Đình Pò Háng được dựng ở một khu đất cao, khá bằng phẳng nhưng đường đi đến rất khó khăn. Muốn đi qua ngôi đình, phải vượt qua con sông Kỳ Cùng và lội xuyên bãi cỏ cao ngút đầu. Ông Hoàng Văn Hội (thủ từ đình Pò Háng) mặc dù đã 80 tuổi nhưng vẫn lặn lội dẫn đường cho chúng tôi đến thăm đình.
Đồ cúng bằng... phân gia súc
Cụ Hội xăng xái dẫn chúng tôi đến thăm ngôi đình độc đáo ở miền biên viễn này. Cụ Hội cho hay: "Nếu không có người dẫn đường thì có đi cả ngày cũng không tìm được ngôi đình này. Nếu đứng trên đồi cao nhìn xuống, ta có thể định vị được ngôi đình nằm ở giữa cánh đồng cỏ mọc um tùm, nhưng nếu bước chân vào bãi cỏ thì sẽ bị mất phương hướng".
Theo lời cụ Hội, trước đây, dân làng vẫn sống trên một mô đất cao bên dòng sông Kỳ Cùng với đình Pò Háng. Khi Nhà nước làm con đường chạy qua xã Bính Xã, cộng đồng người Tày bên bờ sông Kỳ Cùng cũng chuyển sang mặt đường sinh sống. Ngôi đình bị bỏ hoang từ đó. Dân làng vẫn thường chăn thả gia súc ở cánh đồng cỏ rộng mênh mông này. Do không có người bảo vệ thường xuyên nên ngôi đình đã bị trâu bò mài, húc làm hư hại nhiều và sau một trận bão, đình đã bị đổ. Sau này, Nhà nước hỗ trợ vốn, bà con dân bản đã hợp sức phục dựng ngôi đình.
Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày Bính hoặc ngày Đinh trong tháng 3 âm lịch. Khi đó, dân làng lại quần tụ đến ngôi đình tổ chức làm thịt trâu, mổ bò, lợn, gà để cúng tế thần linh, cầu mong mùa màng bội thu, dân làng thịnh vượng.
Việc cúng thành hoàng làng cũng rất lạ lùng: Chỉ được thắp hương vào ngày mồng 1 và 15 hàng tháng. Trong lễ cúng hàng năm, nếu cúng thị bò thì không được cúng thịt trâu và ngược lại, nhưng dứt khoát phải có thịt lợn. Nếu năm nào làng không có trâu, bò thịt để cúng thì phải mổ 5 con lợn, mỗi con khoảng một tạ để thay thế. Năm nào cúng trâu, bò rồi thì chỉ cần thịt một con lợn theo thông lệ từ trước đến nay của làng.
Đặc biệt, lễ vật quan trọng nhất và không thể thiếu chính là… phân non của gia súc. Sau khi thịt trâu, bò, lợn..., người dân phải mổ ruột con vật ra để lấy một bát phân. Khi cúng, bát phân phải để lên ban thờ ngay cạnh mâm thịt của những con gia súc đã lấy phân, nếu không cả làng sẽ phạm vào thần linh.
Những người cao tuổi ở làng Pò Háng cũng không nhớ nổi phong tục này có từ khi nào. Chỉ biết rằng, khi họ sinh ra đã thấy có phong tục này. Các cụ cũng được những thế hệ đi trước truyền lại, đời này qua đời khác, con cháu vẫn giữ phong tục tập quán của người xưa, chẳng ai dám làm trái vì sợ thần linh trừng phạt.
Đi tìm nguồn gốc tập tục kì lạ
Cụ Bế Nguyên Giai (88 tuổi, người làng Pò Háng) là người biết rõ nhất về tục dùng phân để cúng thành hoàng làng. Cụ Giai cho hay: Tập tục này gắn với một câu chuyện về thành hoàng làng có tên là Hoàng Lang. Lúc còn học trường làng, Hoàng Lang tỏ ra thông minh xuất chúng. Thấy chàng trai này thông minh, lại chăm chỉ nên thầy giáo đã gả con gái cho Hoàng Lang. Hai vợ chồng cưới nhau chưa lâu thì triều đình tổ chức cuộc thi chọn người tài, Hoàng Lang khăn gói lên kinh dự thi và vượt qua rất nhiều vòng thi, vòng thi nào cũng đứng đầu.
Hoàng Lang là một vị thần có tài đi mây về gió, những ngày thi kéo dài nên sĩ tử phải nghỉ lại kinh chờ thi những môn tiếp theo, riêng chàng thì vẫn tranh thủ bay về với vợ. Khi vợ Hoàng Lang mang bầu, mẹ của chàng đã gọi con dâu ra mắng và nhất nhất không nghe nàng giải thích rằng, đó là con của Hoàng Lang. Vợ Hoàng Lang bèn nghĩ ra cách lấy trộm một đồ vật của chồng để thanh minh với mẹ. Trong một buổi tối, khi chồng về ngủ cùng, vợ chàng lén lấy đôi giày vua ban và nặn một đôi giày khác thật giống để vào chỗ cũ. Trời tờ mờ sáng, Hoàng Lang vội vã lên kinh thi nên không để ý, đeo phải giày giả.
Bác Hồ đã phong tặng đình làng bức trướng có ghi bốn chữ: Ủng hộ kháng chiến
Khi chàng bước vào phòng thi, vua thấy chàng không đeo đôi giày vua ban mà đeo một đôi giày khác, nhà vua tức giận, chưa kịp nghe lời chàng giải thích đã sai quân lính chém đầu Hoàng Lang. Chàng bị chém cụt đầu nhưng vẫn đứng trơ trơ, vẫn kêu oan. Chàng vội chạy đến cầm cái đầu đặt lên cổ và vội vã chạy về nhà. Gặp lũ trẻ chăn trâu, chàng hỏi: "Cây bị chặt cây còn mọc chồi non, người bị chém đầu đầu còn mọc được không?". Lũ trẻ trả lời: "Vẫn mọc được!".
Vẫn câu hỏi đấy, khi chàng chạy về hỏi mẹ thì nhận được câu trả lời: "Cây bị chặt cây còn mọc chồi non, người bị chém đầu sẽ không mọc được, con ơi!". Hoàng Lang trách mẹ không biết an ủi con: "Mẹ không biết nói thì suốt đời mẹ con mình chỉ được ăn cứt thôi". Nói xong, chàng lăn đùng ra chết, đầu rụng khỏi cổ. Mẹ chàng cũng đau khổ mà chết theo.
Dân làng biết chuyện Hoàng Lang bị chết oan nên đã lập miếu thờ và nhắc nhở con cháu phải thắp hương để tưởng nhớ đến chàng. Dân làng đã làm theo lời nói trước khi chàng mất là trong mỗi lần cúng tế đều lấy một bát phân để bên cạnh cho mẹ của mình ăn. Hàng năm, người dân chỉ được thịt lợn, trâu... cúng thần linh ở đình vào một ngày duy nhất. Những ngày bình thường, nếu người nào đến cúng thì chỉ được đem hoa quả thắp hương, chứ không được đem thịt lợn, gà đến cúng...
Ông Giai cho rằng, việc đem phân cúng ở đình không phải là hành động báng bổ thần linh mà nó thể hiện quan niệm về triết lý nhân sinh của người dân trong làng. Việc cúng phân non dâng mẹ của thành hoàng làng thể hiện hy vọng sẽ không làm trái lời thần Hoàng Lang, tức là không xúc phạm đến mẹ của chàng. Việc đem phân non làm đồ cúng ở đình Pò Háng ngoài cầu mùa màng bội thu, tránh được thiên tai, hạn hán, còn mang ý nghĩa văn hóa đối nhân xử thế, là bài học sâu sắc về cuộc sống vợ chồng, tình cảm mẹ con.
Bức trướng cao quý của Bác Hồ
Trước đây, xã Bính Xã vẫn thuộc tỉnh Hải Ninh (sau này tách thành tỉnh Quảng Ninh và một số huyện của tỉnh Lạng Sơn). Trong lịch sử xã Bính Xã còn ghi lại: Tháng 3/1945, quân Nhật lũ lượt kéo vào nước ta, bọn phỉ ở Quảng Tây (Trung Quốc) tràn vào cửa khẩu Bản Chắt. Trước tình hình đó, các đội tự vệ chống phỉ đã được thành lập (tháng 4/1945), sau này phát triển thành Hội đồng bảo an của huyện và xã. Năm 1946, xứ ủy Bắc Kỳ đã cử cán bộ đến tăng cường cho tỉnh Hải Ninh. Xã Bính Xã trở thành căn cứ quan trọng trong kháng chiến chống Pháp. Tháng 4/1947, thực dân Pháp tấn công căn cứ Nà Thuộc, trong đó có xã Bính Xã nhằm sát hại nhân dân ta. Trước tình hình đó, quân và dân xã Bính Xã đã kết hợp với chiến sĩ ở chiến khu Nà Thuộc chiến đấu anh dũng, đánh tan tiểu đoàn Âu - Phi và tay sai của địch.
Hai tháng sau, thực dân Pháp tiếp tục huy động hai tiểu đoàn Âu - Phi mở liên tiếp 15 cuộc tấn công vào căn cứ Nà Thuộc, có máy bay và pháo binh yểm trợ. Nhưng chúng đã vấp phải tinh thần đấu tranh kiên cường của quân và dân xã Bính Xã. Tại đình Pò Háng, các cụ già cầu nguyện phất cờ thần, gõ thanh la động viên khí thế đánh giặc của con cháu. Dân và quân Bính Xã đã phối hợp với chiến khu Nà Thuộc bẻ gãy 15 cuộc tấn công của quân Pháp.
Tin thắng trận vang khắp chiến trường Việt Bắc, như cánh chim báo tin vui đến Bác Hồ. Do đó, Người đã khen thưởng thành tích, tặng quân và dân khu Nà Thuộc - Đình Lập bức trướng thêu dòng chữ: "Ủng hộ kháng chiến" và phong sắc thần kháng chiến cho đình Pò Háng. Bức trướng đó đã được đặt ở nơi trang trọng nhất của đình Pò Háng, như một báu vật thiêng liêng và kiêu hãnh của quân và dân nơi đây. "Sau khi tỉnh Hải Ninh tách ra thành Quảng Ninh và Lạng Sơn, bức trướng gốc đã được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Bức trướng hiện được đặt ở đình Pò Háng là bản sao của bức trướng gốc", cụ Hội cho hay.