Gần 10 năm nay, đội ngũ cò mồi đông đảo vẫn sống nhờ đường dây xuất khẩu cô dâu sang nước ngoài. Tuy nhiên, để có chân và có tiền từ đường dây này, các cò phải đấu đá, kèn cựa lẫn nhau. Thậm chí, nhiều khi, sự đấu đá này đã trở thành những cuộc chiến sinh tồn thật khốc liệt.
Đã từ lâu, giới cò mồi được tung hô và coi trọng như những “bà chúa”. Bởi, phải qua tay và những mánh khóe của cò thì gái Việt mới tiếp cận được chú rể Hàn, tiếp cận được cơ hội đổi đời. Mặc dù biết cò mồi đang ký sinh trên thân xác của mình nhưng các cô dâu Việt không còn đường lựa chọ.n
Trái với hình dung của nhiều người, cò mồi trong đường dây tuyển cô dâu lấy chồng Hàn Quốc ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) còn rất trẻ nhưng trong những con người này đầy rẫy những mưu mô, thủ đoạn tàn độc. Hầu hết, họ là những phụ nữ có máu mặt tại địa phương. Dĩ nhiên, họ phải có "gân" thì đứng ra làm cò và đủ "máu" để tranh giành địa bàn hoạt động. Họ đều là những người có kinh nghiệm, mánh khóe và mối quan hệ khá mật thiết với các nhân vật chủ chốt trong đường dây đưa những cô gái Việt đi làm dâu xứ người.
Cò Dung được coi là "chị cả" trong thế giới lấy chồng ngoại quốc. Sở dĩ, người ta gọi Dung như vậy vì chị ta năm nay đã 40 tuổi và có tiếng nói trong đội ngũ cò mồi. Trước đây, cò Dung từng mở quán cà phê và kinh doanh ngay tại nhà. Tuy nhiên vài năm gần đây, chị ta thôi bán cà phê mà chuyển sang xuất khẩu người.
Địa bàn hoạt động của Dung chủ yếu ở nhà hàng Ánh Viên, nơi tổ chức những cuộc tuyển chọn vợ gắt gao của chú rể xứ Hàn. Cò Dung cho biết, từ đầu tháng 11/2013 đến nay, có rất nhiều rể Hàn sang Việt Nam tìm vợ. Chính vì thế, kinh tế của cò cũng rủng rỉnh hơn trước. Thậm chí, có ngày, cò Dung phải thức thâu đêm để dẫn con mồi đi tuyển.
Từ khi có trào lưu lấy chồng ngoại quốc ở Thủy Nguyên, cứ mỗi khi nhắc đến cò Vân, một cô gái sinh năm 1988, người ta lại tỏ thái độ ghen tị. Bởi, nhờ cái nghề này mà Vân xây được một khách sạn 7 tầng, tọa lạc trên thôn Cống Giá, xã Lập Lễ.
Khách sạn này là nơi nhiều chú rể lưu trú dài ngày trong thời gian về Việt Nam tìm vợ. Bên cạnh đó, đây cũng được coi là lò luyện tiếng Hàn của những cô gái đã có vé sang Hàn Quốc. Mang tiếng là khách sạn nhưng Vân không bao giờ cho khách vãng lai thuê phòng.
Bác Duẩn, một người dân xã Lập Lễ cho biết: "Trước đây, cò Vân từng là một cô gái muốn đổi đời từ việc đi lấy chồng Hàn Quốc. Vượt qua hàng chục cô gái khác, Vân lọt vào mắt xanh và tổ chức đám cưới với một cụ ông xứ Hàn. Tuy nhiên, sau khi sang đó, cô gái này thường xuyên bị đánh đập. Không thể chịu được sự bạo hành, Vân đã nhờ đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc can thiệp để ly hôn. Sau đó, Vân bắt mối với một người đàn ông Hàn Quốc khác rồi tham gia đường dây xuất khẩu người xuyên quốc gia. Người tình của Vân dẫn rể Hàn về Việt Nam còn cô ta sẽ tiến hành môi giới cho dâu Việt".
Hầu hết những người làm nghề môi giới cho các đám cưới vượt biên giới này đều có cuộc sống rất sung túc. Mỗi một đám cưới dâu Việt - rể Hàn được tổ chức, họ lại nhận 200 triệu đồng từ chú rể. Trong khi đó, nhà gái sẽ phải bỏ ra từ 16 đến 20 triệu đồng cho cò để con mình được lấy chồng Hàn.
Thậm chí, nhiều chú rể thương nhà gái nghèo khổ, đặt tiền lên ban thờ làm lễ nhưng cũng bị cò với tay lấy mất. Hay sau khi về nước, chú rể gửi tiền sang Việt Nam cho cô dâu học tiếng, sinh hoạt cũng phải qua tài khoản của cò. Tất nhiên, việc chia cho dâu Việt bao nhiêu là quyền của cò nhưng không ai dám hé răng nửa lời.
Để sinh tồn, kiếm được miếng ăn trong bát mật ngọt này, cò mồi cũng phải nghĩ ra cả trăm nghìn mưu kế. Họ không những phải tìm đủ mọi cách để cô dâu của mình được chọn mà phải tung ra các chiêu "dìm" gái của cò khác. Sau khi gây mất uy tín cò đối thủ, họ sẽ chiêu mộ những cô gái Việt hám giàu về đường dây của mình.
Một cò không giấu giếm: "Việc đầu tiên cần làm khi đã tham gia vào đội quân cò đó chính là tìm mọi cách thân thiết với những người phiên dịch. Các cò quan hệ với phiên dịch cũng giống như một cuộc đấu. Ai trả phần trăm cho phiên dịch cao hơn sau mỗi vụ xuất ngoại thành công thì sẽ giành phần thắng. Khi đã móc ngoặc được với thông ngôn, mình sẽ lợi dụng họ để "dìm hàng" gái của đường dây khác với rể Hàn. Ở đây, nếu cò nào là "người nhà" của phiên dịch thì chắc chắn gái của đường dây đó rất dễ lấy chồng".
Chuyện xô xát giữa các cò là không thể tránh khỏi. Hôm đó, khi phiên dịch vừa mở cửa để gọi ba cô gái vào phòng phỏng vấn, một cò tên Miên đẩy người của mình vào thì một cò khoảng 50 tuổi tên Xuân kéo lại không cho đi. Theo cò này, người của bà đến trước nên phải được vào đầu tiên.
Tuy nhiên, cò Miên ỷ thế mình là "người nhà" của phiên dịch nên thường chèn ép cò các đường dây khác. Hai cò đứng cãi nhau trước sân nhà hàng lớn đến nỗi rể Hàn Quốc cũng phải chạy ra xem. Bà Xuân lớn tiếng: "Dâu của bà ta toàn hàng lởm. Hôm trước, bà còn đưa cả gái bị điếc, đeo cả công cụ trợ thính tuyển chồng. Bà không biết xấu hổ mà lúc nào cũng chèn ép người khác. Hơn nữa, con mụ này thường xuyên dùng người bên trong phiên dịch sai sự thật để làm mất mặt tôi. Tôi chịu hết nổi với con mụ này rồi".
Theo một dâu Việt đã qua vài lần đi tuyển thì các cò cãi cọ, "dìm hàng" nhau là thường xuyên. Không những cãi nhau, họ còn gọi người đến đánh nhau trước mặt rể Hàn. Có rể Hàn đã sợ quá, không dám quay lại tuyển vợ nữa vì sự quá bạo liệt của cò.
Tất cả các cuộc xô xát giữa các cò sẽ khó dừng lại nếu không có sự can thiệp từ nhân viên của nhà hàng và các cò khác. Để cho công bằng, người của nhà hàng yêu cầu phiên dịch cho dâu của cả cò Xuân và Miên vào cùng lúc. Tuy nhiên, sau 10 phút nói chuyện, dâu của hai cò đều tất tả đi ra trong vẻ mặt buồn rượi.
Trong khi ngồi đợi đến lượt, một cô gái ngao ngán: "Việc các cò mâu thuẫn, chửi bới nhau ở đây xảy ra như cơm bữa. Thậm chí, hai cò còn lao vào đánh nhau để cho gái của đường dây mình vào trước. Đám môi giới toàn dân có máu mặt. Nếu không giải quyết được trong này, họ sẵn sàng gọi người đến "nói chuyện" với nhau bằng "hàng nóng, hàng lạnh" ngay. Em đã đi tuyển 4 lần rồi mà hôm nào cũng chứng kiến các cuộc cãi vã kiểu này".