2 ngày sau khi thông tin về quyết định đóng cửa Zone 9 được các phương tiện truyền thông loan báo, những người kinh doanh ở khu vực này đang trong cảnh đứng ngồi không yên. Dù tất cả cửa hàng vẫn mở cửa đón khách, những nơi nào đang cải tạo vẫn tiếp tục xây dựng, nhưng tất cả đều trong tâm trạng chộn rộn. Chốc chốc, họ lại í ới nhau qua điện thoại, tập trung đến một quán nào đó để cùng thảo luận, bàn bạc.
Chị Giang Trang, một người kinh doanh tại đây cho biết chiều qua, cả khu đã có một cuộc họp khẩn bàn cách viết đơn kiến nghị lên Ủy ban Nhân dân thành phố. "Chúng tôi đã tập hợp giấy đăng ký kinh doanh của các hộ để có thống kê cụ thể về các ngành nghề đang hoạt động tại đây, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để chứng minh mình làm đúng luật", chị Trang nói.
Ngoài ra, trong thư ngỏ, các đơn vị kinh doanh khẳng định rằng mình đang lao động nghiêm túc, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội. "Chúng tôi cũng đã bỏ nhiều tiền của cải tạo và thiết lập kinh doanh tại đây, do đó mong muốn được duy trì hoạt động, ít nhất là theo đúng hợp đồng 3 năm đã ký", tiểu thương này cho biết thêm.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các cư dân Zone 9, trên dưới 60 đơn vị đang kinh doanh tại đây đã rót trên 40 tỷ đồng vào nơi họ gọi là "hợp tác xã nghệ thuật" này. Một trong những người đã đầu từ "khủng" nhất chính là gia đình chị Trang. Hiện vợ chồng chị đồng sở hữu một quán bar mang tên Bar Betta, với số tiền đầu tư trên 3 tỷ đồng, một quán cà phê 500 triệu đồng và một công ty nội thất. Tất cả đều đặt trong khu này.
"Hơn 3 tỷ đồng là mới tính những chi phí nhìn thấy được. Còn những thứ tự nhà làm được thì chưa tính, vì gia đình tôi làm nội thất nên nhiều hạng mục trong các quán là do tự làm", chị Giang Trang nói thêm.
Ngoài trường hợp nêu trên, nhiều khoản đầu tư khủng khác cũng được giới kinh doanh tại đây bỏ ra như nhà hàng Nhật Take với vốn đầu tư trên dưới một tỷ đồng, một studio nghệ thuật khác giá trên dưới 2 tỷ đồng...
Các cư dân Zone 9 đang bàn về chuyện đóng cửa trưa 4/12.
Là một nhiếp ảnh gia có tiếng của Hà Thành, anh Nguyễn Đăng Long cho biết đã cùng em trai đã đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng một studio ảnh tại đây. "Điều khiến tôi lo lắng nhất không phải là tiền. Khi các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế đầu tư vào đây, chúng tôi muốn tạo ra một sân chơi nghệ thuật, một môi trường sáng tạo", anh Long nói.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, một cư dân khác của Zone 9 nói: "Nếu được, Hà Nội nên để các cư dân hoạt động 3 năm đúng như hợp đồng chúng tôi đã thuê. Sau đó nếu thành phố thấy mô hình này hiệu quả và cần phát triển, thành phố có thể tiếp tục để chúng tôi hoạt động hoặc bố trí một địa điểm khác để cư dân Zone 9 chuyển đến".
Hiện nay, các cư dân Zone 9 hoang mang vì các thông tin đóng cửa mà họ biết được đều là qua báo chí. Các cơ quan chức năng vẫn chưa gửi bất cứ thông tin gì đến họ về sự việc trên. Để trấn an, hôm qua Công ty TNHH Thành Đạt, đơn vị ký hợp đồng liên doanh liên kết với các hộ kinh doanh, đã phát đi một thông báo trấn an cho biết hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.
Một quán cà phê có cách trang trí độc đáo ở Zone 9.
Trước khi có những thông tin nêu trên, giới trẻ Hà Thành vẫn biết đến và gọi khu Zone 9 là "quận nghệ thuật" (art district). Đây tiền thân là một khu nhà bỏ hoang của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2, bị bỏ hoang sau khi đơn vị này kết thúc hợp đồng thuê đất 50 năm.
Đầu năm 2006, tại số 9 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng), một cuộc thảo luận đã diễn ra giữa ra giữa 5 đơn vị, gồm có Đại diện công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 2, Công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương, Công ty cổ phần Bình An, Công ty cổ phần Tiến Bộ, Công ty TNHH tư vấn BĐS Thành Đạt. Sau khi thảo luận, các bên đã thống nhất ủy quyền cho Công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương, đại diện là ông Ngô Anh Tuấn ký biên bản bàn giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Tiến Bộ, đồng thời thống nhất về việc đơn vị này bàn giao khác thác, sử dụng mặt bằng khu đất cho Công ty TNHH tư vấn Thành Đạt do bà Lại Thị Chinh làm giám đốc.
Đến lượt Công ty Thành Đạt đã ký hợp đồng liên doanh liên kết thời hạn 3 năm với các công ty, hộ kinh doanh cá thể, những người muốn thuê lại mặt bằng tại khu vực này để kinh doanh và hoạt động nghệ thuật.
Từ một khu vực bỏ hoang, các văn nghệ sĩ và người kinh doanh đã biến Zone 9 thành một "quận nghệ thuật" với trên dưới 60 cơ sở hoạt động, bao gồm các phòng tranh, nơi biểu diễn nghệ thuật, phòng trưng bày, studio ảnh, một số nhà hàng quán ăn như hiện nay.