Kỳ cuối: Mối tình với NSND Năm Châu: Một đời đuổi bắt
Cô Bảy Phùng Há thông minh, xinh đẹp, nên chẳng bao lâu sau khi về gánh Tái Đồng Ban thì cô được nắm vai đào chánh, hát xứng với kép Năm Châu. Tình yêu giữa cô đào xinh đẹp và anh kép tài hoa vừa chớm nở thì cô bất ngờ đi lấy chồng. Để từ đó, họ bao lần trùng phùng mà duyên phận cứ lỡ làng…
Những cuộc tình từ cái nợ hồng nhan
Cuộc hôn nhân giữa cô Bảy và Tư Chơi đổ vỡ, Năm Châu chưa kịp ngỏ lời thì cô đã về làm vợ Bạch công tử. Năm Châu buồn khổ, cũng tìm một bến đỗ. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng chóng vánh kết thúc.
Sau cuộc tình “oán khổ lưu ly” với Bạch công tử, năm 1940, cô Bảy kết hôn với kỹ sư Nguyễn Hữu Bửu, đồng thời là một đại điền chủ ở Trà Vinh. Hai người cùng sống với các con cháu: Bửu Chánh (con gái của cô Bảy với nghệ sĩ Tư Chơi) đã rước từ Trung Quốc về với tên Lý Bửu Trân, Nguyễn Long, Nguyễn Khánh, Lili, Nam Hùng (con nuôi) và vài người cháu khác trong một ngôi nhà ở quận Gò Vấp. Thương cô Bảy, ông Bửu đã lập gánh Phụng Hảo cho cô. Khi Nhật đảo chính, tình hình biến động, gánh Phụng Hảo phải rời Sài Gòn lưu diễn ở các nơi: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long Điền, Phước Hải... bằng xe bò. Quá khó khăn, cuối cùng đoàn Phụng Hảo phải mướn một chuyến ghe đi cạnh theo mé biển về đến Mỹ Tho. Nhưng, tình hình căng đến mức gánh Phụng Hảo không hát được một suất nào và rã gánh tại Mỹ Tho. Thời gian sau thì ông Bửu và cô Bảy chia tay.
Lúc này, cô Bảy tái ngộ cố nhân là nghệ sĩ Năm Châu trong gánh Trần Đắc, trở thành cặp đào kép ăn ý và đẹp đôi nhất của sân khấu thời bấy giờ. Dường như giữa họ chỉ có duyên đào kép mà không có duyên vợ chồng. Bởi sau cuộc hôn nhân với người vợ đầu tan vỡ, nghệ sĩ Nam Châu đã kết hôn với nghệ sĩ Kim Cúc – một cô đào giản dị, chân thành và rất mực thuỷ chung. Tình yêu giữa nghệ sĩ Năm Châu và cô Bảy vẫn âm ỉ cháy, như vạt hương hé mở không cần gió cũng thoảng mùi. Điều đáng quý và đáng trọng là, dẫu yêu thương nhau nhưng ông và bà vẫn luôn giữ tình cảm ấy ở lằn ranh giới hạn tưởng chừng mong manh nhất. Họ mãi mãi yêu nhau qua những vai diễn, đắm say, nồng nàn trên sân khấu.
Để dứt khoát, cô Bảy đi bước nữa với ông Châu Văn Sáu – một chủ trang trại nuôi bò chuyên lấy sữa làm sữa tươi, bơ, kem cung cấp cho các nhà hàng, tiệm bánh lớn ở Sài Gòn (trại nuôi bò sữa của ông Sáu ở gần ngã bảy, sau này ở đó hình thành một cái chợ nhỏ mà người ta thường gọi là “chợ Chuồng Bò”) và lập lại gánh Phụng Hảo. Nghe tin ấy, nghệ sĩ Năm Châu đột ngột rời gánh, không một lời từ biệt. Ông nhờ người đưa lại cho cô Bảy lá thư ông viết vội 12 câu vọng cổ với những lời bi thương, ai oán... Ai yêu thương mà không mong được cùng nhau phối ngẫu? Ai nên duyên mà không mong phúc phần, đi với nhau đến cùng trời cuối đất, sáng được thấy mặt, ngày nghe tiếng nói, tối vang tiếng cười? Nhưng, biết là làm thế nào khi yêu đương là chuyện duyên chuyện nợ như cô Bảy từng nói: “cho dù có hiểu nhau, thương nhau đến mấy, cũng bằng không thôi, số phần đã vậy rồi…”
Mối tình ám ảnh lòng người
Trách sao con tạo thật khéo xoay vần, để cuộc đời cô Bảy và nghệ sĩ Năm Châu như trò cút bắt, luôn “so le” nhau. Nhưng tôi tin, trong mỗi bước đi, trong mỗi thăng trầm cô Bảy trải, vẫn có đôi mắt của ông dõi theo, xót thương, an ủi. Cũng như cô khi xưa đã quyết định dứt áo ra đi để giữ cho hạnh phúc của ông được vuông tròn. Không đến được với nhau, nhưng vẫn còn nghe được tên nhau, gặp nhau trong vai diễn hay trong cánh gà, len lén nhìn nhau, thấy tóc vẫn xanh, môi vẫn tươi, nụ cười vẫn thắm, được tin nhau khỏe mạnh, hay tin nhau hạnh phúc, biết trân trọng và níu giữ cho nhau những điều tốt đẹp nhất, không phải cũng là một cách yêu thương sao?
Năm 1959, đoàn Phụng Hảo lại tan rã tại rạp Thuận Thành Đakao. Sau đó ông Châu Văn Sáu và cô Phùng Há cũng chia tay. Năm 1963, cô Bửu Chánh (con cô Phùng Há và nghệ sĩ Tư Chơi) chết do căn bệnh ung thư máu. Để vơi buồn đau, cô Bảy sang Pháp thăm hai cháu ngoại là con của cô Bửu Chánh rồi lưu lại bên ấy 3 năm. Năm 1966, cô về nước, tối thì đi hát chầu cho đoàn ca kịch Năm Châu, ngày thì đi dạy cải lương cho Trường Quốc gia âm nhạc.
Tháng 5/1977, nghệ sĩ Năm Châu qua đời vì bạo bệnh. Cô Bảy hay tin, chạy vào nhà thương, vấp té liên hồi. Năm đó cô đã hơn 70, song vẫn trọn vẹn tư chất của một nghệ sĩ đa sầu, đa cảm, đa tình. Nỗi đau quá lớn khiến cô quên mất giới hạn gìn giữ bao năm. Cô khóc ngất, nắm vai ông lay gọi, nói như mê sảng: “Khoan, anh khoan đi. Anh có nghe không? Anh phải nghe tôi nói rồi mới yên lòng ra đi được. Tôi biết anh vẫn còn uất hận trong lòng. Sở dĩ tôi làm vậy... là vì anh, vì thương anh, thương vợ con anh. Giờ này... tới giờ phút này, tôi vẫn yêu anh.”
Chứng kiến cảnh ấy, không ai kìm được nước mắt. Cô Kim Cúc – vợ của NSND Năm Châu – nghẹn ngào, vỗ về cô Bảy: “Chị Bảy, trước khi xuôi tay nhắm mắt, ảnh còn gọi tên chị, hỏi chị ở đâu...” rồi bỏ lửng câu nói. Hai người đàn bà ôm lấy nhau khóc ngất, những người xung quanh lặng đi trước những tâm hồn lớn lao, đẹp đẽ. Phải yêu thương và đồng điệu lắm mới giữ được mối tình hàng nửa thế kỷ chưa phai, phải cao cả lắm mới nén hờn ghen, sẻ chia nỗi đau và an ủi người tình như cô Kim Cúc đã làm.
Ngẫm, có được mấy cuộc tình đẹp đẽ và cao thượng như thế trong đời sống vốn dĩ hữu hạn này?
Nhiều lời buông: “Nghệ sĩ sống sao dễ đổi thay”! Mấy ai hiểu đời đào hát như chiếc ghe chòng chành trên sóng nước. Nước xuôi đằng nào, ghe dạt đằng ấy. Mà cũng có khi, nước trôi một đằng, gió thổi một nẻo… Giữa mênh mông sóng gió, trách chi một kiếp bẽ bàng, hoa trôi? Bởi tất cả đều là phần số: “Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao…” |