Thông tin trên được các trang Ceskatelevize.cz và Natoaktual.cz của Cộng hòa Séc đăng tải sau chuyến thăm tới Việt Nam của Bộ Trưởng Quốc phòng Alexandr Vondra.
Các nguồn tin dẫn lời Bộ Trưởng Quốc phòng Vondra cho hay, trong chuyến thăm vừa qua, phía Việt Nam đã bày tỏ muốn được Cộng hòa Séc giúp cải thiện năng lực chiến đấu của lực lượng mặt đất và lực lượng không quân. "Có thể có những đơn đặt hàng thú vị", Bộ trưởng Quốc phòng Vondra chia sẻ với Natoaktual.
Natoaktual còn dẫn lời của Bộ trưởng Vondra cho hay, các công ty Séc có thể mở văn phòng tại Việt Nam. Một nửa triệu quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, gồm lực lượng lục quân và không quân có thể được Séc giúp đỡ hiện đại hóa.
Quân đội Việt Nam đang sử dụng một số lượng lớn vũ khí và các trang thiết bị kỹ thuật có xuất xứ từ Nga, những vũ khí này đã và đang được Quân đội Séc sử dụng.
Sau các cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, ông Vondra nhận xét: "Việt Nam là một đối tác rất triển vọng, họ có lực lượng quân đội mạnh nhưng cần được hiện đại hóa".
Hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ để tạo ra một khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, truyền thông Séc tiết lộ.
Những lĩnh vực triển vọng
Theo ông Vondra, Séc có thể cung cấp các công nghệ được bảo mật để hiện đại hóa các phương tiện trang bị cho không quân và lục quân Việt Nam.
Việt Nam đang sử dụng hàng nghìn xe bọc thép các loại, gồm xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và BMP-2, nhưng đã lỗi thời, cần được thay thế, sửa chữa thiết bị. Séc sẽ giúp hiện đại hoá lực lượng này cho Lục quân Việt Nam.
Ngoài ra, các công ty của Séc có thể tham gia vào việc hiện đại hóa các loại vũ khí nhỏ cho Việt Nam như nâng cấp súng Kalashnikov AK-47 lên chuẩn súng tiểu liên Vzor 58 của Séc, có tính năng hiện đại hơn.
Các chiến xa bộ binh BMP-1, BMP-2...của Lục quân Việt Nam sẽ được nâng cấp trong thời gian tới.
Natoaktual cũng cho biết, công ty quốc phòng Séc có khả năng hợp tác với Việt Nam về việc chế tạo mặt nạ cho các đơn vị phòng hóa của quân đội
Như vậy, với việc biên bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật quân sự đã được ký kết giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, trong tương lai gần, cùng với Hải quân và Không quân, Lục quân Việt Nam sẽ được hiện đại hóa với tốc độ nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về không quân, Việt Nam đang sử dụng 20 máy bay huấn luyện chiến đấu hạng nhẹ L-39 do công ty Aero Vodochody sản xuất, vì vậy, Séc sẽ dễ dàng cung cấp linh kiện và hiện đại hoá các máy bay loại này.
Còn công ty sửa chữa máy bay Malesice có thể cung cấp phụ tùng, thực hiện sửa chữa và hiện đại hóa các trực thăng dòng Mil và Kamov đang có trong biên chế Không quân Việt Nam.
Vũ khí “công nghệ cao”
Hôm 29/3, Đài truyền hình CT (Séc) loan tin, mục đích chính chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Vondra rất rõ ràng - bán vũ khí của Cộng hòa Séc.
Ngày 29/3, trang mạng Bộ Quốc phòng Séc dẫn lời Bộ trưởng Alexandr Vondra cho biết, Cộng hòa Séc sẽ xuất khẩu sang Việt Nam các vũ khí công nghệ cao. Theo đài CT, nổi trội nhất là VERA, hệ thống radar giám sát thụ động tiên tiến nhất thế giới, có thể phát hiện ra các máy bay tàng hình của Mỹ.
VERA cùng với Tamara và Kolchuga là các hệ thống radar thụ động phát hiện máy bay tàng hình tiên tiến nhất thế giới hiện nay.
Năm 2004, Mỹ từng gây áp lực để Cộng hòa Séc không bán cho Trung Quốc hệ thống này.
“Không có gì ngăn cản việc chúng tôi bán vũ khí công nghệ cao cho Việt Nam. Chúng tôi sẽ giúp Việt Nam có được hệ thống VERA”, Bộ trưởng Vendra nói với đài CT.
Việc ký kết hợp đồng đang được thực hiện, nhưng sẽ mất không ít thời gian, nguồn tin cho hay.