Tham gia chương trình, ngoài các vị khách mời quý đến từ Hà Nội, Quảng Bình, tại đầu cầu TP.HCM còn có bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang. Bà Nga là 1 trong 2 CEO Việt duy nhất lọt vào top 50 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất châu Á năm 2013 của Forbes.
1. Kể từ khi Đại tướng từ trần, hình ảnh nào, câu chuyện, hình ảnh nào về tình cảm của người dân đối với Đại tướng mà bà cảm động nhất? (Độc giả Thanh Mai, Hà Đông, Hà Nội)
Hình ảnh của những cụ già ngồi khóc, những em thiếu nhi nhỏ nhưng vẫn chen vào để có mặt. Nhất là lễ truy điệu, nhìn hình ảnh những người dân ở phía ngoài của nhà tang lễ, cô rất xúc động. Cô nghĩ lâu lắm rồi mới có hình ảnh như vậy!
2. Cô Nga ơi, cô cho cháu hỏi: người đàn ông Việt Nam cần học hỏi những điểm gì từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp? (Độc giả gửi từ Quảng Bình)
Cô nghĩ là không phải riêng người đàn ông mà tất cả những người khác đều phải học hỏi ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thứ nhất là sự hòa đồng, sống chân thành với mọi người.
Thứ hai là bản lĩnh. Bản lĩnh của người quyết thắng – điều này cần cho tất cả người Việt Nam đặc biệt là người đàn ông. Trong hoàn cảnh nào cũng phải rèn luyện những đức tính đó!
3. Cháu chào bác Nga, cháu được biết Dược Hậu Giang là một doanh nghiệp lớn nhưng khởi đầu khá khó khăn. Trong quá trình phát triển của công ty, những chiến lược chiến tranh tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có giúp ích cho công ty gặt hái được nhiều thành công như hôm nay? (Thu Thương – Thanh Trì – Hà Nội)
Chiến lược mà Dược Hậu Giang thành công nhất là lúc mình còn nhỏ, mình không đủ sức mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn nhưng mình dùng chiến lược “đánh du kích”, tìm những chỗ thị trường trống để thọc sâu vào đó, khai thác thị trường ngách, từ đó lớn dần lên.
Trong đấu tranh, bài học lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “đánh du kích”. Dược Hậu Giang cũng đã vận dụng được bài học này. Ngoài ra, để thành công được như ngày hôm nay, Dược Hậu Giang luôn nêu cao bài học về sự đồng tâm, đồng cam cộng khổ, khai thác được trí tuệ của người dân.
4. Thưa cô Nga, mấy ngày qua báo chí cũng dùng rất nhiều các mỹ từ nói về Đại tướng. Cháu có xem bộ phim tài liệu và cháu rất thích cách Bác nói chuyện với mọi người: “Bà con nông dân về đi cày đi, tôi phải về Hà Nội đây. Nói về các trận đánh thì nói cả ngày không hết nhưng các cháu nhỏ nhớ là không được đánh nhau đâu nhé” – Lúc đó, mọi người cười vang, rất gần gũi, ấm áp. Với riêng cô, cô thích nhất hình ảnh (bức ảnh) hoặc câu chuyện, lời nói nào của người anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp? (Vũ Luân, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Yên Từ, Ninh Bình)
Cái mà cô thích nhất là quyết tâm sắt đá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi kiên định với chiến lược chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” – Đó là điều mà cô thích nhất.
Ngoài ra, cô cũng thích việc Đại tướng chỉ nhận mình là “Đại tướng của Nhân dân”. Đó là 2 điều nổi bật làm nên tính cách của một người sống hết mình vì nhân dân, luôn cân nhắc sinh mạng, sự tiêu hao của lực lượng mình. Người quyết tâm “không trả giá” xương máu của anh em đồng bào, chiến sỹ bằng bất cứ giá nào. Qua đó cho thấy, Đại tướng luôn lấy nhân dân làm gốc, là một người học trò vĩ đại, xuất sắc của Bác Hồ.
5. Cô Nga ơi, cháu rất tò mò: Sinh viên như bọn cháu thì thể hiện tình cảm với Bác bằng cách thắp nến, xếp hàng hồi lâu để được vào viếng Bác. Còn với các doanh nhân, doanh nghiệp, cháu rất muốn biết, các cô thể hiện tình cảm của mình với Bác như thế nào ạ? (Thu Hiền, sinh viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội)
Thực ra hôm đó, dù là doanh nhân hay người dân, chắc chắn điều đầu tiên, ai cũng theo dõi các bài viết, các thông tin liên quan tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên báo đài để tự mình nhìn nhận lại mình.
Đối với doanh nhân như cô, là người từng đi kháng chiến, từng theo dõi bác Giáp từ khi còn sống, cô thể hiện tình cảm bên ngoài bằng cách cùng với cán bộ công nhân viên, lực lượng trẻ, cựu chiến binh đi tới một số địa điểm linh thiêng tại Cần Thơ để kính viếng Người.
Còn trong thâm tâm, một người doanh nhân như cô phải suy nghĩ làm sao để học hỏi những binh pháp của Đại tướng để vận dụng trong kinh doanh. Tự ngẫm lại bản thân, xem trong thời gian qua đã sống như thế nào, có xứng đáng hay không để từ đó điều chỉnh lại phong cách sống, lối hành xử và quan hệ với mọi người. Từ đó, lấy làm bài học để huấn luyện cho anh em cán bộ công nhân viên và các Đảng viên tại đơn vị mình.
6. Theo bà, tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên đặt ở đâu, Hà Nội, Quảng Bình hay Điện Biên? Chúng ta nên xây dựng hình tượng đài tướng Giáp trong hòa bình hay trong chiến trận? (Bạn đọc Vũ Như, Hòa Bình)
Cái này thì lớn lao quá nhưng nếu bạn hỏi suy nghĩ của tôi, theo quan điểm cá nhân thì tôi thấy ở Hà Nội là tốt nhất. Vì Hà Nội là Thủ đô, người dân trong nước hay bạn bè quốc tế đều có thể biết đến, dù đó không phải nơi sinh ra một huyền thoại – đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Còn Điện Biên mặc dù rất quý giá nhưng đường đi xa quá lại khó khăn nên không phải ai cũng trực tiếp lui tới được.
Tượng đài đặt ở Quảng Bình cũng tốt nhưng nơi đó cũng không phải là trung tâm. Nên nếu hỏi ý kiến cá nhân thì tôi nghĩ Hà Nội là tốt nhất.
7. Một số tướng lĩnh đã đề xuất: Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên trở thành bảo tàng Võ Nguyên Giáp? Ý kiến của bà về đề xuất này? (một độc giả giấu tên gửi về tòa soạn)
Tôi nghĩ đây cũng là ý tưởng hay. Vấn đề quan trọng là chúng ta trân trọng những cái mà tướng Võ Nguyên Giáp đã có, không nên làm những gì lớn lao quá, mất đi phẩm chất giản dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu cứ để đó, giữ nguyên vẹn thì sẽ phản ánh được những đức tính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nếu làm được như vậy, tôi cho là quá tuyệt vời!
8. Điều mà bà ngưỡng mộ nhất ở Đại tướng? (Hoàng Long – Hải Dương)
Tôi ngưỡng mộ nhất là cách cầm quân. Người ta hay nói “Thương trường là chiến trường”. Chính vì vậy, với vai trò là một tổng giám đốc, một Chủ tịch Hội đồng quản trị như tôi, việc cầm quân – không phải cầm quân đi đánh trận mà là cầm quân trên thương trường, cũng là một việc phải suy nghĩ và học hỏi rất nhiều.
Tôi ngưỡng mộ Người - một vị tướng vĩ đại nhưng lại có một lối sống giản dị, vừa có kiến thức uyên thâm, lại là một nhà văn, giỏi đàn hát và có nhiều năng khiếu khác.
9. Hiện nay, một số doanh nhân đang đề xuất đổi tên sân bay Nội Bài thành sân bay quốc tế Võ Nguyên Giáp. Bởi ở châu Âu, nước Pháp có sân bay quốc tế nổi tiếng Charles de Gaulle, mang nên vị tướng giải phóng dân tộc Pháp khỏi ách thống trị phát xít. Ở châu Á, Đài loan từng có sân bay quốc tế lớn nhất mang tên vị tướng lập quốc của họ, Tưởng Giới Thạch. Nước Mỹ cũng có sân bay J.F. Kennedy, tên một Tổng thống tổng tư lệnh đáng kính của nước Mỹ…. Là một người đi nhiều, biết nhiều, theo bà, điều đó có nên không? (Hải Hà, Ba Đình, HN)
Tôi nghĩ cái này hơi khó vì bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn Bác Hồ của chúng ta nữa. Cho nên, nếu đổi tên sân bay Nội Bài thành sân bay quốc tế Võ Nguyên Giáp, tôi nghĩ có thể Đại tướng không muốn như vậy!
Theo cá nhân tôi, tôi nghĩ chưa cần thiết phải đổi tên sân bay như vậy.
Trong tất cả các cách thể hiện tình yêu của người dân Việt đối với Đại tướng như đổi tên đường, đổi tên sân bay, dựng nhà bảo tàng,… mà báo chí đã tranh luận trong mấy ngày qua, thì tôi nghĩ xây dựng tượng đài là tốt nhất.
10. Theo bà, Việt Nam có cần có những phân tích, đánh giá để tổng kết và chuyển hóa tư tưởng, tinh thần của Đại tướng thành lý luận thực tiễn có thể áp dụng trong hoạt động kinh tế không? Trên cơ sở đó các DN có thể vận dụng một cách có hệ thống, phát huy hơn nữa sức mạnh của các DN Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế?
Như tôi cũng có nói ở trên, mỗi một doanh nhân mặc dù không cầm quân ra trận nhưng phải cầm quân ra thương trường, dù doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ đều phải là một vị tướng của đơn vị mình. Mà đã là vị tướng cầm quân thì phải học bài học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là những bài học tuyệt vời và gần gũi bởi nó dạy ta cách đánh như thế nào, giữ quân, giữ lực lượng ra sao, “lực lượng” ở đây có thể hiểu là vốn, là tài sản, là sức lao động của con người,...
Ngoài ra, phải đối nhân xử thế như thế nào để thu phục được công nhân viên để họ làm việc hết lòng, thu phục được người tiêu dùng. Điều đó đều có trong nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vì vậy, theo tôi, nên có một tài liệu nghiên cứu, phân tích, liệt kê ra những tư tưởng, tinh thần của Đại tướng thành lý luận thực tiễn có thể áp dụng trong hoạt động kinh tế, càng sâu sát bao nhiêu thì doanh nhân – những người làm kinh tế càng nhận được sự hữu ích bấy nhiều. Bởi những người cầm quân trên thương trường rất cần những kiến thức đó.
11. Thời buổi kinh tế thị trường, khi cảm xúc của con người dường như chai sạn, nhìn hình ảnh các bạn trẻ trong dòng người đổ về nhà Đại tướng tưởng niệm, bà có cảm nghĩ gì? (Hà Vân – Vĩnh Phúc)
Tôi có 2 suy nghĩ. Thứ nhất, tôi hay nói với cán bộ công nhân viên là: Dân chưa quay lưng lại với Đảng. Bởi lâu lắm rồi mới thấy một hình ảnh người dân tự giác, đưa tiễn đám tang của một vị tướng mà người đó là thế hệ học trò của Bác Hồ. Như vậy có nghĩa là họ rất quý mến với tất cả tấm lòng thành kính.
Đặc biệt là các thế hệ trẻ, lâu lắm rồi, chúng ta cứ nghĩ: Thế hệ trẻ là không quan tâm tới lịch sử, không quan tâm tới thế hệ người đi trước, nhưng đây là một minh chứng cho thấy: thế hệ trẻ vẫn quý trọng truyền thống, vẫn quý trọng những tầng lớp thế hệ cha ông đã đi qua. Đây là bài học tốt nhất cho thế hệ trẻ, học bằng thực tế, học bằng trái tim của họ.
Vì vậy, tôi nghĩ, trái tim, tấm lòng của thế hệ trẻ vẫn hướng về thành quả những người đi trước, hay chính là những tấm gương như Võ Nguyên Giáp vẫn là thần tượng của họ trong cuộc sống. Chứ không phải như chúng ta vẫn nghĩ, giới trẻ chỉ biết đua đòi, ăn chơi. Chính ra, đây là cách giáo dục tốt nhất cho thế hệ trẻ.
12. Có thể nói, quyết định được coi là lớn nhất trong cuộc đời của tướng Võ Nguyên Giáp là chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc" trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến lược này được Dược Hậu Giang vận dụng như thế nào trong thời bình?
Bản thân Dược Hậu Giang trong suốt thời gian qua đã có lúc có đủ điều kiện để lên thị trường mua chứng khoán để lời nhanh, có nhiều hình thức kinh doanh để kiếm lợi nhuận lớn. Nhưng lúc nào chúng tôi cũng tâm niệm là phải “ăn chắc mặc bền”, phải đưa ra thị trường những thương hiệu, những sản phẩm tốt nhất, có thể ban đầu chưa được người tiêu dùng chấp nhận nhưng khi sử dụng, họ chứng minh được chất lượng thì họ sẽ trung thành sử dụng.
Vì vậy, với chiến lược “đánh chắc, thắng chắc”, Dược Hậu Giang suốt thời gian qua đã sử dụng rất nhiều, ví dụ như việc đã đưa ra thị trường thì những sản phẩm đó phải chất lượng, phải có uy tín. Và tới bây giờ, chúng tôi đã thắng rồi! Dược Hậu Giang đã trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong ngành công nghiệp dược phẩm, đã nổi tiếng trong thương trường với uy tín sản phẩm.
13. Phát huy tinh thần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà và doanh nghiệp bà đã và sẽ có những cống hiến gì cho đất nước, cho nhân dân?
Dược Hậu Giang được thành lập từ trong kháng chiến. Và bản thân tôi cũng đã được dân nuôi nhiều, nên mới có một Phạm Thị Việt Nga như bây giờ. Vì vây, tôi nghĩ phải làm tất cả những gì có thể cho nhân dân. Dược Hậu Giang luôn lấy giá trị cốt lõi là vì cộng đồng làm khởi sự cho mọi hoạt động kinh doanh của mình
Do vậy, các hoạt động cộng đồng, từ thiện vì dân luôn là tiêu chí đưa lên hàng đầu trong mọi quyết định của công ty. Đó là lý do tại sao Dược Hậu Giang đến nay không chỉ thành công trên thương trường mà còn có được rất nhiều cảm tình trong cộng đồng xã hội.
14. Chào bà Phạm Thị Việt Nga, nhiều người có ý kiến rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi thì thế hệ hiện nay sẽ không còn bất cứ vị lãnh đạo nào có thể lấy được nhiều nước mắt của người dân nữa. Theo bà ý kiến này có đúng không?
Bây giờ rất khó có thể trả lời được câu này. Bởi vì cho tới giờ phút này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thứ 2 sau Bác Hồ mang đi nhiều nước mắt của người dân đến như vậy! Nhưng biết đâu, lịch sử sẽ lặp lại. Điều đó chưa thể nói trước.
15. Trong bức thư cuối cùng, Đại tướng gửi Doanh nhân VN có đoạn viết: “Mong rằng các đồng chí sẽ giữ vững ý chí vươn lên theo tinh thần luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn... không ngừng mở rộng tầm nhìn, phát triển thị trường, xây dựng doanh nghiệp vươn tới trình độ khu vực và quốc tế trong thời đại Hồ Chí Minh, xứng danh với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc”. Là một trong 2 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á, cô đã và đang thực hiện mong mỏi của Đại tướng như thế nào?
Trong kinh doanh, chúng tôi có giá trị cốt lõi là tạo lợi thế cạnh tranh bằng sự khác biệt. Tức là những gì họ chưa làm thì mình phải làm, cái mà người ta chưa nghĩ tới thì mình nghĩ tới.
Ví dụ như thời gian qua, Dược Hậu Giang đã xây dựng một hệ thống bán hàng trên toàn quốc, có mặt ở khắp mọi miền cả nước, đó là điều mà các doanh nghiệp dược khác chưa làm. Hoặc Dược Hậu Giang là đơn vị đầu tiên bán được thương hiệu của mình cho một tập đoàn nước ngoài với giá 6 triệu đô.
Đó là những gì mà Dược Hậu Giang đã làm để chứng minh rằng: Một là mình dẫn đầu, hai là có khác biệt. Vận dụng thư của tướng Giáp. trong hoàn cảnh, vị thế của mình, Dược Hậu Giang đã đạt hiệu quả.
16. Buổi giao lưu của chúng ta có tựa đề là “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân”. Vậy theo bà, những người lãnh đạo sau này cần làm thế nào để dân yêu, dân quý, dân tin?
Để được dân yêu, dân quý, dân tin, tôi nghĩ các vị lãnh đạo phải nhớ câu nói của Bác Hồ và luôn tâm niệm làm theo nó thì sẽ đạt được nguyện vọng, đó là câu: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.
Cứ nghĩ đúng theo định hướng đó, nghĩ rằng muốn thành công phải có dân, tất cả mọi hoạt động đều theo suy nghĩ vì dân - từ tận đáy lòng mình. Đó là điều mà tôi học sâu sắc từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và có thể nói, đó cũng là bài học mà Bác Hồ đã dạy cho chúng ta. “Lấy được lòng dân” - Tôi tin đó là sự thành công nhất của một doanh nhân.