Chị Hoa, giúp việc của một cư dân tòa B vẫn chưa hết hốt hoảng nói: Chừng 8 giờ sáng, thì còi báo động nhà tôi rú lên từng hồi, rồi có tiếng từ loa ra, vì là tiếng nước ngoài nên tôi không nghe được, chủ nhà thì đi vắng, may có cậu con trai lớn của nhà chủ học trường quốc tế, lúc đó đang ngủ chạy ra, nói là sơ tán khẩn cấp ngay vì loa báo yêu cầu như vậy.
Các cư dân chạy vội xuống tầng trệt thậm chí không kịp mặc đồ ấm. Ảnh: Vietnam+
Tôi vội vã lôi hai đứa bé, một lên ba, một lên 5 ra khỏi giường, nghe tiếng còi, các cháu khóc ré lên sợ hãi, tôi với áo ấm, và ôm chúng chạy xuống tầng 1. Cậu lớn lại bảo không được dùng thang máy, nên mấy bác cháu chạy hơn 30 tầng gác thang bộ, xuống đến đây đứt cả hơi. Lại thấy cậu bảo vệ bảo là, chả làm sao cả. Hôm qua đã một lần như vậy rồi.
Chị Phương, cư dân tòa nhà A còn bức xúc hơn: Giời ơi, đây là lần thứ 3 rồi,tôi bụng mang dạ chửa, cách đây mấy tháng, đã báo động giả, khiến tôi hốt hoảng, chạy xuống, suýt sảy thai, phải nằm bất động cả tháng trời. Hôm qua, chuông đã báo như vậy, hôm nay, tôi đã định không “sơ tán” nữa, nhưng lại lo, lỡ cháy hay có chuyện gì thật thì sao, lại lật đật đi xuống.
Ghi nhận của PV tại sảnh B vào lúc 8h30 phút, một quang cảnh vô cùng hỗn loạn và ầm ĩ. Đám trẻ con hơn chục đứa ngồi co ro trên những ghế salon ở sảnh, ngơ ngác không hiểu vì sao bị đánh thức và lôi xuống đây, khóc mếu ầm ĩ.
Vây quanh chỗ bàn lễ tân là các cư dân yêu cầu một lời giải thích rõ ràng từ ban quan lý. Tuy nhiên, cậu bảo vệ chỉ biết trả lời là cháu không biết, và cố liên lạc với những người có trách nhiệm, song không được.
Nhóm người bất bình và bực bội nhất là mấy gia đình người Hàn Quốc, họ bị đánh thức dậy bởi còi báo động, nhiều người không kịp mặc quần áo ấm, nguyên quần cộc, áo phông ở nhà chạy xuống. Trả lời các cư dân, một nhân viên người Việt cho biết, đây là sự cố “nhầm” do chưa biết cách sử dụng loa báo. Một người Hàn Quốc đã hỏi, ai là người bấm nhầm, thì được trả lời là “Mr Lee.” Theo các cư dân, đây là lần thứ 3, cũng chính quản lý tên Lee này gây ra việc báo động giả như vậy cũng cùng một lý do “nhầm!”
Lạ lùng hơn, sự cố gây ảnh hưởng đến hàng nghìn người mà hơn một tiếng đồng hồ vẫn không hề có người nào có trách nhiệm ra giải thích cho bà con.
Anh Nam, người Hàn quốc, sống tại nhà B907, đã mọi cách liên hệ với một quản lý người Hàn quốc là Lee, qua câu chuyện điện thoại, tỏ vẻ rất bức xúc và anh này nhấn mạnh:” đây là lần thứ hai, nên xin lỗi thôi là không đủ, yêu cầu quản lý có mặt tại đây ngay.” Tuy nhiên, ngay cả lời đề nghị của cư dân đồng hương Hàn Quốc này cũng không được đáp ứng và anh này cũng như các cư dân khác đành bực bội quay lên nhà.
Anh Khánh, cư dân tòa nhà A, bức xúc: Đây là cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, không có nghiệp vụ của nhân viên quản lý. Chỉ với một thao tác kỹ thuật nhỏ mà họ không biết cách sử dụng, gây lỗi nhiều lần thì không thể chấp nhận được.
Việc này gây bất an cho người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng nghìn con người. Chưa kể đến, sẽ gây tác hại xấu nếu sau này có sự cố mà bà con lại nghĩ là “nhầm” thì hậu quả còn nguy hiểm hơn.”
Các cư dân còn vô cùng bất bình khi báo động chỉ bằng tiếng Anh. Một nhân viên người Việt cho biết, hệ thống chưa cài được tiếng Việt. Như vậy sẽ rất nguy hiểm với những người không biết ngoại ngữ, anh Khánh nói.
Theo anh Khánh, hiện các cầu thang thoát hiểm của 2 tòa nhà cũng trong tình trạng cái mở, cái khóa ở các tầng, với cách quản lý và điều hành tòa nhà như thế này, khi xảy ra sự cố, sẽ đe dọa đến an toàn của các cư dân sinh sống tại đây.
Cô Quyên, cư dân tòa nhà B cho biết, các cư dân sẽ yêu cầu chính quyền và các cơ quan chức năng kiểm tra về độ chuyên nghiệp, các bằng cấp của các nhân viên quản lý của Keangnam xem họ có đủ trình độ chuyên môn để vận hành hệ thống kỹ thuật cũng như quản lý tòa nhà hay không? "Như thế này, thì bà con chúng tôi sống bất an quá, lo lắng quá," cô Quyên buồn bã.
Câu chuyện về chất lượng dịch vụ cũng như thái độ dịch vụ của chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà Keangnam lại một lần nữa được đặt ra vô cùng bức thiết khi nó liên quan đến sự an nguy của hàng nghìn con người, trong khi câu chuyện về phí vẫn còn dang dở.