Công khai tên doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước

Các Sở Giao thông Vận tải ở từng địa phương nên công khai tên những doanh nghiệp vận tải chây ỳ giảm giá cước. Đây sẽ là hình phạt lớn nhất cho những doanh nghiệp này.

Giá xăng đã giảm 10 lần liên tiếp. Lần gần đây nhất vào ngày 22/11, giá xăng giảm kỷ lục tới 1.140 đồng/lít.

Trước đó, Bộ Tài chính có công văn nêu rõ xăng giảm liên tiếp lần thứ 9 nhưng cước vận tải là loại giá chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu chưa giảm tương ứng gây nên nhiều ý kiến trong dư luận xã hội. Bộ này cũng có công văn đề nghị Bộ Công thương phối hợp, rà soát, kiểm tra lại giá và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá. Kết quả, nhiều doanh nghiệp vận tải trên cả nước đã giảm cước.

Giá xăng giảm kỷ lục trong lần giảm thứ 10 liên tiếp này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu các doanh nghiệp có tiếp tục giảm giá hay không.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, xăng giảm giá, tất nhiên các doanh nghiệp vận tải sẽ giảm theo. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp này giảm mà doanh nghiệp khác giữ nguyên giá sẽ bị hành khách rời bỏ. Vì thế, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ giảm giá sau đợt giá xăng giảm lần thứ 10 liên tiếp này, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nguồn cung vận tải cao hơn cầu.

Theo ông Thanh, vẫn có doanh nghiệp chây lỳ, cố tình không giảm giá, vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh. Bản thân Hiệp hội không thể chỉ đạo các doanh nghiệp này giảm mà chỉ có thể đưa ra lời khuyên. Ngay cả cơ quan quản lý cũng chưa có chế tài xử phạt các doanh nghiệp này.

“Các Sở Giao thông Vận tải ở từng địa phương nên công khai tên những doanh nghiệp vận tải chây lỳ giảm giá cước. Đây sẽ là hình phạt lớn nhất cho những doanh nghiệp này”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng do giá nhiên liệu thay đổi liên tục nên giá cước vận tải cũng không thể theo kịp được. Mỗi khi doanh nghiệp muốn giảm giá lại sợ giá xăng tăng ngay sau đó. Trong khi đó, thủ tục xin tăng giá rất “nhiêu khê” và khó khăn. Đặc biệt, mỗi lần điều chỉnh giá, các doanh nghiệp phải kê khai lại, công bố lại giá, in lại toàn bộ vé. Các doanh nghiệp taxi còn phải gài lại hệ thống đồng hồ tính cước.

“Hoạt động này rất tốn kém, mỗi doanh nghiệp lớn phải mất tới mấy trăm triệu mỗi năm vào việc đó”, ông Thanh nói.

Giá xăng giảm kỷ lục trong lần giảm thứ 10 liên tiếp này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu các doanh nghiệp có tiếp tục giảm giá hay không.

Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải mong muốn nhà nước nên bình ổn giá nhiên liệu, nếu không được 1 năm thì 6 tháng và phải công khai với dân. Theo cách này, nhà nước còn có thể công khai trước giá xăng với dân, thay vì tăng giảm đột ngột như hiện nay.

“Nước ta đã có Quỹ bình ổn giá. Giá nhiên liệu của nước ngoài thay đổi bất thường nhưng do có quỹ, khi giá nước ngoài tăng thì lấy quỹ bù, khi giá này giảm thì quỹ được tiền tích vào đó”.

“Khi nhà nước công bố công khai và ổn định giá nhiên liệu như thế thì giá doanh nghiệp vận tải sẽ ổn định”, ông Thanh nói.