BCC: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK Vietcombank (VCBS)
Trong nửa đầu năm 2014, kết quả kinh doanh của BCC tương đối kém khả quan so với kỳ vọng. Doanh thu thuần đạt 2.107,80 tỷ đồng (+16,25% so với cùng kỳ năm ngoái; 50,60% kế hoạch) với biên lợi nhuận gộp vẫn được duy trì quanh mức 21-22%. Mặc dù vậy, lợi nhuận trước thuế của BCC lại giảm hơn 14% so với cùng kỳ, đạt 44,1 tỷ đồng (28% kế hoạch).
Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm này do chi phí bán hàng tăng lên tới 136,5 tỷ đổng (+90% so với cùng kỳ năm ngoái) từ việc siết tải trọng khiến chi phí vận tải gia tăng. BCC thanh toán chi phí vận chuyển xi măng và clinker từ nhà máy tới địa điểm giao hàng cho Vicem, và ghi nhận chi phí này vào khoản mục "Chi phí bán hàng".
Một yếu tố khác ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2014 của BCC là chênh lệch tỷ giá, khiến chi phí tài chính nửa đầu năm 2014 tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 208 tỷ đồng. Trong đó, phân bổ lỗ tỷ giá hối đoái của hoạt động Đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 73,9 tỷ đồng (+99% so với cùng kỳ năm ngoái). BCC sẽ tiếp tục phân bổ khoản lỗ này tới hết nửa đầu năm 2015 với lộ trình dự kiến 73 tỷ đồng cho nửa cuối năm 2014 và 70 tỷ đồng cho nửa đầu năm 2015.
Tính đến thời điểm hiện tại, BCC còn nợ xấp xỉ 46 triệu Euro. Kể từ cuối tháng 6 tới nay, tỉ giá bình quân EUR/VND đã giảm mạnh từ 28.990VND/EUR xuống 27.932VND/EUR. Điều này có thể đem lại hơn khoảng 48,7 tỷ đồng doanh thu tài chính nhờ chênh lệch tỷ giá cho công ty trong quý III/2014 do công ty phải đánh giá lại số dư cuối kì của các khoản nợ phải trả dài hạn bằng ngoại tệ.
Bên cạnh đó, BCC vẫn còn động lực tăng trưởng nhờ hoạt động của công ty con CTCP Xi măng miền Trung. Trong nửa đầu năm 2014, sản lượng của công ty khá khiêm tốn khi chỉ đạt hơn 20.000 tấn/tháng. Trong nửa cuối năm 2014, sản lượng tiêu thụ tại miền Trung dự kiến sẽ đạt 30.000 tấn/tháng, qua đó đảm bảo hoàn thành kế hoạch tiêu thụ 350.000 tấn xi măng trong năm 2014 .
Lũy kế tới hết tháng 8/2014, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa của BCC đạt khoảng 2 triệu tấn (chưa tính clinker và một số sản phẩm khác). Chúng tôi dự phóng BCC sẽ có lợi nhuận trước thuế khoảng 83,8 tỷ đồng trong quý III/2014 và hoàn thành kế hoạch 2014, chủ yếu nhờ doanh thu tài chính tăng do lãi tỷ giá. EPS 2014 dự báo khoảng 1.568 đồng, giá mục tiêu khoảng 114.000 đồng. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu BCC.
BTS: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK Vietcombank (VCBS)
Trong nửa đầu năm 2014, kết quả kinh doanh của BTS kém khả quan so với kì vọng. doanh thu thuần chỉ đạt 1.361,5 tỷ đồng (+2,5% so với cùng kỳ năm ngoái; 30% kế hoạch) trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 8,8 tỷ đồng (10% kế hoạch). Những con số kém ấn tượng này chủ yếu do vấn đề tải trọng gây ảnh hưởng tới kế hoạch tiêu thụ xi măng của BTS.
Theo đó, cước tải trọng đã tăng lên đáng kể khiến các nhà phân phối của BTS phải tăng giá bán xi măng. Tính tới giữa tháng 8/2014, BTS chỉ bán được hơn 1,3 triệu tấn xi măng, chủ yếu ở thị trường Hà Nội. Đại diện công ty cho biết, công ty dự kiến sẽ điều chỉnh lại kế hoạch năm trong tháng 1 năm nay.
Chúng tôi kì vọng trong 6 tháng cuối năm, BTS sẽ có động lực tăng trưởng rất tốt nhờ những diễn biến giảm giá của đồng EURO. Theo đó, hiện dư nợ EURO của BTS là hơn 45,33 triệu EURO. Kể từ cuối tháng 6 tới nay, tỉ giá bình quân EUR/VND đã giảm mạnh từ 28.968VND/EUR xuống 27.318 VND/EUR. Điều này có thể đem lại hơn khoảng 74,8 tỷ đồng doanh thu tài chính nhờ chênh lệch tỷ giá cho công ty trong quý III/2014 do công ty phải đánh giá lại số dư cuối kì của các khoản nợ phải trả dài hạn bằng ngoại tệ.
BTS vẫn đang trong thời kì gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về dòng tiền do sản lượng tiêu thụ xi măng vẫn ở mức thấp. Dự án nâng cao năng suất lò nung dây chuyền 1 và dự án tận dụng Nhiệt khí thải của Nhật (tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng) vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu và thiếu vốn để triển khai.
Trong khi đó, dự án dây chuyền sản xuất gạch không nung hiện mới bán được hơn 6 triệu viên kể từ đầu năm (trên tổng công suất là 31 triệu viên/năm) do chưa phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Việt Nam. Mặc dù vậy, đây là những nhân tố đáng quan tâm của BTS nếu công ty vượt qua được thời kì khó khăn này.
Với diễn biến tỷ giá như hiện tại, chúng tôi dự phóng doanh thu thuần 2014 của BTS sẽ không hoàn thành kế hoạch khi chỉ đạt 3.034 tỷ đồng (93% kế hoạch) nhưng lợi nhuận sau thuế sẽ vượt kế hoạch đạt 152,24 tỷ đồng. EPS forward đạt 1.396 đồng, P/E forward đạt 4,3 lần. Giá mục tiêu của BTS khoảng 11.000 đồng/cp. Mặc dù vậy, BTS có thanh khoản khá thấp trên sàn HNX. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu BTS.
CNG: Cổ phiếu tốt đáng quan tâm
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Doanh thu tăng do sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2014 tăng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 CNG ước đạt 510,7 tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khí tiêu thụ của CNG ước đạt 33 triệu Sm3, tăng khoảng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái do có thêm một số khách hàng mới.
Tuy nhiên, giá bán khí trung bình không thay đổi nhiều đứng ở mức 18,6 USD/mmBTU. Công ty lý giải việc không tăng giá bán khí là nhằm duy trì sự cạnh tranh của CNG với các nguồn nguyên liệu khác. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 22,4% gần như không thay đổi so với 2013.
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 giảm do chi phí hoạt động tăng. Chi phí hoạt động tăng đáng kể trong kỳ với tỷ lệ chí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu mở rộng từ 6,1% lên 9,8%. CNG cho biết chi phí hoạt động tăng một phần là do thay đổi cách hạch toán các chi phí trong kỳ.
Ngoài ra, trong quý II/2014, CNG ghi nhận lỗ từ hoạt động khác 7,9 tỷ đồng (so với cùng kỳ chỉ 637 triệu đồng) chủ yếu là do phạt thuế nộp chậm phát sinh trong kỳ là 7,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 của CNG do đó giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 53,9 tỷ đồng.
Sức khỏe tài chính tốt. Tỷ lệ nợ /Vốn CSH rất thấp chỉ khoảng 15,8%. Khả năng chi trả lãi vay khoảng 17 lần - khá an toàn. CNG cho biết lãi suất vay VND trung bình của công ty khoảng 10%. CNG luôn duy trì vị thế tiền mặt ròng và luôn tăng trưởng ổn định từ 2007. Đến cuối quý II/2014 CNG vị thế tiền mặt ròng đạt 352,8 tỷ đồng, tăng 12,5% so với quý truước.
Mở rộng 42,9% công suất. CNG tự tin cho biết trong thời gian tới nhu cầu tiêu thụ khí cả nước sẽ tăng khoảng 10%/năm do kinh tế tăng trở lại. Trong năm 2013, CNG tiêu thụ được 63 triệu Sm3 khí, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 90% công suất thiết kế năm 2013.
Chính vì vậy, trong năm 2014, CNG tiếp tục mở rộng Nhà máy sản xuất CNG tại KCN Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên. Cụ thể, CNG đã đầu tư 1 máy nén khí với tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng nhằm nâng công suất thiết kế của nhà máy từ 70 triệu Sm3 lên 100 triệu Sm3, tương đương tăng khoảng 42,9%.
Lợi tức cổ tức hấp dẫn. CNG cho biết sẽ duy trì mức chi trả cổ tức với tỷ lệ 35% mệnh giá cho 2014 và các năm tới, tương ứng lợi tức cổ tức 9,3%. Đến cuối quý III/2014, CNG duy trì lượng tiền và tương đương tiền là 352 tỷ đồng, tương đương hơn 13.000 đồng/cp (sau khi trừ chi phí đầu tư máy nén và chi trả phạt thuế còn khoảng 9.000 đồng/cp). Ngoài ra, tỷ lệ chi trả cổ tức/EPS khoảng 68% là tương đối phù hợp do CNG không có dự án lớn nào để đầu tư trong 2 năm tới.
Định giá tương đối thấp. CNG đang được giao dịch tại P/E 2015 là 6x so với trung bình ngành là 11,3x. Chúng tôi cho rằng CNG là cổ phiếu có cơ bản tốt và đáng quan tâm trong dài hạn.
VNM: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Lợi nhuận quý III dự kiến sẽ cải thiện mạnh nhờ giá nguyên liệu giảm. So với mức đỉnh của tháng 2/2014, giá nguyên liệu đầu quý 3 giảm 30% và hiện nay đã giảm 46%, nên kết quả của quý III và quý IV của Vinamilk sẽ có nhưng thay đổi tích cực về biên lợi nhuận. Doanh thu quý III/2014 ước tính đạt 9.851 tỷ đồng tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 1.780 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tương ứng, ước tính cả năm 2014, doanh thu công ty đạt 37.393 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 6.695 tỷ đồng. So với kế hoạch, Công ty hoàn thành 101% về doanh thu và 111% về lợi nhuận.
Nguyên liệu giá thấp sẽ tạo cơ hội để VNM tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2015. Tính đến cuối quý 1/2014, thị trường sữa thế giới xảy ra tình trạng dư cung. Sản lượng sữa tại 3 nước, có sản lượng xuất khẩu chiếm 65% tổng sản lượng xuất khẩu sữa và các sản phẩm của toàn cầu, là Newzealand, EU và Mỹ đều tăng.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tại hai quốc gia có sản lượng sữa nhập khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Nga lại giảm. Ở Trung Quốc sau các tháng nhập khẩu tăng mạnh, tồn kho hiện nay của nước này đang ở mức cao do đó nhu cầu nhập khẩu trong các tháng gần đây sụt giảm.
Ở Nga, quyết định không nhập thực phẩm và nông sản trong đó có sữa từ các thị trường Mỹ, EU trong vòng 1 năm đã làm cho EU mất đi một thị trường xuất khẩu sữa quan trọng. Các yếu tố này đã tác động không nhỏ đến giá sữa nguyên liệu.
Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng còn khá lớn, khi mức tồn kho giảm xuống Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu sữa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước đang ngày càng tăng. Do đó, tình trạng dư cung hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời, dự báo trong các tháng cuối của năm giá sữa có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ nhưng sau đó sẽ tăng trở lại vào quý I/2015.
Với dự báo về xu hướng giá sữa sẽ phục hồi vào năm sau và Vinamilk có một chính sách dự trữ nguyên liệu hợp lý, chúng tôi kỳ vọng năm 2015 Công ty sẽ có những kết quả lợi nhuận rất tốt. Doanh thu năm 2015 dự phóng tăng khoảng 8% và lợi nhuận gộp biên sẽ tăng đạt khoảng 36%. Cụ thể doanh thu ước tính là 40.341 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 7,877 tỷ đồng tăng 17,6% so với 2014.
Tăng cường hợp tác để phát triển nguồn cung nguyên liệu trong nước. Trong tháng 9/2014, VNM đã ký kết hợp đồng hợp tác với tập đoàn Đức Long Gia Lai. Theo đó, VNM sẽ hỗ trợ toàn diện cho DLG để phát triển lĩnh vực chăn nuôi bò sữa bao gồm tư vấn thiết kế chuồng trại, cung cấp giống và bao tiêu thu mua sữa từ dự án. Còn trong ngắn hạn sữa bột nhập khẩu vẫn là nguôn nguyên liệu chính cho Vinamilk. Việc đầu tư vào Miraka cũng như thành lập một công ty con tai Ba Lan để tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào ngành sữa tại Châu Âu sẽ giúp Công ty đa dạng hóa nguồn cung cấp sữa với chất lượng và giá cả tốt hơn.
Chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam, với giá mục tiêu là 132.000 đồng/cp. Tại mức giá giao dịch 107.000 đồng/cp ngày 18/09, PE forward ở mức 16 lần trên ước tính EPS 2014 và 13,6 lần trên dự phóng EPS 2015. Về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, VNM là cổ phiếu khá an toàn cho việc đầu dài hạn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá triển vọng của VNM trong ngắn hạn nhờ những thuận lợi về giá nguyên liệu. Ước tính PE forward trên EPS 2015 chỉ ở mức 13,6 lần là mức rất hợp lý so với bình quân PE của các doanh nghiệp ngành thực phẩm có quy mô như VNM trong khu vực.
HAG: Sẽ hoàn thành kế hoạch năm
CTCK MB (MBS)
Hoạt động kinh doanh của HAG trong 6 tháng đầu năm 2014 có nhiều tín hiệu khả quan. Chúng tôi đánh giá HAG đang đi đúng hướng với chiến lược trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với lĩnh vực ngành cao su, đến 6 tháng cuối năm 2014 Công ty có 44,500 ha (đã trồng xong năm 2013) và có một phần diện tích có thể khai thác. Trong giai đoạn giá mủ cao su thấp, HAG sẽ giảm bớt tiến độ khai thác để dưỡng cây.
Đối với lĩnh vực mía đường, Công ty đã trồng 8,000 ha, chuẩn bị thu hoạch từ tháng 11/2014, mục tiêu năng suất tối thiểu 120 tấn mía cây/ha và trữ đường tối thiểu 10%.
Đến ngày 30/06, HAG đã trồng 17,300 ha cọ dầu, lứa cọ dầu đầu tiên có thể bắt đầu thu hoạch từ tháng 2/2015. Công ty cũng đang xây dựng nhà máy ép dầu cọ tại Campuchia để chuẩn bị cho công tác thu hoạch và chế biến.
Dự án bất động sản tại Myanmar của HAG đã xây đến tầng 11. Công ty đặt kế hoạch đưa dự án vào vận hành trong quý 2 năm 2015. Chúng tôi đánh giá cao dự án này khi mặt bằng giá cho thuê văn phòng tại Myanma vẫn ở mức cao.
Trong 6 tháng đầu năm, HAG đạt lãi trước thuế 703 tỷ đồng. HĐQT HAG dự kiến cả năm công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1,460 tỷ đồng.