Bức tường đại học cao vời vợi vẫn là điểm đến của tuyệt đại đa số. Cao đẳng ư, trung cấp ư, trường nghề ư… những lựa chọn “tầm thường” ấy thường rất dễ bị bỏ qua.
Bối rối trước ngưỡng cửa cuộc đời, không phải ông bố bà mẹ nào cũng cho một lời khuyên thực tế?
Từ những tấm bằng ưu đi bán bún...
Tôi có một người bạn, chị năm năm đã ngoài 40 tuổi. Chị tốt nghiệp đại học ngoại ngữ loại ưu. Hơn 15 năm cống hiến cho nhà nước với đồng lương ít ỏi, 2 năm trước, chị đã quyết định “về hưu non” để ra đường bươn chải.
Khi đó, bạn bè ai cũng ái ngại cho chị. Rồi chị mở một cửa hàng bún ở ven hồ Văn Chương (Đống Đa), kèm theo đồ nhậu (bún dọc mùng, sườn mọc kèm theo móng và lưỡi lợn). Từ một cử nhân đại học, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, nói tiếng nước ngoài như gió, giờ chị lại đóng vai một bà bán bún vỉa hè.
Chị kể phải mất khoảng 1 năm, chị mới bỏ được cái cảm giác tự ti”. Rồi cuộc sống cứ cuốn chị đi, lúc nào cũng bận rộn, chẳng còn thời gian để suy nghĩ . Vả lại, công việc làm ăn thuận lợi, cho thu nhập ổn định, chị bắt đầu yên tâm với lựa chọn của mình.
Giờ đây, giữa khu lao động ồn ào, không ít tay anh chị bặm trợn, chị vẫn ngày ngày đon đả mời khách. Chị nói năng nhẹ nhàng, một điều dạ, hai điều vâng. Chị nhớ mặt khách, biết được khẩu vị của từng người…Có ngày cao điểm, chị bán được hơn 300 bát bún và rất nhiều đồ nhậu. Không ít khách hàng đã bảo chị rằng: “Cô ơi, chắc ngày xưa cô chọn nhầm nghề, lẽ ra cô phải làm cô giáo mới đúng, ai lại đi bán hàng thế này”. Chị cứ tủm tỉm cười, chẳng giải thích điều gì. Chị khác những bà bán bún thông thường ở điểm đó…
Một trường hợp khác là chị họ tôi. Tốt nghiệp Học viện kỹ thuật quân sự với 4 năm học cực kỳ nghiêm túc và vất vả, chị được coi là niềm tự hào của họ hàng.
Ra trường 2 năm, chị xin được vào một Tạp chí chuyên ngành. Vừa viết bài, vừa dịch thêm các bài viết về kỹ thuật trên các tạp chí nước ngoài, lương mỗi tháng cũng không quá 3 triệu.
Rồi chị lấy chồng và sinh con. Gia đình chồng khuyên chị ở nhà bởi lương tháng không đủ để gửi con. Nhà chồng sẵn mặt đường, chị mở cửa hàng bán bánh mỳ, giò chả, rồi xoay qua bán bún riêu cua, cuối cùng chị cũng trụ lại với nghề “ cô nuôi dạy trẻ” ở một cơ sở mầm non tư nhân. Chị chọn nghề này vì vừa đi làm, vừa trông được con. Tấm bằng đại học được gói ghém cẩn thận, cất sâu trong đáy tủ…
2 trường hợp trên chỉ là ví dụ điển hình cho hàng trăm, hàng ngàn cử nhân đã và đang cất bằng đại học để chọn cho mình một nghề nào đó phù hợp, vừa vặn để lo liệu cuộc sống.
Công chức chật vật xoay sở sống
Cuối những năm 80, đầu những năm 90, khi cơ chế thị trường đã dần định hình, người ta chứng kiến phố Nhà binh ở Hà Nội (Lý Nam Đế) - nơi toàn những tướng tá và quân nhân cư ngụ, bỗng một ngày đẹp trời “nhà nhà trổ cửa, người người đục tường”. Rồi những quán cà phê, những cửa hàng cửa hiệu mọc lên tới tấp ở con phố mà xưa nay, lúc nào cũng kín cổng cao tường, lúc nào cũng nghiêm trang, trầm mặc..
Nhưng nhà binh thì cũng phải sống, cũng phải thích ứng với cơ chế thị trường, cũng phải làm giàu, cũng phải lo cho con cái. Vì thế, họ không thể đi ngược lại với dòng chảy cuộc sống.
Sắp 30 năm kể từ ngày mở cửa. Tiến trình cổ phần hóa là điều không thể đảo ngược, cộng với cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào cơn bĩ cực, đồng nghĩa với việc hàng vạn lao động bị đẩy ra đường. Thế là những công chức nhà nước vốn quen với cảnh “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nay lại chật vật xoay sở sống.
Trong cảnh nhập nhoạng đó, ai là người thích ứng nhanh, người đó sẽ thành công.
Chân lý không phải ai cũng nhận ra?
Vâng, ai là người thích ứng nhanh, người đó sẽ thành công. Chân lý tưởng chừng rất đơn giản đó nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra.
Vậy thì con cái chúng ta có cần phải học ngày, học đêm, học quên ăn, quên ngủ để giành được những điểm 9, điểm 10 của các thầy cô giáo, để làm đẹp lòng các bậc phụ huynh. Trong khi vứt chúng ra đường, chúng hoàn toàn ngơ ngác trước cuộc sống.
Chúng rất khó khăn để thích nghi. Kỳ thi đại học đang đến gần. Bức tường đại học cao vời vợi vẫn là điểm đến của tuyệt đại đa số. Biết bao sĩ tử đang vật vã với câu hỏi “Vào trường đại học nào thì kiếm được nhiều tiền đây?”.
Đại học, đại học và đại học. Những lựa chọn tầm tầm bậc trung như cao đẳng, trung cấp hay trường nghề… Đó là lựa chọn cuối cùng, lựa chọn bắt buộc khi không còn nơi nào để học…
Trở lại câu chuyện của bà chủ quán bún có bằng đại học tiếng Pháp. Năm nay, con chị cũng đến tuổi thi đại học. Chị bảo: “cháu nó học hành cũng không phải xuất sắc lắm nên chị tính cho cháu đi học làm bánh, sau này có thể xin vào các khách sạn hoặc mở hiệu bánh riêng”... Có lẽ chị quyết định như vậy từ chính những trải nghiệm của bản thân. Chị không cần phải sĩ diện nữa khi đưa ra lời khuyên cho con mình….
Còn bạn thì sao, con bạn có nhất thiết phải vào đại học là con đường thành công duy nhất?