Cố NSND Phùng Há – “Khách má hồng lắm nỗi truân chuyên” (Kỳ 2)

Yêu thương nào chớm nở mà không hân hoan, thống khoái, rạn vỡ nào mà không nhuốm sầu thương, bi lụy...

Kỳ 2: Mối tình với Bạch công tử: Thương yêu và uất hận

Chuyện tình Bạch công tử và cô Bảy Phùng Há đẹp rạng ngời lúc nhen nhóm, khiến người ta xuýt xoa, trầm trồ, ngưỡng vọng; cũng vì vậy mà bi ai, uất hận khôn cùng lúc tàn canh, khiến người ta không kìm được nước mắt…

Vinh hoa tột đỉnh

Khi cô Bảy về làm vợ Bạch công tử, cậu biểu cô thôi hát ở gánh thầy Năm và chấp nhận đền bồi gần 100 mẫu ruộng để thối giao kèo. Ngày cô rời gánh, cậu không cho mang theo bất kỳ một món gì, kể cả tư trang. Vừa về đến nhà, cậu cho thợ may, đo ni, mua lụa may cho cô 20 bộ đồ mới. Rồi cậu dẫn cô tới lò kim hoàn danh tiếng nhất Mỹ Tho để cô chọn nữ trang. Thấy cô tỉ mẩn ngồi lựa hột xoàn, cậu bước tới, hốt cả bụm tay, đưa cho chủ lò, biểu đếm bao nhiêu hột rồi tính tiền. Cô Bảy hết sức sửng sốt, thì cậu nói: hột nào không vừa lòng thì bỏ, chứ ngồi tỉ mẩn từng hột, mất thời gian!

Đúng như lời hứa, Bạch công tử lập cho cô Bảy một gánh hát, đặt tên là Huỳnh Kỳ. Thời đó, những gánh hát nhỏ, đi hát từ tỉnh này sang tỉnh khác, thường vận chuyển bằng xe bò, xe ngựa. Chỉ có những gánh lớn mới có tiền sắm ghe chài. Bạch công tử chịu chơi, mua lại ghe chài, có lầu, gắn máy nổ, lớn như cái nhà của ông đốc phủ Mầu (một đại điền chủ ở Mỹ Tho mua trọn cả Cù lao Năm Thôn và là cha vợ của Fancinhi - chủ khách sạn Continental). Ông phủ giàu nứt đố đổ vách, không chịu bán. Bạch công tử quyết mua cho bằng được, ra giá ngất ngưởng, ông Mầu cũng lung lay. Mua ghe chài xong, Bạch công tử cho trang hoàng lại như một tòa lâu đài nổi trên sông. Trước mũi ghe, công tử chơi ngông, cắm hai lá cờ tam sắc của chính quyền Pháp (xâm lược), nhỏ xíu bên là hai lá cờ vàng rất lớn – biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Việc này bị chính quyền thời đó làm khó dễ nhiều lần, nhưng Bạch công tử không chịu sửa mà vung tiền ra lo lót nên mọi thứ êm xuôi. Công tử còn sắm thêm 3 chiếc ghe chài nhỏ để vận chuyển đạo cụ, đồng thời là chỗ tá túc của anh em hậu đài, nhân viên phục vụ và… cả một đội bóng.

Dưới uy tín của cô Bảy Phùng Há, với tiền bạc của Bạch công tử, gánh Huỳnh Kỳ được trang bị hiện đại, quy tụ hầu hết nghệ sĩ tài danh thời đó: Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé… trở thành hiện tượng của cải lương thời bấy giờ. Nhờ lưu diễn bằng ghe nên những vùng chợ quê xa xôi như Vĩnh Kim, Cái Thia... gánh Huỳnh Kỳ đều đặt chân tới, tiếng tăm vang dội, lẫy lừng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Gánh diễn ở đâu, dân địa phương bơi xuồng túa ra nườm nượp coi đến đó, vây chật kín cả một khúc sông. Những vở tuồng: Giọt máu chung tình, Người đàn bà không tên, Sơn hà xã tắc, Kim tinh nương… lần lượt ra đời và ghi dấu trong lòng người hâm mộ.

Rạp hát Huỳnh Kỳ do Bạch công tử xây dựng sau bán cho chủ khác, đổi thành rạp Viễn Trường

Bạch công tử còn cho xây dựng rạp hát cùng tên bên cạnh tư dinh tại Mỹ Tho, trở thành “thánh đường” của sân khấu cải lương, đưa gánh Huỳnh Kỳ nói riêng và sân khấu cải lương nói chung đạt đến “thời hoàng kim” trong thập niên 1930.

Đớn đau khôn cùng

Cô Bảy làm đào chánh, chỉ biết say sưa với tuồng, còn Bạch công tử thì tánh phóng khoáng, lời lỗ không màng, cứ thiếu tiền là về Mỹ Tho bán đất, lấy tiền lấp vô gánh hát. Cô Bảy từng kể: “Cách bán đất của cậu không giống ai, không bao giờ đo diện tích bao nhiêu mà bán theo “mớ”, rồi làm giấy tờ sau. Người mua chỉ cần mang tiền đến chung đủ, cậu chỉ tay vào phần đất nào đó. Nếu người mua cảm thấy bị thiệt thòi, nói với cậu, cậu sẽ chỉ thêm một “mớ” nữa. Thông thường, người mua rất lời, vì mua được miếng đất rộng gấp bốn, năm lần số tiền phải bỏ ra.”

Như thế được 3 năm thì kinh tế gia đình bắt đầu sa sút, gánh Huỳnh Kỳ rệu rã. Bạch công tử càng ăn chơi hơn, chỉ lo hút sách, cờ bạc, gái gú, không màng gì đến tương lai. Cô Bảy khuyên thế nào cũng không được. Gần bảy năm chung sống với Bạch công Tử, cô Bảy có hai người con. Con trai đầu tên Paul Lộc, mất khi vừa lên hai do bệnh ban trắng. Lúc cô Bảy sinh con gái Suzane Lý là thời điểm gánh hát suy sụp. Mấy chiếc ghe chài hùng mạnh ngày nào giờ hư hỏng nằm chỏng chơ cạnh chợ cầu Ông Lãnh. Cận tết năm 1934, bé Lý bệnh nặng, trong cảnh khốn cùng, cô Bảy cho người đi tìm Bạch công tử, thì được tin cậu đang… hút thuốc phiện ở khách sạn Minh Tân. Cậu nhắn nếu cô không có tiền thì bán áo mão gánh hát mà xài, còn ghe chài thì cậu cầm cố hết rồi. Đêm đó, bé Lý mất… Có nỗi đau nào bằng việc nhìn những người thương yêu chết lần chết mòn trên tay mình? Hai người con từ lúc bệnh đến lúc chết đều không có Bạch công tử bên cạnh. Cả khi con mất, cậu cũng không thèm về nhìn mặt con lần cuối… Cô đào tài sắc một thời, kẻ đón người đưa, tay hầu tay hạ, nay phấn lạt son trôi, lẻ loi như chiếc ghe gánh hát mòn vẹt, cũ rách chòng chành trên sóng nước xô dạt. Biết là làm sao khi duyên đã cạn, tình đã dứt?

Chôn cất con xong, cô Bảy về nương nhờ người bà con bên ngoại một thời gian rồi gắng gượng trở về sân khấu, giấu tiếng khóc, tiếng cười sau cánh màn nhung. Quãng đời son trẻ, khi vui sướng tột cùng, lúc đớn đau tận cực, vai diễn phảng phất dư vị cuộc đời càng ngọt, tiếng vỗ tay càng giòn, nỗi đau càng cuộn xoáy, cái tên Phùng Há càng chói sáng hơn bao giờ hết… Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí, mỗi khi nhắc đến Bạch công tử, cô Bảy đều rơm rớm nước mắt. Ông đã nâng niu, chiều chuộng, mang lại cho bà tiếng cười ròn rã, hoan ca nhất khi hương lửa đượm nồng và cũng chính ông đã chà đạp, phá hủy những tháng ngày tươi đẹp ấy một cách tàn nhẫn nhất khi hương lạt, tình phai. Nhưng, dẫu có thế nào đi chăng nữa thì cuộc tình ấy, đã trở thành huyền thoại. Bởi nó nối liền hai con người có số phận đặc biệt, lừng lẫy một thời; bởi nó gắn liền với sự phát triển sâu rộng của sân khấu cải lương, và Bạch công tử chính là yếu nhân góp phần tạo nên diện mạo ấy.

Còn tiếp!...

Ngó sen dẫu bứt lìa vẫn còn vương tơ, huống chi một ngày nên nghĩa vợ chồng. Sau này, khi hay tin Bạch công tử gặp khó khăn trong việc nuôi bé Lili (con Bạch công tử và cô sáu Ngọc Sương), cô Bảy cho người đưa thư, xin nuôi. Năm 1999, nhờ sự giúp đỡ của một người quen, cô Bảy tìm đến thăm mộ người xưa. Một là một nấm đất nhỏ, không bia, gởi nhờ trên đất người bạn! Xót xa, cô Bảy đã dành một số tiền mướn người xây cho Bạch công tử ngôi mộ đá như hiện nay.