Siêu xe thăm dò trị giá 2,5 tỷ USD vừa đạt được bước tiến lớn khi trở thành thiết bị đầu tiên đo lượng bức xạ trên bề mặt hành tinh khác ngoài trái đất, mở ra cơ hội cho phép con người ghé thăm hành tinh Đỏ, láng giềng gần gũi nhất của địa cầu. Mức độ phóng xạ mà Curiosity vừa đo được trên bề mặt sao Hỏa cho thấy, con người hoàn toàn có thể tồn tại khá lâu trên bề mặt sao Hỏa chỉ với bộ trang phục chuyên dụng cho các phi hành gia.
Quan điểm trên được Don Hassler, chuyên gia tại viện nghiên cứu Tây Nam Boulder, thuộc Colorado, Mỹ đưa ra trong một cuộc họp báo cuối tuần trước. Theo đó, Hassler khẳng định: “Các phi hành gia hoàn toàn có thể sống trong môi trường này (môi trường sao Hỏa)”.
Sở dĩ, lập luận của Don Hassler được quan tâm đặc biệt bởi ông là chuyên gia đánh giá bức xạ (RAD) thuộc chương trình săn lùng sự sống trên hành tinh Đỏ mà siêu xe thăm dò Curiosity đang tiến hành trên sao Hỏa. RAD sẽ cung cấp những thông tin nhằm xác định chính xác điều kiện môi trường sao Hỏa, tạo cơ sở để các nhà khoa học dưới mặt đất chuẩn bị công nghệ và lên kế hoạch tới thăm người láng giềng của trái đất.
Kể từ sau khi đáp xuống bề mặt hành tinh Đỏ hồi tháng 8, hệ thống thiết bị đánh giá bức xạ đã hoạt động liên tiếp để so sánh với mức độ bức xạ trên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS, nơi các phi hành gia sống và làm việc bên ngoài không gian. Những thông tin gửi về cho thấy, bầu khí quyển sao Hỏa chỉ dày bằng 1% so với trái đất nhưng cũng đủ che chắn một phần hạt vũ trụ di chuyển với tốc độ cực nhanh. Số liệu đo đạc của Curiosity cho thấy, mức độ dày mỏng của khí quyển sao Hỏa làm tăng hoặc giảm từ 3 – 5% số lượng các hạt này mỗi ngày.
Những số liệu về mức độ bức xạ trên bề mặt sao Hỏa sẽ tiếp tục được siêu xe thăm dò thu thập trong suốt quãng thời gian 2 năm làm nhiệm vụ trên hành tinh Đỏ. Khi đầy đủ số liệu, các nhà khoa học dưới mặt đất sẽ xác định chính xác quãng thời gian mà các phi hành gia có thể tồn tại trên bề mặt sao Hỏa, để từ đó lên kế hoạch đổ bộ xuống hành tinh nằm gần trái đất nhất.