Rất hiếm khi nhìn thấy Công Phượng cười! Ở đội tuyển U19 Việt Nam hay Học viện HAGL Arsenal JMG, Công Phượng giống như một người già trước tuổi so với các đồng đội cùng trang lứa. Trong khi Xuân Trường, Tuấn Anh hay Đông Triều vẫn thường vô tư nở nụ cười hồn nhiên thì Công Phượng lúc nào cũng trầm ngâm và đăm chiêu.
Ký ức về tuổi thơ của Công Phượng là những tháng ngày khó khăn ở miền quê nghèo Đô Lương (Nghệ An) nắng cháy. Những giọt mồ hôi của cha làm phụ hồ và những giọt nước mắt của người mẹ tần tảo đã nuôi Phượng khôn lớn.
Đam mê bóng đá và xác định nó là con đường của cuộc đời mình nhưng ở thời điểm khởi đầu, Công Phượng thậm chí không có nổi một đôi giày và một trái bóng dù chỉ theo ý nghĩa dùng tạm. “Tài sản” của Phượng dạo ấy là một đôi giày có giá 11.000 đồng và một trái bóng vỏn vẹn chỉ 20.000 đồng. Đấy đã là một sự cố gắng của bậc sinh thành lam lũ, khổ cực song vẫn chiều theo sở thích của con trai.
Căn nhà đơn sơ của gia đình Công Phượng ở quê
Khó đếm nổi những bước chạy chân trần của cậu bé chăn trâu ngày nào trên những cánh đồng nứt nẻ với trái bóng cuộn bằng lá chuối, cũng như khó có thể kể hết nghị lực phi thường của Công Phượng để vượt qua hoàn cảnh khó khăn của anh, gắn cuộc đời mình cùng trái bóng tròn.
Những tấm gương vượt khó ở mảnh đất nghèo Nghệ An thật ra không phải quá hiếm gặp, nhưng thường thì sau khi phấn đấu, thành quả là thứ có thể “sờ nắm” ngay được. Vì nếu hoàn cảnh đã không thể quật ngã được ý chí, nó sẽ trở thành bàn đạp để người ta vươn lên mạnh mẽ hơn.
Công Phượng chưa bao giờ thiếu ý chí, nhưng số phận lại không ưu ái anh như nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa. Như bao cậu bé xứ Nghệ dạo ấy, ước mơ đầu tiên của Công Phượng là khoác lên mình chiếc áo vàng mà Văn Quyến hay Công Vinh đã từng mặc.
Bộc lộ tài năng từ khi 10 tuổi nhưng số phận của Công Phượng rất lận đận trước khi được tuyển vào Học viện HAGL Arsenal JMG
Bộc lộ khả năng chơi bóng thiên bẩm từ khi mới chỉ 10 tuổi song cậu bé quê xã Yên Mỹ huyện Đô Lương cứ lần lượt bị loại từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Không được chọn vào đội bóng của huyện, Công Phượng chấp nhận tập “ké” để tìm kiếm cơ hội. Thật xót xa và cay đắng khi cậu bé mới chỉ 10 tuổi dạo ấy từng không được ăn cơm suất như các bạn khác vì không có tên trong danh sách.
Năm 2006, khi Công Phượng mới chỉ 11 tuổi, anh đã phải nếm trải cảm giác bầu trời sụp đổ là như thế nào, sau khi bị các nhà tuyển trạch của SLNA tiếp tục từ chối. Con đường đến với bóng đá của hầu hết các cầu thủ đều không bằng phẳng, nhưng với Công Phượng, nó là cả một trường cơ cực.
Phía sau thành công của con trai là biết bao mồ hôi của cha, nước mắt của mẹ
Ký ức về tuổi thơ của Công Phượng, bên cạnh nỗi cực khổ, hành trình gian nan còn là nỗi buồn chưa bao giờ nguôi ngoai trong anh.
Người đồng đội đầu tiên của Công Phượng cũng chính là người anh ruột Nguyễn Công Khoa. Mẹ của Công Phượng, bà Nguyễn Thị Hoa vẫn nhớ như in hình ảnh 2 đứa con trai của mình năm nào cùng mê bóng đá và say sưa quần thảo từ sân nhà ra vườn ruộng bất kể nắng mưa.
Thế rồi người anh trai của Công Phượng đã không may ra đi mãi mãi sau một lần đi chăn trâu vì đuối nước. Công Phượng cứ lủi thủi một mình từ dạo đó.
Có lẽ, dù được ca tụng như người hùng thì điều đó cũng không thể xoa dịu những tổn thương mà Công Phượng đã trải qua và cũng khó khiến anh quên đi được hiện thực khó khăn đang bủa vây cuộc sống gia đình mình.
Gia đình nhiều đồng đội của Công Phượng có người thuê cả xe 20, 30 chỗ đến Hà Nội xem con thi đấu. Phượng cũng ao ước được nhìn thấy cha mẹ, anh chị em trên khán đài, nhưng… mẹ anh phải bán đi mấy tạ thóc mới đủ tiền ra Hà Nội và món quà của mẹ chỉ đơn sơ là mấy tấm bánh đa quê.
Món quà của mẹ chỉ đơn sơ là mấy tấm bánh đa quê
Trên khuôn mặt của Công Phượng có cả nét khắc khổ của cha và mẹ. Kể cả khi anh cười thì nụ cười ấy vẫn mang đến cảm giác gượng gạo. Đôi mắt buồn của Công Phượng cũng chính là nét chạm trổ của những vết hằn quá khứ lên chàng trai chuẩn bị bước sang tuổi 20.