Có kiểm soát được “thịt bán trong 8 giờ”?

Quy định thịt sống sẽ chỉ được bán trong 8 giờ nếu bảo quản ở nhiệt độ thường của Bộ NN&PTNT ngay lập tức có nhiều ý kiến phản hồi.

Nhiều chuyên gia, người tiêu dùng ủng hộ đều nghi ngờ khả năng áp dụng trong thực tế.

Trong khi đó, nhiều tiểu thương lại vô cùng lo lắng.

Khoảng 3h chiều 9/8, theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ trên địa bàn TP.HCM, vẫn còn nhiều sạp bày bán đủ các loại thịt heo.

Làm sao bán hết thịt?

"Trước đây đã có các quy định, tuy nhỏ lẻ nhưng chúng ta vẫn chưa thành công. Việc thực hiện rất khó khăn vì thiếu sự phối hợp, vào cuộc của các lực lượng"

Ông Bùi Quang Anh (nguyên cục trưởng Cục Thú y)

Nhằm tìm hiểu rõ hơn việc thực hiện các quy định liên quan tới điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm tươi sống từ động vật, hôm qua (9-8) Tuổi Trẻ đã liên hệ với lãnh đạo Cục Thú y (cơ quan xây dựng và trình Bộ NN&PTNT ký ban hành thông tư này) nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời về các biện pháp triển khai quy định này.

Đ.BÌNH

Bà Nguyễn Thị Yến, tiểu thương chợ Gò Vấp, gay gắt: “Không biết bộ có hiểu tình hình kinh doanh của tiểu thương hiện nay hay không?”. Bà Yến phân tích bình thường mỗi ngày bà nhập thịt từ chợ đầu mối Hóc Môn về tới sạp đã mất 2-3 giờ vận chuyển. Sau khi đem về sạp bắt đầu lọc, sơ chế cũng mất thời gian, tính ra chỉ còn năm giờ để bán hết số thịt, tức là 11h sáng. “Như vậy làm sao chúng tôi sống được” - bà Yến bức xúc.

Tương tự, chị Dung, chủ một sạp thịt chợ Bàn Cờ (Q.3), khẳng định: nếu chỉ có tám giờ tiểu thương sẽ không thể nào bán hết được số thịt tại sạp. Theo chị Dung, hiện hầu hết các chợ đều phải bán quá trưa sang chiều để vớt vát, không bán được mới đem về bỏ tủ đông. Chị Dung cho biết hiện mỗi ngày chỉ nhập 100-120kg thịt heo về để bán, nhưng phải bán đến 1h-2h chiều mới hết quá nửa. Nếu quy định này được áp dụng, chắc chắn chị sẽ phải giảm tiếp lượng hàng.

Bà Minh, chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), thì cho rằng hiện tình trạng ế ẩm đang diễn ra ở khắp các chợ, muốn bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5OC theo quy định tiểu thương phải có tủ đông ngay bên cạnh sạp. “Nhưng chợ chật chội, điện đóm thiếu an toàn, an ninh không đảm bảo, làm sao chúng tôi dám đem tủ đông vào chợ mà để” - bà Minh phân tích. Đồng thời quy định này cũng buộc tiểu thương phải giảm lượng hàng nhập về để tránh rủi ro.

Hướng dẫn phải cụ thể

Trao đổi với PV, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Đáng cho rằng quy định thịt và phụ phẩm tươi sống để ở nhiệt độ thường chỉ được bán trong vòng tám giờ kể từ khi giết mổ là cần thiết, nhưng Bộ NN&PTNT phải hướng dẫn cụ thể hơn. “Nên quy định cả điều kiện thực hiện, nếu không quy định chỉ để cho vui” - ông Đáng bình luận.

Ông Bùi Quang Anh, nguyên cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho rằng việc ban hành thông tư này rất tốt, phù hợp với Luật an toàn vệ sinh thực phẩm và pháp lệnh thú y. Đặc biệt trong tình hình chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động, việc kiểm soát có nhiều hạn chế thì những quy định mới này hết sức cần thiết. Theo ông Quang Anh, đây là những quy định không mới vì trước đó đã có những quy định lẻ tẻ. Điều quan trọng là tất cả các vấn đề về an toàn thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật đã được tổng hợp, tập hợp vào một quy định để triển khai trong thời điểm mà vấn đề về an toàn thực phẩm đang được rất nhiều người dân quan tâm.

Tuy nhiên, ông Bùi Quang Anh chỉ băn khoăn liệu với những quy định chặt chẽ, cụ thể như vậy, các cơ quan chức năng sẽ triển khai thế nào, kiểm soát ra sao và đặc biệt là xử lý những vi phạm. Theo vị nguyên cục trưởng Cục Thú y này, cần có sự vào cuộc của cả bộ máy từ chính quyền, các ngành chuyên môn đến các lực lượng công an, quản lý thị trường. Làm sao để tất cả thực phẩm từ thịt động vật tươi sống được kiểm soát từ khâu giết mổ, vận chuyển. Phải có tem, dấu kiểm dịch ngay tại lò mổ mới xác định được thời gian, nguồn gốc thực phẩm đó. Bên cạnh đó thực phẩm phải được vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dùng... “Đây là những vấn đề không dễ làm, và tôi cũng như hàng triệu người tiêu dùng đang chờ đợi được sử dụng những thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh” - ông Quang Anh nhấn mạnh.

Sản phẩm phải đủ thông tin

Theo ông Trần Đáng, khi đi tham khảo ở Đức, ông đã thấy hình thức lò mổ cấp cho người bán sỉ thịt một chiếc thẻ thông tin, bao gồm nguồn gốc gia súc gia cầm, thời gian giết mổ, mỗi lô thịt một thẻ thông tin như vậy. Khi cán bộ thú y kiểm dịch, họ có thể kiểm tra luôn thẻ thông tin của lô thịt và có thể kiểm soát điều kiện vệ sinh và bảo quản thịt.

Ông Đáng cho rằng nếu để ở nhiệt độ thường ngoài trời, thịt sống sau tám giờ sẽ có rất nhiều vi khuẩn phát sinh, ngay cả miếng thịt cũng sẽ biến chất và có thể gây độc cho người sử dụng. “Ở các siêu thị, khu bán thịt và sản phẩm tươi sống luôn là khu lạnh nhất. Tại VN, mua bán ở chợ truyền thống vẫn chiếm ưu thế, nên xây dựng kho lạnh tại chợ truyền thống, chợ to có kho to, chợ nhỏ có kho nhỏ, hoặc các chủ hàng trang bị thùng lạnh cỡ nhỏ để bảo quản thịt và hàng tươi sống của mình” - ông Đáng góp ý.

Đồng ý với ông Trần Đáng về việc có quy định là tốt, nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, nếu không có biện pháp cụ thể, quy định sẽ chỉ ở trên giấy tờ. Ông Hùng dẫn chứng hiện hoạt động kiểm soát thú y đối với gia súc lớn như heo (chưa nói đến gia cầm) lưu thông trên thị trường chưa hẳn đều được kiểm dịch. “Cần quy định thêm biện pháp triển khai thì mới hiệu quả” - ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cũng hiến kế nhãn thịt bày bán tại các siêu thị ngoài thông tin ngày giờ đóng gói, hạn sử dụng như hiện nay, thực hiện quy định mới cần có thêm thông tin về thời gian giết mổ để người tiêu dùng xác định được hạn sử dụng chính xác. Ở các chợ truyền thống, các cơ quan thực thi quy định này cũng cần bàn thêm những biện pháp khả thi để quy định có tác dụng thật sự trong an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trứng phải được đóng gói ghi nhãn

Bộ NN&PTNT vừa có thông tư quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Có rất nhiều quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện cơ sở hạ tầng, tiện nghi, công nghệ, quy trình đóng gói. Cụ thể, các cơ sở này phải ở cách biệt với khu dân cư và các nguồn gây ô nhiễm, có nguồn cung cấp điện và nước ổn định. Cơ sở phải được thiết kế thành các khu riêng biệt (khu hành chính, khu vực sản xuất, kho bảo quản trứng và khu xử lý chất thải...).

Đ.BÌNH