Cư dân mạng làm “thám tử” truy tìm tội phạm

Gần đây, nhiều đối tượng vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ sau khi cộng đồng mạng chung tay tố cáo, truy tìm.

Vừa qua, Lê Thị Bích Trâm (SN 1989), hung thủ bắt cóc bé trai 1 ngày tuổi tại Bệnh viện quận 7, TP HCM đã sa lưới pháp luật sau nhiều ngày lẩn trốn. Theo thông tin ban đầu, do nhìn thấy hình ảnh phác họa chân dung mình được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội nên đối tượng này đã đến công an đầu thú.

Chung tay truy tìm

Trước đó, hàng loạt đối tượng lừa đảo người tiêu dùng đã bị bắt giữ nhanh chóng sau khi bị cộng đồng mạng phát hiện, cảnh báo trên mạng. Thậm chí, các cư dân mạng còn truy tìm thông tin, dẫn dụ kẻ xấu xuất hiện và phối hợp với cơ quan chức năng bắt giữ.

Điển hình là việc Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP HCM đang tạm giữ Đoàn Mạnh Quang (SN 1989, ngụ Lâm Đồng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này thường xuất hiện trên những trang mạng buôn bán hàng điện tử như Chợ Máy Ảnh, 5giay.vn… với những biệt hiệu như cusiu, Phạm Tiêu Hà, Phạm Quang Tiêu Hà, Nguyễn Ngọc Cảnh để rao bán máy ảnh, iPhone xách tay từ Mỹ với giá thấp hơn thị trường từ 2 - 3 triệu đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi nhận đặt cọc 30% giá trị mặt hàng, Quang đã lặn mất tăm với số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm triệu đồng. Sau khi Quang ôm tiền bỏ trốn, hàng chục người là nạn nhân đã tố cáo lên trang mạng VOZ và cùng các cư dân mạng bàn cách truy bắt kẻ lừa đảo này. Đến chiều 5-1-2014, một người đã hẹn y ra quán cà phê ở quận Gò Vấp để tiếp tục giao dịch. Khi Quang đến nơi, các nạn nhân đã bắt giữ, sau đó giao Công an quận Bình Thạnh xử lý.

Một thành viên của phomuaban.vn treo thưởng cho ai báo tin để cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng bắt cóc trẻ em ở Bệnh viện quận 7, TP HCM

Tháng 4 - 2013, các thành viên của trang mạng VOZ đã lật mặt kẻ lừa đảo có nick là Kenny Zeng, Lặng lẽ yêu em… về hành vi lấy hình ảnh từ Facebook của người khác để mạo danh và rao bán iPhone, iPad… Ai “cắn câu” thì đối tượng này yêu cầu chuyển trước 30% tiền mua hàng vào tài khoản của mình và biến mất. Sau khi các thành viên VOZ tố cáo lên các trang mạng bán hàng trực tuyến, Facebook và cung cấp thông tin, hình ảnh cho cơ quan điều tra thì chiều 21-10-2013, Công an TP Cần Thơ đã bắt giữ Bùi Thanh Phong (SN 1980, ngụ quận Ninh Kiều). Tổng cộng, đối tượng này đã lừa đảo trên 150 người với số tiền lên đến hơn 500 triệu đồng.

Vào đầu năm 2010, Trần Đức Thiện, sinh viên một trường ĐH tại Hà Nội, đã thực hiện trót lọt vụ lừa đảo trên diễn đàn HandheldVN để chiếm đoạt 23 triệu đồng. Với sự cộng tác của Ban quản trị HandheldVN, từ số điện thoại Thiện dung và địa chỉ IP..., các thành viên đã lần ra được thông tin đầy đủ của đối tượng này và cung cấp cho Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP Hà Nội. Ngày 2-2-2010, PC14 đã lôi Thiện ra ánh sáng.

Ngoài ra, hàng loạt vụ lừa đảo khác cũng đã được công an triệt phá trong vài năm gần đây với sự góp công không ít của cộng đồng mạng mặc dù thủ đoạn của tội phạm rất tinh vi, xảo quyệt.

Sức lan tỏa rất lớn

Anh N.T.Bảo, chuyên kinh doanh hàng điện tử trên các trang mạng tại TP HCM, cho biết hiện nay, sức lan tỏa thông tin trên internet là cực nhanh và có hiệu ứng mạnh mẽ. Nhiều thủ đoạn lừa đảo sau khi xuất hiện đã nhanh chóng bị cộng đồng mạng tố cáo, thậm chí còn phối hợp cùng nhau truy lùng thông tin của kẻ xấu, dẫn dụ chúng ra ánh sáng để cơ quan chức năng bắt giữ. Hàng loạt “chuyên án” đã được chính các trang mạng lập ra để truy bắt những kẻ xấu này và đều được các cư dân mạng ủng hộ, góp tay lan truyền thông tin cảnh báo một cách tích cực. “Cộng đồng mạng đã giúp nhiều vụ án sớm được phanh phui, trả lại công bằng cho người bị hại” - anh Bảo nói.

Chuyên mục cảnh báo lừa đảo trên một trang mạng mua bán

Theo ông Nguyễn Thế Đông, trưởng bộ phận thương mại điện tử của trang bán hàng 123Mua (trực thuộc VNG), sức mạnh của cộng đồng mạng trong việc chia sẻ thông tin, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo là rất lớn. Những thông tin cảnh báo sau khi được chia sẻ đến với bạn bè, người thân sẽ giúp họ tránh bị lừa đảo. Thậm chí, nhiều trường hợp sau khi chia sẻ thông tin cảnh báo thì những người biết về kẻ xấu đã phản hồi lại ngay để giúp cơ quan chức năng nhanh chóng phá án. “Việc chia sẻ thông tin lên cộng đồng mạng càng sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho cơ quan chức năng” – ông Đông nhận định.

Theo quan sát của chúng tôi, với việc các thủ đoạn lừa đảo tinh vi xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay, hàng loạt trang mạng tại Việt Nam đã mở chuyên mục để cư dân mạng lên tiếng cảnh báo. Các trang mạng như 5giay.vn, VOZ… xuất hiện rất nhiều bài viết tố cáo hành vi lừa đảo và được ủng hộ mạnh mẽ. Anh Võ Hùng, một thành viên trang mạng 5giay.vn, cho biết mình rất thường xuyên vào các mục cảnh báo để nắm bắt các thủ đoạn lừa đảo mới của kẻ xấu, đồng thời chia sẻ với bạn bè, người thân. “Đó là việc làm rất có ích bản thân và cộng đồng” - anh Hùng nói.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TPHCM, hiện diễn đàn mạng internet, đặc biệt là mạng xã hội như Facebook, phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và có sức lan tỏa rất nhanh chóng. Do đó, khi phát hiện các thủ đoạn lừa đảo, cư dân mạng nên tích cực thông tin để cảnh báo, góp phần cùng cơ quan chức năng bắt giữ kẻ xấu” - ông Thắng kêu gọi.