6 dự án gồm: Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Liên quan tới dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường cho rằng, ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do doanh nghiệp Nhà nước chi phối. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền. Trong khi đó, điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế - xã hội của cả nước. Do vậy, Ủy ban KH-CN&MT đề nghị, cần sửa đổi theo hướng Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân. Giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực quyết định trong khung giá đó, nhằm phù hợp với dự thảo Luật Giá.
Cùng với đó, Chính phủ cần phải làm rõ căn cứ tính giá điện sẽ dựa vào kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước. Cơ cấu giá điện cần quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn trong dự thảo luật để làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát. “Nhiều quốc gia cũng đã thực hiện việc công khai cơ cấu giá điện ngay trong hóa đơn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng kiểm soát được chi phí của mình khi sử dụng điện”. - ông Phan Xuân Dũng nói.
Quản lý khung giá điện nhằm tránh tình trạng áp giá độc quyền của công ty Điện lực
Xung quanh đề xuất bổ sung phí điều tiết điện lực, có ý kiến cho rằng, đó là hoạt động quản lý Nhà nước, phần lớn không cung cấp dịch vụ, do đó về nguyên tắc không được thu phí. Thêm nữa, việc quy định loại phí này cũng dễ làm gia tăng giá điện. Tuy nhiên, dẫn kinh nghiệm từ một số nước, Ủy ban KH-CN&MT nhất trí với hướng bổ sung loại phí này.
Thảo luận về Dự luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ĐBQH quan tâm đến các quy định về lưu vực sông, do đặc tính liên vùng của tài nguyên nước. Theo ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa), cần bổ sung quy định khi chuyển nước lưu vực sông, dự án phải lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư, vì hoạt động này tác động lớn đến đời sống nhân dân. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) kiến nghị làm rõ quan hệ giữa các bộ, ngành, các địa phương trong lưu vực sông liên tỉnh: “Nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường không làm tốt vai trò “cầm trịch” sẽ có mâu thuẫn về mục đích sử dụng nguồn nước”.
Đồng tình, ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) dẫn chứng, sông Cầu chảy qua 6 tỉnh, đang ô nhiễm ngày càng trầm trọng nhưng việc xử lý chưa đâu vào đâu do các địa phương phối hợp thiếu chặt chẽ. ĐB này nói: “Tiếp cận, giám sát các doanh nghiệp xả thải vào nguồn nước hết sức khó khăn. Có trường hợp trốn tránh, thậm chí cản trở cơ quan chức năng, báo chí và đại diện cộng đồng dân cư. Đề nghị quy định không được cản trở sự giám sát của các cơ quan chức năng, người dân dưới mọi hình thức”.