Ngày 9/12, UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chi trả tiền đền bù cho các hộ dân ở xã Sơn Long có đất nằm trong khu vực xây dựng thủy điện Đắkdrinh.
Chực chờ giật tiền
Ngay từ đầu giờ chiều 9/12, nhiều chủ nợ đã tập trung trước trụ sở UBND huyện Sơn Tây để chờ những người dân từng mượn tiền của họ mua xe máy, điện thoại hay tivi… nhận tiền đền bù ra nhằm đòi “nóng”. Tuy nhiên, không như ở 2 lần trả tiền đền bù trước, việc hỗn chiến giành giật tiền giữa người dân và chủ nợ đã không xảy ra. Hơn 70 chiến sĩ công an, dân quân tự vệ được điều động đến bảo vệ và hộ tống người dân về tận nhà.
Dự án thủy điện Đắkdrinh khởi công vào tháng 1/2011, công suất 125 MW, tổng mức đầu tư 3.423 tỉ đồng. Theo kế hoạch, tổ máy 1 sẽ phát điện vào tháng 9/2013 và đến tháng 122013 sẽ phát điện tổ máy 2. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tổ máy nào vận hành.
Thượng tá Đinh Quang Ven, Trưởng Công an huyện Sơn Tây, cho biết trước khi chi trả tiền đền bù, công an đã rà soát các trường hợp có tranh chấp, mua bán đất, vay mượn... và giải quyết ngay để ngăn chặn việc giành giật tiền đền bù. Do đó, ở buổi trả tiền đền bù lần này, người dân không phải rơi vào cảnh tiền cầm chưa ấm tay đã mất trắng.
Ông Đinh Văn Hoan cho biết: “Gia đình tôi có mượn hơn 10 triệu đồng để mua tivi và sắm sửa ít đồ trong nhà khi hay tin sẽ nhận được tiền đền bù đất. Mượn tiền thì khi có tiền sẽ trả thôi nhưng chủ nợ lại tới tận nơi giật hết tiền. Giờ thì an tâm rồi, có cán bộ bảo vệ”.
Cũng tại buổi chi trả này, công an phát hiện một số trường hợp có dấu hiệu ăn chặn, cho vay nặng lãi lừa người dân ở xã Sơn Long. Trong đó, 1 chủ nợ cho mượn 25 triệu đồng nhưng đòi trả cả gốc lẫn lãi đến 80 triệu đồng.
Ăn nhậu, mua xe tay ga
Ông Phạm Hồng Khuyến, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Đắkdrinh lần này ở xã Sơn Long có 164 hộ với số tiền trên 69 tỉ đồng. Hộ nhận nhiều nhất trên 2 tỉ đồng, hộ ít nhất 200 triệu đồng.
Sau khi nhận tiền đền bù, người dân xã Sơn Long được công an, dân quân hộ tống về tận nhà
Theo ông Khuyến, dù tiền đền bù mỗi hộ dân nhận được khá nhiều nhưng việc giữ tiền, chi tiêu sao cho hợp lý là chuyện nan giải. Vì sợ người dân tiêu hết tiền, công an huyện, xã đã đi vận động từng người nên gửi tiền vào ngân hàng để tiết kiệm, lo cho những ngày không có đất sản xuất. Tuy vậy, ít người nghe theo lời khuyên.
“Phần lớn các hộ nhận tiền đền bù là người Cadong, nhận thức còn hạn chế, rất dễ bị kẻ xấu lừa gạt. Hơn nữa, thấy có tiền nhiều nên người dân chi tiêu, mua sắm rất phung phí… Vì vậy, dù tiền đền bù không hề ít nhưng nguy cơ đói nghèo vẫn chực chờ” - ông Khuyến lo lắng.
Lo ngại của ông Khuyến là có cơ sở khi trước đó, nhiều hộ dân ở các xã Sơn Liên, Sơn Dung của huyện Sơn Tây sau khi nhận tiền đền bù đã bắt đầu hưởng thụ. Nhiều gia đình tổ chức ăn nhậu thâu đêm suốt sáng. Nhiều chiếc xe tay ga trị giá cả trăm triệu đồng được người dân mua về. Trong khi đó, việc mua đất, trâu bò để canh tác; nhà cửa để ổn định cuộc sống hầu như không ai quan tâm.
* Cầm tiền tỉ nhưng coi chừng đói
Dự án thủy điện Đắkdrinh nằm ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và Kong Plong (Kon Tum). Có hơn 600 hộ dân ở huyện Sơn Tây bị ảnh hưởng dự án. Trong đó, số hộ phải di dời khỏi nơi ở cũ là gần 200.
Ông Đinh Kà Để, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây, cho biết toàn huyện có khoảng 570 ha đất bị ngập trong vùng lòng hồ thủy điện Đắkdrinh nên diện tích đất sản xuất của huyện bị hao hụt rất nhiều. Trong khi đó, có tiền, nhiều người dân bắt đầu tiêu xài lãng phí và không chịu đi làm.
“Từ khi nhận tiền đền bù, cuộc sống của hàng ngàn đồng bào Cadong thay đổi. Thế nhưng, kèm theo đó là bao hệ lụy khi người dân không còn đất sản xuất, không còn lên rừng, lên rẫy nữa... Họ cầm tiền tỉ nhưng lại đứng trước nguy cơ thiếu ăn, thiếu mặc” - ông Để trăn trở.