi giới và giả vờ như chị chính là người có facebook tiếng Anh (nghĩa là giả vờ như không hề có hoạt động môi giới ở đây).
Vốn là người từng nhiều năm hoạt động trong nghề học hộ - thi thuê, lại có sở thích "nuốt" trọn từng môn học, chị đồng ý chấp nhận. Để chị nhanh chóng vào cuộc, H. đề nghị chị gửi ảnh để làm thẻ sinh viên giả.
Sau khi hoàn thiện tất cả những thủ tục ban đầu: Nhận 400 nghìn đồng tiền đặt cọc, nhận thẻ giả từ H., chị đi học cho Đỗ Hải Y. tuần đầu tiên khá đầy đủ và kiểm tra cho bạn ấy 2 bài đều đạt điểm cao. Sang tuần tiếp theo, do bận theo nhiều ca khác trong trường Thăng Long, chị chỉ học được 2 buổi, nên đành bỏ không học nữa.
Biết mình không thể kham hết việc, chị có ý định gọi trả lại tiền cho Đỗ Hải Y., nhưng do bị mất số điện thoại, chị mất luôn liên lạc với bạn Y.. Bẵng đi chừng 2 tháng, bỗng có một bạn có tên facebook là Anna Vân (tự xưng là bạn của Y.) lên các nhóm Học hộ - Thi thuê tố cáo chị về hành vi lừa đảo "ăn quỵt tiền" của bạn Y.. Còn bản thân bạn Y. thì chưa bao giờ xuất hiện trên bất kỳ hội nào, tất cả những lời cáo buộc đều dưới tên facebook: Anna Vân.
May mắn cho chị (dân học hộ thi thuê rất sợ bị tố cáo, ảnh hưởng tới uy tín-PV), người mà facebook Anna Vân tố cáo là facebook có tên tiếng Anh của H. chứ không phải chị. Hơn nữa, số điện thoại của chị và facebook bằng tiếng Anh đó đều không được sử dụng nữa, nên mọi người không xác định được đối tượng. Cộng đồng Học hộ - Thi thuê cũng không bình luận được gì, bản thân bạn Y. và Anna Vân có lẽ cũng sợ bị bại lộ, nên chỉ vài tiếng đồng hồ sau là gỡ thông tin đăng trên các nhóm Học hộ - Thi thuê xuống.