Theo lời kể của NSƯT Nam Hùng – con nuôi của NSND Phùng Há sau này – từ khi má cô Phùng Há có thai cô thì gia đình ngày càng “ăn nên làm ra” và sung túc. Nên, lễ thôi nôi cô cũng được ăn mừng lớn hơn các anh chị em khác. Trong lễ, gia đình có mời một ông thầy bói người Hoa đến xem tướng mạo cho cô, ông thầy xủ quẻ rằng: “Bé Phụng Hảo tương lai sẽ là một tài nữ được sống trong vinh hoa phú quý, nhưng lại nhiều khổ lụy trong cuộc tình”.
Kỳ 1: Rủi thay mang lấy sắc tài mà chi…
Từ ngả rẽ bất ngờ vào năm 1924, cô Bảy rời lò gạch, theo ông bầu Hai Cu về gánh Tái Đồng Ban học ca, học diễn. Cô xinh đẹp, lại thông minh, nên không lâu sau đã được nắm vai đào chánh của gánh. Năm 1926, khi ấy cô Bảy tròn 16 tuổi và đã vững vàng trên sân khấu, để đền đáp ơn nghĩa người giúp cô nên danh, má cô đứng ra gả cô cho nghệ sĩ Tư Chơi lừng lẫy ngón đàn. Cũng từ đấy, cô bước chân vào kiếp đoạn trường…
Chóng vánh tình đầu
Tư Chơi, tên thật là Huỳnh Thủ Trung - một nghệ sĩ tài năng, đẹp trai, đàn giỏi thời bấy giờ. Ngoài Việt văn, Pháp văn, ông còn giỏi Hán văn và là soạn giả của nhiều vở cải lương nổi tiếng sau này như Khúc oan vô lượng, Tội của ai… Đám cưới của cô đào nhan sắc Phùng Há, hát hay, diễn giỏi với nghệ sĩ Tư Chơi có ngón đàn điêu luyện là một cuộc ngẫu phối của đôi trai tài gái sắc. Thế nhưng, cuộc hôn nhân ấy chỉ vỏn vẹn kéo dài được 2 năm với những rạn nứt không gì có thể cứu vãn nổi dù hai người đã có với nhau một cô con gái. Đường đời hai ngả, người quen thành lạ, cô Bảy chỉ biết ngậm ngùi thương cho số kiếp của mình.
Nỗi đau tình đầu chưa nguôi thì cô Bảy đã phải đối mặt với hai nỗi mất mát lớn: bà ngoại và má cô lần lượt qua đời. Một thân một mình chơi vơi giữa dòng đời cuộn xoáy, sợ mãi diễn mà con cái không ai chăm nom, cô cắn răng, nén lòng gom góp tiền bạc đưa con gái Bửu Chánh qua Nam Vang (thủ đô Phnom Penh của Campuchia) nhờ chị Liên Hảo chăm sóc. Má mất, lại phải xa con, cô càng thấm thía nỗi cô độc, sự lẻ loi, trơ trọi của mình. Cô viết trong hồi ký: “Nhiều đêm sau những vai diễn hào nhoáng trên sân khấu, về nằm một mình trên chiếc ghe chài, nghe sóng vỗ vào mạn ghe oàm oạp, nghĩ về đời mình, tôi thấy sao gian truân quá…”
Đúng lúc ấy thì cơ duyên đưa đẩy cô Bảy gặp “cậu Tư” George Phước, người mà thiên hạ đồn đại, thêu dệt nhiều giai thoại ly kỳ với mỹ danh Bạch công tử.
Hạnh ngộ Bạch công tử
Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước (tự là Phước George) sinh năm 1901, quê ở Chợ Gạo, con của ông Lê Công Xủng - đốc phủ Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). Ông đốc có hàng ngàn mẫu ruộng cò bay thẳng cánh, hàng trăm tá điền, ghe bầu chở lúa gạo đậu chật cả một khúc sông, có cả một dãy phố mua bán cạnh chợ Mỹ Tho. Cậu tư là con trai duy nhất của ông đốc phủ với người vợ trước. Mười mấy tuổi, cậu được cha cho đi du học ở Pháp, gần 30 tuổi mới về nước, được ông bà đốc phủ giao cho quản lý gia sản. Sở dĩ cậu Tư được gọi là Bạch công tử bởi cậu có nước da trắng trẻo, thư sinh, khác với cậu Ba Huy ở Bạc Liêu, người có nước da ngăm đen, cũng nổi danh giàu có và ăn chơi nức tiếng, thiên hạ quen gọi là công tử Bạc Liêu hay Hắc công tử.
Cố NSND Phùng Há và con gái Bửu Chánh (đã mất) và cháu ngoại LiLi (hiện đang sống ở Canada).
Bạch công tử vốn mê đàn ca tài tử nên về nước, cậu cùng ông Nguyễn Ngọc Cương (cha của nghệ sĩ Kim Cương) lập gánh hát Phước Cương (tên ghép của hai người). Khắp Nam Kỳ lục tỉnh, hễ nghe tuồng nào hay là cậu tự lái xe đi coi. Nghe danh cô Bảy đã lâu, nên khi gánh hát thầy Năm Tú lên Sài Gòn diễn tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài tại rạp Moderne Cinema, số 212 đường d’Espagne, gần chợ Bến Thành, Bạch công tử đã tìm đến xem rồi đâm ra say mê luôn cô đào đóng vai Mạnh Lệ Quân. Vãn tuồng, cô Bảy bước ra cửa, định lên xe ngựa về thì đã thấy Bạch công tử chờ sẵn. “Cậu Tư mặc một bộ đồ veston trắng, tướng mạo rất lịch thiệp. Thời đó, đồ veston chỉ dành cho giới thượng lưu, nhưng cũng ít ai mặc. Dù nghe danh cậu lâu rồi, hôm gặp cậu, tôi hơi bất ngờ khi cậu đưa tay cho tôi bắt, bởi thời đó, việc bắt tay xã giao còn rất xa lạ.” – cô Bảy hồi tưởng buổi đầu gặp gỡ. Từ bữa đó, hễ ban thầy Năm Tú diễn bao nhiêu đêm thì Bạch công tử có mặt bấy nhiêu đêm. Sau khi vãn hát, cậu thường mời cả đoàn ra nhà hàng ăn uống rồi lại trở về Mỹ Tho, hôm sau lại có mặt. Cứ đều đều như thế, khi cần ở lại đêm thì công tử thường ở khách sạn Continental. Rồi khi gánh hát rời Sài Gòn đi lưu diễn, được tin cô Bảy hát ở đâu, cậu đều lái chiếc Fiat-sport tới coi, khi ở Mỹ Tho, Sài Gòn hay Sa Đéc.
Con chim nào bị thương mà chẳng sợ cành cây cong. Nhưng, chính sự trân trọng của Bạch công tử đã khiến cô Bảy xiêu lòng. “Cậu rất chân thành và thẳng thắn, nhất là rất tôn trọng tôi. Kể từ lúc quen tôi, cậu không còn chú tâm đến cô gái nào nữa. Tôi rất bất ngờ, vì biết cậu là một người hào hoa và ong bướm. Sau thời gian dài tìm hiểu, thấy tấm lòng của cậu đối với mình, tôi nghĩ cậu có thể san sẻ được với tôi những khó khăn, trong lúc tôi đang rất cô độc, tôi đã bằng lòng trao cuộc đời mình cho cậu. Tôi cũng nói thêm điều này, sở dĩ tôi xưng hô là “cậu” mà không phải bằng “anh”, bởi tôi quen miệng ngay từ lúc mới gặp cậu và cũng cảm thấy cách xưng hô như vậy thân mật hơn, nên sau này thành vợ chồng rồi, tôi vẫn không sửa.”
Thương cô Bảy đêm đêm vấn tóc soi gương, ngân nga vài câu hát cũ mà mắt hoen lệ, Bạch công tử hứa lập cho cô một gánh hát. Cô Bảy yêu cải lương, cũng biết tính cậu hào phóng, coi tiền như giấy, nhưng trước đề nghị của cậu cô không khỏi băn khoăn, bởi tiền để lập một gánh hát đâu phải ít. Nói là làm, năm 1929, ban hát của Bạch công tử khai trương với bảng hiệu Huỳnh Kỳ tại nhà lồng chợ Mỹ Tho, do cô Bảy vừa làm bầu, vừa hát. Một cuộc sống xán lạn mở ra trước mắt cô, đưa tên tuổi của cô thăng hoa trong nghệ thuật cải lương, nhưng cũng chứa nhiều bi kịch ám ảnh…
Còn tiếp!...
Box: Cô Bảy tài hoa, xinh đẹp, bước ra triệu người biết, vạn người thương, vinh quang có, tỏa sáng có. Nhưng, phải chăng vì được nhiều người thương quá nên ông trời lấy lại bớt mà đường tình cô lận đận, truân chuyên? Ngẫm phận má hồng mệnh bạc, thảng thốt: “Hại thay mang lấy sắc tài mà chi…" |